CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHƯ SÊ

CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHƯ SÊ

17/04/2020

     Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do virut gây ra trên động vật: lợn, trâu, bò, hươu hay dê. Virut xâm nhập qua đường tiêu hóa là chủ yếu, vi rut vào cơ thể qua niêm mạc miệng, ngoài ra vi rut có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trên da nhất là da ở vú. Khi vi rut xâm nhập vào cơ thể gây bại huyết, con vật có thể chết


Hình ảnh: Chuồng nuôi bò tận dụng, tạm bợ gây khó khăn trong công tác tiêm phòng tại làng
Pa Pết, xã Bờ Ngoong. (Uyên Ny)
 
    Ngày 17/02/2016, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành quyết định số: 476/QĐ-BNN-TY về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 – 2020”, nhờ công tác tiêm phòng vắc xin được thực hiện đảm bảo vì vậy dịch bệnh LMLM giai đoạn này đến thời điểm hiện tại không xảy ra trên địa bàn huyện Chư Sê.
     Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Chư Sê được phân bổ 131.425 liều vắc xin LMLM từ Chi cục Chăn nuôi và thú y Gia Lai. Trong đó vắc xin LMLM Type O: 95.375 liều; Vắc xin Type O – A: 36.050 liều. Mỗi năm có hơn 3.700 hộ dân trên địa bàn huyện có gia súc được tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn trâu, bò.
     Trong quá trình triển khai tiêm phòng, bên cạnh những thuận lợi như: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương và tạo mọi điều kiện để người trực tiếp tiêm phòng hoàn thành nhiệm vụ; Lực lượng tham gia tiêm phòng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tiêm phòng; Người dân có chăn nuôi trâu, bò đa số đồng tình và hưởng ứng chương trình tiêm phòng vắc xin LMLM…thì công tác tiêm phòng còn có những tồn tại, đó là: tiến độ tiêm phòng so với khả năng thì vẫn còn chậm. Nguyên nhân: Thú y viên của 01 xã còn chưa tuyển dụng và một số là kiêm nhiệm nên còn yếu về chuyên môn hơn nữa phụ cấp và kinh phí hỗ trợ tiêm phòng còn thấp so với rủi ro nếu có, nên không khuyến khích được cán bộ thú y tận tâm với công việc; do ảnh hưởng của dịch bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi; cán bộ tiêm phòng phải dành nhiều thời gian để vận động các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí và nhận thức còn hạn chế không đồng ý tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi; nhiều hộ có trâu, bò đang mang thai không đồng ý cho tiêm phòng vắc xin; Hình thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, đồng bào dân tộc thiểu số còn thả rông, nuôi ngoài nương rẫy, chuồng trại tạm bợ,... Công tác triển khai tiêm phòng vắc xin theo cụm còn gặp khó khăn do các xã nằm cách xa nhau. Công tác bám sát địa bàn, kiểm tra, giám sát tiêm phòng vắc xin gặp khó khăn do biên chế viên chức thú y huyện còn thiếu.
     Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh LMLM cho đàn trâu, bò giai đoạn tiếp theo (2021 – 2025) để khống chế dịch bệnh LMLM triệt để, hạn chế gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Có kế hoạch đào tạo nâng cao chuyên môn cho hệ thống thú y viên cơ sở để đáp ứng được công tác tiêm phòng vắc xin, công tác phòng chống, khống chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cần có chương trình triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM hỗ trợ cho người chăn nuôi dê và lợn trên địa bàn huyện để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả các bệnh LMLM ở động vật; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.
Uyên Ny

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang