CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CHƯ SÊ: HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2017)

CHƯ SÊ: HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2017)

21/07/2017

Tháng 7 năm 1947, Để ghi nhớ công lao to lớn của các Liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã trải qua biết bao gian khổ, cống hiến xương máu, mất mát, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ban thường trực Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Người đồng ý chọn “Ngày 27/7 là ngày để nhân dân tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ”. Người viết:
“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn những người con anh dũng ấy”
Sinh thời, năm nào vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Hồ Chủ tịch đều gửi thư và quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải "biết ơn và hết lòng giúp đỡ" thương binh, gia đình liệt sĩ, trong thư Người viết:
“...Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu ...”.“... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào …Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ".“... Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ".“... Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần...”.
Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai sau hơn 37 năm được thành lập, xây dựng và phát triển, luôn khắc ghi sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ, tỏ lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người có công, tăng cường các hoạt động chăm sóc gia đình người có công với cách mạng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Kịp thời giải quyết xét duyệt chế độ cho người hoạt động kháng chiến, người hưởng chính sách và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của Nhà nước.
Hằng năm, đến 27/7 - Ngày "Thương binh liệt sĩ", Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện luôn có những hành động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình người có công cách mạng. Trên địa bàn huyện Chư Sê có 6.639 người tham gia kháng chiến, 01 Anh hùng lực lượng vũ trang, 04 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hiện đang quản lý và chi trả trợ cấp cho 1.581 người có công với cách mạng. Có 05 Đài tưởng niệm ghi tên các liệt sĩ tại các xã Ia Hlốp, Ia Ko, Al Bă, Ia Blang và xã Dun. Nghĩa trang liệt sĩ huyện có 383 phần mộ liệt sĩ, trong đó: có danh 316 liệt sĩ, không có danh 67 liệt sĩ, 33 liệt sĩ đã được thân nhân chuyển về với quê hương. Trong những năm qua, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc các công trình ghi tên liệt sĩ; phát động mạnh mẽ các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như:
Chương trình xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”: cấp huyện và 100% các xã, thị trấn xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” có nguồn kinh phí chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng “yên ổn về vật chất, vui vẽ về tinh thần”.
Chương trình trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa: tặng sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ trị giá từ 02 triệu đến 06 triệu đồng;
Chương trình chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT), đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi: Bưu điện huyện nhận chăm sóc đến cuối đời Mẹ VNAH Hà Thị Vọng; Công ty TNHH MTV Cao Su Chư Sê nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Rơ Mah Amĩa và Anh hùng LLVT Kpui Thu; Công ty TNHHMTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Siu H’Bép; Công ty TNHHMTV Trang Đức Gia Lai nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Rah Lan Jel.
Chương trình chăm sóc, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng: Xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa và làm mới nhà ở cho các đối tượng gia đình chính sách thương bệnh binh; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ đời sống, hỗ trợ xây dựng vườn cây tiêu, cà phê sản suất nông nghiệp; thường xuyên tổ chức thăm hỏi tặng quà cho người có công cách mạng; ngoài ra còn tổ chức thăm và tặng quà của Chủ tịch nước cho một số gia đình chính sách nhân dịp tết Nguyên đán hàng năm; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh…
Đấy là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội, cho đất nước như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Lễ nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Siu H’Bép
Thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), ngay từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, từ đó tích cực tham gia rộng rãi nhiều phong trào thi đua, tạo nguồn lực góp phần chăm lo giúp đỡ tinh thần, vật chất đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với nước; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Cụ thể như: nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ huyện quy mô hơn 200m2, với vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, công trình thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, truyền đạt và giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên; tiếp nhận nguồn kinh phí xã hội hóa cấp tỉnh và huy động các nguồn lực tại địa phương hoàn thành xây dựng và sửa chữa 108 căn nhà cho người có công với cách mạng (trong đó xây mới 53 căn, sữa chữa 55 căn), trị giá hơn 3,7 tỷ (50 triệu đồng/căn xây mới và từ 20 triệu đến 25 triệu/căn sửa chữa); lập danh sách 700 thương binh, bệnh binh đề nghị đi điều dưỡng sức khỏe tại Quảng Nam; Hoàn thành điều tra thông tin 1.183 thân nhân liệt sĩ; tiếp đón 35 lượt thân nhân liệt sĩ tại địa phương, cũng như thân nhân liệt sĩ ở các khắp các vùng miền của đất nước đến thăm viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện; phát động phong trào vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”  hơn 175 triệu đồng;…
Trong thời gian đến sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực Người có công với cách mạng; tổ chức dọn dẹp vệ sinh các nhà bia ghi tên Liệt sĩ tại các xã; phát động toàn dân tìm kiếm, phát hiện hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, tổ chức bốc cất đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện an táng; Tổ chức thăm tặng quà của Chủ tịch nước, tỉnh, huyện đến từng nhà đối tượng chính sách; tổ chức thắp nến tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện; tổ chức tọa đàm kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cách mạng, đồng thời kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và gương điển hình thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng tiêu biểu, gương mẫu trong lao động sản xuất, góp phần tham gia đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống tại địa phương.
 
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Chư Sê
Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Người có công với cách mạng, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” vẫn còn nhiều thiếu sót như một số bộ phận cán bộ chưa chú tâm nghiên cứu quy định, chưa tận tình giúp đỡ người hoạt động kháng chiến lập hồ sơ để được hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và quy định của Nhà nước dẫn đến một số trường hợp người có công vì nhiều lý do chưa được công nhận kịp thời; một số tập thể cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ công chức viên chức chưa coi trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa” không thực hiện đóng góp hoặc đóng góp không đầy đủ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Vì vậy, trong thời gian sắp đến và những năm tiếp theo, để thực hiện tốt hơn nữa công tác Người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cần phải tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Đảng và Hồ Chủ tịch về chăm sóc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm của toàn xã hội đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; Thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi Người có công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI) thông qua ngày 29/6/2005, đảm bảo thực hiện đầy đủ, chu đáo các chế độ chính sách của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ”, thực hiện tốt công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc giúp đỡ bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn; Kịp thời biểu dương, động viên, khích lệ và tạo mọi điều kiện cho những người thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, gương mẫu hưởng ứng các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.
Trao tặng nhà tình nghĩa cho ông Đinh Nhơr – đối tượng Bệnh Binh – làng Tôk, xã Ia Glai
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê dành những tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, biết ơn những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để cho mỗi chúng ta có được cuộc sống thanh bình và hạnh phúc ngày hôm nay. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau.
                                                                                      T.M.N
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang