CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Anh Nguyễn Hữu Phước, xã Chư Pơng – người tiên phong thay đổi cách thức chăn nuôi Heo để phòng chống

Anh Nguyễn Hữu Phước, xã Chư Pơng – người tiên phong thay đổi cách thức chăn nuôi Heo để phòng chống dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế

13/10/2020

    Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh ở đàn heo diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn quốc nói chung và huyện Chư Sê nói riêng. Để chủ động phòng chống tái dịch trong thời gian tới, ngành nông nghiệp duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học. Đã có nhiều hộ gia đình, trại chăn nuôi heo thay đổi cách thức chăn nuôi để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vươn lên làm giàu. Điển hình là trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Phước (SN 1985, làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
    Bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi heo, từ năm 2012 đến nay anh Phước đã thành công và xây dựng được trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với quy mô 80 con heo nái và gần 300 con heo thịt, lãi thu về hơn 200 triệu đồng/tháng.
     Một trong những yếu tố giúp anh thành công là nhờ anh có nền tảng kiến thức chuyên ngành chăn nuôi được đào tạo bài bản trong Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên và thường xuyên tìm tòi, học tập các kinh nghiệm hay, cách làm mới qua trao đổi với bạn bè, đọc sách báo và các tạp chí khoa học, chăn nuôi để luôn đổi mới cách thức chăn nuôi của trại mình cho phù hợp với tình hình thực tế.
     Trong chăn nuôi heo ngoài các yếu tố con giống, thức ăn, cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh… thì âm thanh, tiếng động lớn đột ngột cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, sinh trưởng và phát triển của heo. Mỗi lần đổ cám cho heo ăn, hay khi chủng vắc xin phòng bệnh, vệ sinh, quét dọn chuồng trại thì đàn heo thường hay bị giật mình, hoảng loạn. Để khắc phục vấn đề đó, anh Phước đã tìm tài liệu để nghiên cứu, thử nghiệm phản ứng của đàn heo khi anh cho nghe nhạc. Nhận thấy chúng có phản ứng khá tích cực, anh đã mạnh dạn đầu tư ngay dàn âm thanh rồi mở những bản nhạc trữ tình cả ngày lẫn đêm cho heo nghe.
     Trên thực tế, thế giới đã có nhiều thí nghiệm để chứng minh âm nhạc có tác dụng với mọi loài vật. Theo TS Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho biết: năm 2012 các nhà khoa học Đại học Bang Colorado (Mỹ) từ một thí nghiệm trên 117 con chó, đã phát hiện rằng chó ngủ nhiều nhất khi nghe nhạc cổ điển, thể hiện là chúng được thư giãn. Phản ứng này cũng tương tự như ở con người. Còn đối với mèo thì khi cho nghe những bài hát nhẹ nhàng đã làm cho con vật ăn nhiều hơn. Còn đối với bò sữa, nhạc làm tăng sản lượng sữa thêm 3%, tức 0,73 lít/ngày. Kết quả này thu được qua một thí nghiệm được tiến hành trên một trại bò quy mô cả ngàn con và nhạc chúng ưa thích là những ca khúc mà con người cũng say đắm. Đối với vật nuôi sinh sản, yếu tố di truyền chỉ chiếm 10%-30%, tác động của các yếu tố khác như thức ăn, nước uống, chăm sóc, môi trường… sẽ ảnh hưởng rất lớn. Còn đối với vật nuôi lấy thịt thì yếu tố di truyền cao hơn, đến 40%-50%. Âm thanh nhẹ nhàng sẽ khiến vật nuôi không bị stress, thoải mái và phát triển tốt.
     Với tính cách vui vẻ, cởi mở, anh thanh niên Hữu Phước chia sẻ: sau khi áp dụng cách thức cho heo nghe nhạc thường xuyên, đàn heo trở nên lanh lẹ, dạn dĩ hơn, khi có người lạ vào chúng vẫn hoạt động bình thường không xáo động, kêu la như lúc trước. Nên ngoại trừ yếu tố phòng bệnh thì vấn đề để khách vào tham quan không còn đáng lo ngại nữa. Đàn heo không nằm ì mà luôn vận động, nên tăng trọng đều, thịt chắc và giảm hẳn dịch bệnh. Đối với heo nái, khi được nghe nhạc, tỷ lệ đậu thai cao, giống tốt, giai đoạn nuôi con thì tiết ra lượng sữa nhiều hơn


Hình: Anh Nguyễn Hữu Phước bên khu chăn nuôi heo nái của trang trại.
     Một trong những chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá hiệu quả của cách làm này đó là khả năng tiêu tốn thức ăn/ kg tăng trọng khối lượng cơ thể. Theo định mức chăn nuôi heo ban hành kèm theo quyết định số: 54/QĐ-BNN-KHCN, ngày 09/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về định mức tạm thời áp dụng cho các mô hình thuộc Dự án khuyến nông Trung ương lĩnh vực Chăn nuôi, thì khả năng tiêu tốn thức ăn/ kg tăng trọng khối lượng cơ thể đối với heo ngoại là 2,8 kg. Trong khi theo anh Phước, chỉ hơn 5 tháng, heo ăn hết khoảng 200 kg cám đã đạt trọng lượng khoảng 100kg, đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. So với chăn nuôi thông thường, lượng thức ăn giảm đi khoảng 80kg/con tương đương tiết kiệm chi phí thức ăn đầu vào được khoảng 800.000đ/con. Như vậy với cách chăn nuôi này, hiệu quả kinh tế tăng lên một cách đáng kể.
    Bên cạnh việc cho heo nghe nhạc, anh còn đầu tư cả hệ thống máng ăn tự động để khắc phục tiếng ồn khi vào đổ cám, giảm nhân công lao động và heo có thể ăn được mọi lúc. Đối với heo đẻ, anh sử dụng hệ thống máy vi tính để theo dõi. Hạn chế việc vào kiểm tra trực tiếp gây ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa, nuôi con của heo mẹ.
 
Hình: Trực heo đẻ bằng máy vi tính
     Theo quan điểm của anh, trong chăn nuôi thì vấn đề xử lý chất thải rất quan trọng. Nếu không quản lý tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Thế nên ngay từ khi hình thành ý tưởng xây dựng trang trại chăn nuôi anh đã chủ động tìm hiểu các phương pháp xử lý chất thải và cho xây dựng hệ thống các ao lắng. Chất thải của trang trại sẽ được giữ lại và xử lý bằng men vi sinh trong các ao lắng, phần nước thải sau khi qua nhiều ao lắng đã trong vắt, được dùng để tưới cà phê và cây ăn quả, chất thải rắn còn lại anh sử dụng máy ép phân để tách hết nước, tạo ra nguồn phân sạch bón cho cây trồng hình thành 1 chuỗi khép kín.
     Ngoài ra, theo anh Phước yếu tố tiên quyết để thành công trong chăn nuôi đó là người chăn nuôi phải tuân thủ khắt khe các quy tắc phòng bệnh. Con giống trang trại của anh sử dụng để nuôi thịt là tự cung, tự cấp từ 80 con héo nái đã được tuyển chọn, sàng lọc kỹ ngay trong giai đoạn hậu bị và heo con từ khi đẻ ra đã được phòng bệnh bằng các loại vắc xin theo đúng quy trình chăn nuôi. Nhân công, khách tham quan (rất hạn chế) phải tuân thủ quy định vệ sinh nghiêm ngặt khi vào trại: Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy dép vào hố khử trùng. Vào thời điểm dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, trạng trại anh luôn trong tình trạng cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập để kiểm soát tốt dịch bệnh. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh khu chăn nuôi. Sau khi heo thịt xuất chuồng phải có thời gian giãn cách ít nhất 07 ngày, không được nuôi ngay để xử lý mầm bệnh một cách triệt để.
     Trong thời gian tới, định hướng của huyện Chư Sê về chăn nuôi đó là: phấn đấu cơ giới hóa chăn nuôi chuồng trại, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống trong trang trại chăn nuôi tập trung đạt trên 80%; Cơ giới hóa vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi đạt 80%; Tập trung đẩy mạnh hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần của Nghị Quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 của Huyện ủy Chư Sê về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện, thì hướng đi của trang trại anh Nguyễn Hữu Phước xã Chư Pơng phù hợp với tình hình thực tế, định hướng phát triển và là một mô hình đáng để người chăn nuôi học tập./.
Uyên Ny

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang