CHUYÊN MỤC

Tin tức > Pháp luật và Đời sống > MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ VÀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ VÀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

30/01/2018

Thừa kế có vai trò quan trọng từ rất lâu trong xã hội loài người, ngày nay khi kinh tế - xã hội phát triển, khối lượng tài sản thuộc sở hữu tư nhân có giá trị ngày càng cao và quyền sở hữu cá nhân được luật pháp công nhận và bảo vệ. Tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Các chế định về thừa kế chúng ta luôn được kế thừa, phát huy và ngày càng hoàn thiện (Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Bộ Luật dân sự năm 1995, Bộ Luật dân sự năm 2005,  Bộ Luật dân sự năm 2015).
Tuy nhiên qua thực tế cho thấy ý thức pháp luật về thừa kế trên địa bàn huyện chưa được phát huy tốt, vấn đề tranh chấp về thừa kế vẫn còn diễn ra thường xuyên. Để phát huy tốt các quy định pháp luật về thừa kế và hạn chế các tranh chấp phát sinh chúng ta cần biết một số quy định cơ bản sau:
 

Ảnh minh hoạ
 
Quyền thừa kế: Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di trúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
Thừa kế theo pháp luật: Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định” và áp dụng trong trường sau:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối  nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản  có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Di sản: Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Di chúc: Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” và Khoản 2 Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “người chưa thành niên từ đủ mười lăm cho đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”.
Hình thức di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc bằng miệng.
Di chúc bằng văn bản gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Di chúc miệng gồm: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chức miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Hình thức di chúc không trái quy định của luật. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực, chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Thừa kế quyền sử dụng đất:
Người để lại thừa kế: Điều 179 luật đất đai năm 2013 quy định “Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Như vậy, người để lại thừa kế có thể là bất kỳ cá nhân nào được nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất thỏa mãn điều kiện thực hiện quyền thừa kế.
Người nhận thừa kế Bao gồm: Người được nhận thừa kế theo ý chí của người để lại thừa kế; Người được nhận thừa kế theo pháp luật bao gồm: Những người được thừa kế theo quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng và quan hệ huyết thống theo pháp luật dân sự quy định. Những cá nhân, tổ chức được hưởng quyền giao đất, thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất do ý chí của người để lại di chúc. Cá nhân được thừa kế theo pháp luật dân sự: có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại thừa kế.
Điều kiện của người để lại thừa kế: Theo quy định tại điều 188 Luật đất đai 2013, những điều kiện cơ bản bao gồm: Người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai. Còn thời hạn được sử dụng đất; Đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
Điều kiện người nhận thừa kế: Thoã mãn các điều kiện về thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết; Cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Thủ tục pháp lý thừa kế quyền sử dụng đất: Trước khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, những người được hưởng di sản thừa kế phải tiến hành phân chia di sản; Việc phân chia di sản được lập thành văn bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có di sản. Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản được xác nhận, những người thừa kế tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nơi có đất theo quy định luật đất đai./.
LS. Tuấn
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang