CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CHƯ SÊ – KỲ VỌNG TỪ MÔ HÌNH “NÔNG HỘI”ĐẦU TIÊN

CHƯ SÊ – KỲ VỌNG TỪ MÔ HÌNH “NÔNG HỘI”ĐẦU TIÊN

12/05/2020

     Với mục tiêu vận động thành viên thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; giảm giá thành, tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giúp nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường và điều kiện liên kết sản xuất, tiêu thụ; cao hơn nữa là xây dựng tinh thần hợp tác của người dân, xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả... Theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chư Sê bước đầu đã xây dựng thành công mô hình “Nông hội” đầu tiên tại xã Ia Ko


Nuôi dê để thoát nghèo (Ảnh minh họa)
 
     Nông hội là thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, tự lập, tự chủ, hoạt động theo nguyên tắc “3 không” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Đây là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp hay các lĩnh vực văn hóa, xã hội..., và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Thời gian sinh hoạt của nông hội rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, chăm lo gia đình....
     Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về lựa chọn, thành lập và ra mắt các mô hình “Nông hội” phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương và lấy ý tưởng từ mô hình “Hội quán” của tỉnh Đồng Tháp, xã IaKo đã thành lập Mô hình Nông hội là những nông dân có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, cùng sở thích, cùng ngành nghề sản xuất, chăn nuôi dê trên địa bàn và lấy tên là “Nông hội Ia Ko”; đây cũng là mô hình nông hội đầu tiên tại huyện Chư Sê.
     Nông hội Ia Ko dù chỉ mới thành lập từ tháng 11/2019 nhưng đã thu hút được 20 hội viên với tổng số đàn dê của các hội viên là trên 200 con, cả dê giống và dê thịt các loại. Nông hội Ia Ko hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự quyết; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng; không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất. Mục đích mô hình hướng tới là đổi mới và thúc đẩy tổ chức sinh hoạt liên kết những người dân tại địa phương, tăng cường thực hiện kết nối ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên đàn dê; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân; góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân.
     Với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, chăn nuôi dê đang là hướng đầu tư phù hợp cho các hộ nông dân nhờ đặc tính ăn tạp của đàn dê và khả năng thích nghi cao. Tuy nhiên để tiếp tục phát triển mô hình nông hội, Ông Vũ Hải Như Nguyên – Bí thư Đảng ủy xã IaKo cho biết: “Sắp tới nông hội cũng sẽ lựa chọn, mở rộng thêm một số sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển và có thế mạnh tại địa phương như chăn nuôi bò, chăn nuôi hươu sao… để tiếp tục phát triển nông hội ngày càng hiệu quả”.
     Nông hội có Ban chủ nhiệm để quản lý và hoạt động theo các Quy chế hoạt động của Nông hội, trong đó nhấn mạnh đây là tổ chức do các hộ nông dân có cùng sở thích sản xuất nông nghiệp tự nguyện tham gia và tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Để thu hút thành viên, hoạt động hiệu quả, Ban Chủ nhiệm nông hội phải luôn bám sát thị trường, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các thành viên; mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ.
 

Ban Chủ nhiệm Nông hội IaKo trong buổi ra mắt
     Với việc ra đời của mô hình nông hội đã phát huy tính tự quản cộng đồng, góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong, qua đây người dân hiểu được họ đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay và ấn định. Đồng thời mô hình nông hội cũng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Qua đây cũng tạo thuận lợi cho công tác phối hợp để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách người dân và Nhà nước. Nông hội cũng đã phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
     Nhằm tạo điều kiện cho nông hội hoạt động có hiệu quả, cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện tập huấn công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống các loại dịch bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi, cung cấp thông tin về thị trường… giúp các hội viên kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong công tác kiểm dịch vật chuyển để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ.
     Có thể nói, việc thành lập mô hình Nông hội đầu tiên ở huyện Chư Sê được xem là một trong những hướng đi mới giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất; hình thành được các mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm làm ra. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai thành lập mô hình “nông hội” trên địa bàn huyện Chư Sê, hiện nay, các địa phương trong toàn huyện vẫn luôn tích cực, chủ động nghiên cứu để tiếp tục lựa chọn thành lập và ra mắt các mô hình “Nông hội” phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương; góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang