CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CHƯ SÊ – LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

CHƯ SÊ – LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

09/09/2020

    Chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu hàng hóa là một trong những chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chư Sê trong tái cơ cấu nền nông nghiệp. Đây cũng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của huyện. Tháng 4 năm 2019, huyện cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU chuyên đề về “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện Chư Sê” với các nội dung nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, huyện lựa chọn một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và đã có mối liên kết để đầu tư, hỗ trợ phát triển một cách bền vững, trong đó có phát triển cây dược liệu.
     Theo thống kê của Viện Dược liệu, hiện Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (như: Quế, Hồi, Hòe, Nghệ, Actiso, Sa nhân, Kim tiền thảo, Đinh lăng, Hà thủ ô, Thảo quả, Cà gai leo…). Việc nuôi trồng dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng một số loại cây nông nghiệp như lúa, ngô, sắn… Chư Sê hiện nay là một trong các huyện đứng đầu tỉnh về diện tích dược liệu với trên 305 ha cây dược liệu các loại, chủ yếu như hà thủ ô đỏ, cà gai leo, đương quy…, tập trung nhiều ở xã Ia Hlốp, Ia Tiêm, Ia Ko. Để hỗ trợ người dân trong việc phát triển cây dược liệu, huyện đã đề ra các chủ trương, lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, có năng lực nhằm tổ chức liên kết hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá tốt nhất, đảm bảo 2 bên cùng có lợi. Theo kế hoạch, huyện sẽ tập trung phát triển vùng dược liệu trên địa bàn 2 xã Ia Hlốp và Ia Ko; vì tại 2 xã này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh đã đầu tư trồng nhiều ha cây dược liệu các loại. HTX Dược Liệu Quang Minh được thành lập từ năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao. Đối với lĩnh vực trồng cây dược liệu, đến nay đã tổ chức trồng được trên 50 ha cây dược liệu với các loại như: hà thủ ô đỏ, cà gai leo, đương quy, lộ đẳng sâm, đẳng sâm, đinh lăng, củ chuối… đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho thấy khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Thực tế cho thấy, cây dược liệu không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần đảm bảo đúng quy trình canh tác để đạt chất lượng. HTX có đủ năng lực để tổ chức thực hiện liên kết trồng cây dược liệu với các hộ dân trên địa bàn huyện. HTX cũng đã tổ chức liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu với các công ty như Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Dược liệu OPC Bắc Giang, Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam... nên phù hợp với định hướng của huyện về đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu, từng bước hình thành vùng sản xuất trồng cây dược liệu trong thời gian tới. Huyện cũng đã đề nghị HTX sẽ liên kết, hỗ trợ bà con trong vùng thử nghiệm chuyển đổi sang trồng cây dược liệu trên diện tích đất trồng hồ tiêu đã chết.


Vườn dược liệu của HTX Quang Minh (Ảnh nguồn internet)
     Cuối năm 2019, huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện năm 2019 với mục tiêu phát triển các loại cây dược liệu trong định hướng và quy hoạch, chủ yếu là 04 loại cây: Cà gai leo, Hà thủ ô đỏ, Đương quy, Cà gai dài với tổng diện tích thực hiện đến cuối năm 2019 là 16,2 ha; ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 648 triệu đồng để mua cây giống cho người dân với định mức hỗ trợ cây giống là 40 triệu đồng/ha. Hộ tham gia mô hình là các hộ đảm bảo được các điều kiện về đất đai, vốn đối ứng và kiến thức trồng trọt cơ bản. Trước đó, huyện cũng đã đầu tư 400 triệu đồng hỗ trợ người dân xã Ia Tiêm trồng 18 ha hà thủ ô đỏ và cà gai leo. Đến nay, diện tích cà gai leo đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 3 tấn khô/ha. Cây cà gai leo trung bình cho thu 3 vụ/năm, lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ.  Cây cà gai leo phù hợp với tất cả các loại đất, chăm bón cũng tương đối dễ. Bên cạnh đó, loại cây này chỉ sau 4 tháng trồng là cho thu hoạch đợt đầu tiên và sau đó cứ khoảng 2,5 tháng sẽ cho thu hoạch một lần, kéo dài trong vòng 3 năm. Chi phí đầu tư ban đầu cho cây dược liệu này khoảng 150 triệu đồng/ha và trong 3 năm, bà con có thể thu về khoảng 600 triệu đồng, chưa kể bán gốc rễ tận thu. Đối với Hà thủ ô đỏ, là cây dược liệu với nhiều công năng chữa bệnh, giá trị kinh tế cao; có thể tái sinh bằng hạt nhưng thường được trồng dễ dàng bằng những đoạn thân hay cành bánh tẻ hoặc bằng củ. Sau 3-4 năm thì thu hoạch. Lấy củ rửa sạch cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ thành miếng phơi khô làm thuốc. Lá có thể dùng làm rau ăn; dây lá cũng có thể dùng làm thuốc. Hiện hà thủ ô có giá khoảng 17.000 đồng/kg, nếu chăm sóc tốt 01 ha có thể thu về 80 tấn, còn trung bình sẽ là 50 tấn/ha.
 

Hà thủ ô đỏ có tác dụng nhuận tràng, mạnh gân xương và bổ can thận
     Ngoài ra, trong năm 2020 huyện cũng sẽ hỗ trợ HTX Dược liệu Quang Minh thực hiện Dự án Chế biến bảo quản sản phẩm dược liệu - Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu huyện Chư Sê. Dự án nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao cho người dân trên địa bàn; trong đó trồng tập trung 50 ha tại các xã Ia Hlốp, Ia Tiêm, Chư Pơng và Al Bă; diện tích này trong tương lai có thể mở rộng lên đến 100 ha. Mặt bằng xây dựng nhà xưởng, nhà máy và các khu nhà lưới, nhà màng được dự kiến bố trí tại làng Orưng, xã Ia Ko với diện tích 4,7 ha. Hợp tác xã sẽ cung cấp giống, hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
     Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Vì đây là cây trồng mới nên chưa có quy trình chuẩn trong canh tác nên rất khó để triển khai theo quy trình. Người dân lại chưa có nhiều kinh nghiệm, cộng với chi phí đầu tư ban đầu về giống tương đối lớn (khoảng 100 triệu đồng/ha) nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, tham gia trồng dược liệu. Mặt khác, các sản phẩm dược liệu của người dân làm ra hiện nay chưa qua sơ chế, chế biến nên giá trị sản phẩm không cao, phụ thuộc vào các điểm thu mua sản phẩm; còn thiếu các thông tin về thị trường, nhu cầu về các sản phẩm dược liệu.
     Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận cho phát triển cây dược liệu sẽ mở hướng đi mới giúp người dân trong huyện có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Do đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch mở rộng các vùng trồng cây dược liệu tại các xã; liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học công nghệ, bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất, ưu tiên những hộ có diện tích hồ tiêu chết, đang tái canh cà phê đề trồng xen đa dạng hóa cây trồng. Tăng cường công tác khuyến nông cho cây dược liệu theo hướng chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân. Tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh, thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch; phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện đạt diện tích 700 - 800 ha cây dược liệu theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, định hướng theo lộ trình phát triển dược liệu của tỉnh, đến năm 2025 huyện sẽ xây dựng thương hiệu Dược liệu Chư Sê. Bên cạnh đó, huyện đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ về giống và thiết bị tưới cho người dân tham gia trồng dược liệu công nghệ cao. Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao, kết hợp sản xuất giữa nông dân các xã trong vùng dự án với các doanh nghiệp và hợp tác xã đứng chân trên địa bàn; tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
    Lê Loan  

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang