Các loại pháo được phép sử dụng vào dịp tết Nguyên đán

Các loại pháo được phép sử dụng vào dịp tết Nguyên đán

     Để hòa vào không khí vui xuân đón Tết Nguyên Đán một cách hân hoan, trọn vẹn và vui tươi, vào thời khắc được mong chờ nhất, thời khắc giao thừa chuyển giao tạm biệt năm cũ đã qua và đón chào năm mới; nhiều người dân thường cùng gia đình đi xem bắn pháo hoa tại các điểm tập trung ở các tỉnh, thành phố; cũng có hộ dân lại tự ý sử dụng pháo ngay tại tư gia. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng hiểu hay nắm rõ được các quy định về các loại pháo được phép sử dụng vào dịp tết Nguyên đán.
     Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì các loại pháo, sản phẩm pháo được phép sử dụng tại nước ta bao gồm: 
1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.
3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.
4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, mọi người được phép sử dụng các loại pháo sau đây mà không bị nghiêm cấm:
- Pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại;
- Que hương phát sáng;
- Các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Các hành vi sử dụng pháo nổ không đúng quy định trong dịp Tết sẽ bị xử lý như thế nào? Điều 4 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm:1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.
2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.
3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.
4. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.

Tàng trử và sử dụng pháo vào dịp tết không đúng quy định
sẽ bị xử lý nghiêm (Ảnh minh họa)
     Như vậy, việc sử dụng trái phép pháp nổ sẽ bị nghiêm cấm. Hành vi đốt pháo trong dịp Tết âm lịch  tùy tính chất, mức độ nguy hiểm mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với xử phạt hành chính: Theo Khoản 2b, Khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì việc sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đối với xử lý hình sự: Mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC cũng hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ, theo đó, người đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng.
Lê Loan (Tổng hợp)

Quay lại