CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - NHỮNG TÁC ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHƯ SÊ

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - NHỮNG TÁC ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHƯ SÊ

04/06/2020

     Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Với tổng diện tích cà phê nhân dân đang trong giai đoạn chăm sóc và kinh doanh hiện tại là 9.740 ha; Chư Sê là một trong các huyện có diện tích cà phê lớn của tỉnh. Mặc dù năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhưng phát triển cà phê của tỉnh Gia Lai hiện nay nói chung và huyện Chư Sê nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiếu tính bền vững do tác động của nhiều yếu tố. Đặc biệt trong đó là tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu như mưa gió thất thường, hạn hán kéo dài, sự sụt giảm mực nước ngầm gây khô hạn ở nhiều vùng sản xuất cà phê đang trở thành vấn đề nan giải, ngày càng ảnh hưởng rõ nét và sâu sắc đến quá trình canh tác cà phê của bà con nông dân trên địa bàn huyện.
     Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong tương lai gần biến đổi khí hậu sẽ ngày càng làm cho chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận giảm đi khiến cà phê có thể không còn chiếm ưu thế so với những cây trồng khác. Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng, số ngày nóng cũng sẽ tăng lên làm gia tăng các loại sâu bệnh hại trên cây cà phê như rệp sáp, bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm, ve sầu hại rễ.... Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm mưa bất thường vào thời điểm thu hoạch (tháng 12, tháng 01) khiến cây cà phê ra hoa, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và năng suất. Trong khi các vườn cà phê lâu năm trên địa bàn huyện chủ yếu trồng từ các giống thực sinh cũ, chất lượng không cao, không thể thích ứng với những diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Cây cà phê là cây trồng cần nhiều nước tưới, phương pháp tưới truyền thống hiện vẫn là phương pháp chính được sử dụng trong các vườn cà phê, đặc biệt là cà phê nông hộ đã gây sụt giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý đã khiến đất trồng cà phê ngày càng xuống cấp. Biến đổi khí hậu khiến cho việc sản xuất cà phê không thể thực hiện theo kiểu truyền thống như trước (tưới lãng phí nước, lạm dụng phân bón…) mà cần có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, áp dụng các giống mới, tưới tiết kiệm nước, xen canh các cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp, nâng cao nhận thức, đặc biệt là kỹ năng sản xuất cà phê của nông hộ


Biến đổi khí hậu làm giảm năng suất cây cà phê (Ảnh minh họa)
     Định hướng trong thời gian tới trên địa bàn huyện vẫn là ổn định, duy trì diện tích cà phê, tái canh các vườn cà phê già cỗi; đồng thời có những giải pháp đồng bộ để phát triển cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; từ khâu chọn giống, tưới nước, dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh hại, thu hoạch, sơ chế, đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê. Một số giải pháp cần được chú trọng và đã, đang trong quá trình thực hiện (các giải pháp nghiên cứu theo sáng kiến kinh nghiệm năm 2019 đã được UBND huyện công nhận):
Một là: Nghiên cứu, bố trí cơ cấu giống hợp lý. Theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, các nông hộ nên chuyển đổi cơ cấu giống thích hợp bằng việc tái canh cà phê, chủ yếu là đưa các bộ giống mới vào trồng đại trà để thích nghi với biến đổi khí hậu. Đó là bộ giống cà phê chín trung bình (tầm chín từ tháng 11 đến tháng 12), gồm các giống như TR4, TR5, TR7, TR8, TR13, TR9, TR11, TR12; bộ giống chín muộn (tầm chín từ đầu tháng 01 đến đầu tháng 02 năm sau), với các giống như TR6, TR14, TR15 và giống cà phê vối lai TRS1)... Đây là các bộ giống cà phê vối không những cho năng suất cao từ 05 đến 07 tấn cà phê nhân/ha mà còn có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kháng cao với bệnh gỉ sắt.
Hai là: Đẩy mạnh tái canh bằng giống mới với độ đồng đều cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức cấp 238.440 cây giống cà phê cho 433 hộ để thực hiện tái canh với tổng diện tích là 216,76 ha. Giống cà phê được cấp là giống cà phê vối lai TRS1 thuộc bộ giống chín muộn có nguồn gốc từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Đây là giống có năng suất cao, chất lượng hạt tốt không thua kém so với các giống chọn lọc bằng con đường vô tính. Trong năm 2020, Trung tâm sẽ tiếp tục cấp hỗ trợ 292.875 cây giống cà phê cho 474 hộ với tổng diện tích là 266,25 ha để thực hiện tái canh trên địa bàn 12 xã, thị trấn khi mùa mưa tới.
 

Giống cà phê vối lai TRS1 cấp cho bà con
Ba là: Mở rộng diện tích tưới nước tiết kiệm (theo nguyên lý phun mưa tại gốc). Hiện nay việc tưới nước cho cây cà phê tồn tại nhiều bất cập, lãng phí gây ra thiếu hụt nguồn nước, suy thoái môi trường. Khi áp dụng kỹ thuật tưới này nông dân có thể bón phân qua hệ thống tưới, giảm lượng phân bón từ 30 - 40%, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường.
Bốn là: Tăng cường trồng cây che bóng, cây chắn gió; đảm bảo cho vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, ổn định. Hệ thống cây che bóng, chắn gió giúp điều hòa được khí hậu vườn cây, điều tiết sự ra hoa, đậu quả, giảm được bệnh khô cành cũng như cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất mặt tránh tác hại sự thiêu đốt chất hữu cơ do ánh sáng mặt trời, tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho đất. Cây che bóng còn giúp kéo dài quá trình chín của quả, tăng độ axít và hàm lượng succrose trong hạt - những yếu tố quan trọng để hình thành các hợp chất thơm, giúp cải thiện phẩm chất cà phê.
Năm là: Trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp phù hợp. Các cây trồng xen như bơ, sầu riêng, mắc ca… vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế vừa giảm nguy cơ khi có rủi ro xảy ra; mặt khác, những loại cây này che bóng, chắn gió tốt cho vườn cà phê. Trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê là cách làm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Năm 2019, Trung tâm đã thực hiện đầu tư hỗ trợ 38 mô hình (38 hộ) đầu tư hỗ trợ sản xuất trồng xen sầu riêng trong các vườn cà phê tái canh tại 04 xã. Các loại cây trồng xen vừa có tác dụng chắn gió, che bóng, giữ ẩm tốt cho đất; vừa giúp cây cà phê cho năng suất ổn định và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sáu là: Thực hành canh tác hợp lý nhằm giảm chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cách giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng bằng cách canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trồng giống mới, sử dụng phân bón cân đối, thuốc bảo vệ thực vật theo 04 đúng, thu hái cà phê khi đã chín.
Bảy là: Đẩy mạnh công tác khuyến nông đối với lĩnh vực trồng tái canh, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa một số khâu chăm sóc, thu hái và chế biến cà phê; nhất là khâu sơ chế, bảo quản cà phê ở nông hộ. Xây dựng mô hình và tập huấn chuyển giao cho người sản xuất kết hợp tốt quy trình tái canh cà phê vối với tổng kết kinh nghiệm có hiệu quả để nhân rộng sản xuất.
Tám là: Nâng cao trình độ sơ chế cà phê tại nông hộ. Đầu tư, nâng cấp sân phơi và máy sấy đối với sơ chế cà phê bằng phương pháp khô; khuyến khích nông dân hợp tác trong sơ chế cà phê thóc quy mô vừa và áp dụng phương pháp chế biến ướt, hoặc bán ướt đối với cà phê vối.
Chín là: Sử dụng các sản phẩm phục vụ sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất cà phê bền vững như sản phẩm phân bón lá chuyên dùng cho cà phê: NUCAFE, chế phẩm sinh học xử lý vỏ cà phê làm phân bón hay chế phẩm sinh học phòng trừ rệp sáp hại rễ cà phê, bà con có thể lựa chọn khi cần thiết để sử dụng.
     Thực hiện tổng thể các biện pháp sản xuất cà phê bền vững sẽ có nhiều tác động tích cực, góp phần xây dựng ngành cà phê phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Với những giải pháp như trên, chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các đoàn thể, vấn đề biến đối khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại và ảnh hưởng nhiều tới năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện.
Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang