NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP HUYỆN CHƯ SÊ SAU 40 THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP HUYỆN CHƯ SÊ SAU 40 THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

     Cách đây 40 năm, thực hiện Quyết định số 34-HĐBT ngày 17/8/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Chư Sê được thành lập trên cơ sở tách 5 xã của huyện Mang Yang cũ, 7 xã của huyện Chư Prông, có diện tích tự nhiên 135.089 ha. Tiếp đến  ngày 27/8/2009, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chư Sê để thành lập huyện Chư Pưh, huyện Chư Sê một lần nữa chia tách với diện tích tự nhiên còn lại là 64.296 ha và khoảng 94.389 dân. 
     Những ngày đầu thành lập, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phải đối diện với nhiều khó khăn như: cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, nguồn nước phục vụ sản xuất còn hạn chế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa phát triển…Song, nhận thấy tiềm năng, lợi thế về nguồn đất đỏ bazan màu mỡ và điều kiện khí hậu ôn hòa phù hợp để phát triển các cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây cao su, cà phê, hồ tiêu. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch mở rộng phát triển diện tích sản xuất trồng trọt, trong đó xác định cây công nghiệp là cây trồng chủ lực; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư kinh phí xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương và đập tạm nhằm phục vụ nguồn nước tưới cho sản xuất trồng trọt. 

Hồ Ia Ring (Ảnh: St)
     Bên cạnh các công trình nước sạch được xây dựng và cung cấp nước sinh hoạt đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch là 79,8%, thì các công trình thủy lợi với trữ lượng chứa nước, năng lực tướilớn lần lượt được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các đập thủy lợi Ia Ring, Ia Glai, PleiKeo, gần 50 công trình đập tạm được xây dựng và hơn 52 km kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo nguồn nước tưới chủ động cho hơn 5.650 ha cây trồng, góp phần quan trọng trong chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ sang trồng hai vụ; nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp.
     Với việc đảm bảo nguồn nước tưới, sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng và đã được những kết quả tốt, đóng góp giá trị ngày càng lớn trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất của huyện. Nhiều cánh đồng lớn được hình thành như: cánh đồng lúa Ayun, cánh đồng mía ở HBông...Đến nay, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện là 4.380 ha, tổng sản lượng thóc đạt 23.534 tấn.Diện tích cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu) được tập trung đầu tư phát triểnvới diện tích hơn 20.000 ha. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp là 3.870 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,85% trong cơ tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp là 3.804,3 tỷ đồng; giá trị sản xuất trồng trọt là 2.603 tỷ đồng, chiếm 68,42% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất chăn nuôi là 640,6 tỷ đồng, chiếm 16,84% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.Các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được đánh giá cao và dần khẳng định được thương hiệu, đến nay toàn huyện có 05 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận với tiêu chuẩn 3 sao. Sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê đã Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể, ghi nhận sự bảo hộ cho Hồ tiêu Chư Sê. Thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” cũng đã được đăng ký bảo hộ tại 08 quốc gia gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Đức, Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Lucxembourg; Đang xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý Chư Sê đối với sản phẩm hồ tiêu.
     Công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong những năm qua cũng đã được chú trọng thực hiện và đem lại hiệu quả tốt; các loại giống lai, giống mới được đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần làm tăng năng suất, sản lượng thu hoạch. Việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất.Đối với các diện tích trồng lúa, trồng cây công nghiệp kém hiệu quả, người dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế của địa phương như: sầu riêng,mít, nhãn...Có những mô hình chuyển đổi cây trồng đã được thực hiện thành công, được nhân dân hưởng ứng, bước đầu đã kết nối được với các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo thành liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng như: Mô hình cánh đồng lúa liên kết, mô hình trồng xen sầu riêng trong các vườn cà phê tái canh; Mô hình trồng dưa lưới, măng tây trong nhà màng, mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thường xuyên bị hạn…
 

Mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Chư Sê (Ảnh: St)
Chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định. Thực hiện chủ trương chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện cho thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp,áp dụng kỹ thuật và công nghệ cao gắn với xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Chuyển dần cơ sở chăn nuôi từ vùng có mật độ dân số cao (thị trấn) đến nơi có mật độ dân số thấp (vùng sâu, vùng xa), hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư. Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 81.515 con.Trong đó, đàn bò là 27.000 con, tập trung nhiều nhất tại các xã HBông, Ayun, BarMăih; đàn lợn là 46.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Blang, Ia H’Lốp, Thị trấn Chư Sê; cung ứng 12.398,75 tấn thịt hơi đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân địa phương và một số thị trường lân cận. Huyện Chư Sê hiện nay cũng là một trong số những địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai được các doanh nghiệp quan tâm, chọn làm địa điểm đầu tư các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 04 trang trại quy mô lớn đã đi vào hoạt động, 14 trang trại quy mô vừa, 57 trang trại quy mô nhỏ và nhiều dự án trang trại chăn nuôi đang xin chủ trương đầu tư.
 

Chư Sê phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại (Ảnh: St)
     Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; Huyện đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện. Ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển sản xuất theo hướng hiện đại hóavà đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các diện tích cây ăn quả, cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm được đẩy mạnh phát triển; nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng các giống mới cho năng suất cao, sử dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, trồng trong nhà lưới, nhà màng... Đến nay, có khoảng 1.200 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao (chiếm 3,5% tổng diện tích gieo trồng). Có 01 dự án  Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, diện tích 127 ha; có 03 dự án đang xin chủ trương đầu tư, diện tích 350 ha. Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được hình thành như: Chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng dâu, nuôi tằm công nghệ cao (70 ha); Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhãn Hương Chi (62,5 ha);Chuỗi liên kết trồng mía (600 ha); Chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca (60 ha); Chuỗi liên kết trồng thâm canh cây sầu riêng (50 ha)…
 
     Mặc dù ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi còn chậm, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp chưa cao; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm tàng các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất; nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn dàn trải, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn tương đối hạn chế… Song, những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chư Sê trong những năm qua là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện với mong muốn hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân (nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số), góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
                                                                                                     Tường Vy

Quay lại