CHUYÊN MỤC

Tin tức > Pháp luật và Đời sống > Làng Gran nơi “giữ gìn” linh hồn tiếng cồng chiêng

Làng Gran nơi “giữ gìn” linh hồn tiếng cồng chiêng

18/01/2018

Trong khi nhiều làng đang dần vắng bóng tiếng cồng chiêng và đứng trước nguy cơ mai một thì ở làng Gran, xã Ia Hlốp ( huyện Chư Sê) địa phương chỉ có 72/96 hộ dân tộc Jrai nhưng còn lưu giữ đến 11 bộ cồng chiêng. Có được thành quả này phải kể đến vai trò của già làng, nghệ nhân trong việc truyên truyền, vận động nhân dân, con cháu trong gia đình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

ông Siu Khlơi người dành cả cuộc đời gắn bó với văn hóa cồng chiêng
 
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Siu Khlơi người được cả dân làng yêu quý và nể phục bởi ông có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Qua trò chuyện với ông Khlơi được biết, gia đình ông hiện nay còn lưu giữ 02 bộ chiêng rạp và chiêng treo. Thấy mọi người ai cũng tò mò và thích thú với cồng chiêng, ông Khlơi liền đi vào trong phòng lấy ra một bộ chiêng rạp sau đó chỉ tận tình về chức năng từng cái chiêng và hướng dẫn kỹ thuật đánh chiêng như thế nào để có được một âm thanh hay và đúng nhịp. Vừa hướng dẫn xong ông liền đánh thử vài nhịp quen thuộc về những bài hát truyền thống mà đội cồng chiêng của làng hay biểu diễn như: lễ mừng lúa mới, bỏ mã, đâm trâu….Mặc dù chưa nghe trọn bài nhưng chỉ qua những âm thanh vọng ra cũng đã đủ để cho tôi cảm phục về tài năng đánh cồng chiêng của ông và hiểu rõ hơn về tình yêu văn hóa cồng chiêng của đồng bào Jrai đang làm ăn, sinh sống trên vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió này.
Ông Siu Khlơi cho biết: “ Mình yêu thích cồng chiêng từ lúc còn nhỏ, qua những lần được bố chỉ dạy cách đánh thế nào để có một âm thanh hay, lúc đầu mới biết đánh mình chỉ dùng chiêng nhỏ. Rồi cứ mỗi khi trong làng có lễ hội gì mình lại tham gia tập luyện và dần dần đánh được thành thạo một số bài quen thuộc mà những nghệ nhân trong làng hay biểu diễn. Muốn đánh chiêng hay thì phải có một sự đam mê và tập luyện lâu dài còn tập một hai ngày thì rất khó sử dụng nhạc cụ này.”
Còn theo ông Siu Dơng người uy tín của làng Gran cho hay: “Hiện nay mặc dù một số hộ gia đình trong làng vì cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên đã bán đi bộ cồng chiêng quý nhưng với ông việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc lúc nào cũng đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu, bởi lẽ nếu bị mai một thì các cháu thanh thiếu niên lớn lên sẽ không hiểu biết gì về những loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào mình trong đó cồng chiêng là một loại nhạc cụ không thể thiếu vắng trong cuốc sống của đồng bào Tây Nguyên.”
Chia sẻ về bí quyết để giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng của làng, ông Siu Krế, Bí thư chi bộ làng Gran cho biết: “Cứ mỗi khi tổ chức họp làng tôi thường kết hợp với việc nói chuyện và tuyên truyền cho bà con trong việc giữ gìn các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong đó có cồng chiêng. Trong làng hiện có một đội cồng chiêng với 18 người tham gia. Cứ có lễ hội gì các nghệ nhân họ tham gia rất nhiệt tình trong việc tập luyện và chỉ dạy cho các cháu biết thêm vài bài chiêng cổ. Hiện nay trong làng có khoảng 50 người sử dụng được cồng chiêng và đánh thành thạo nhiều bài hát truyền thống của dân tộc.
Bài, ảnh: Huy Hoàng
           
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang