CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CHỦ ĐỘNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA, BÃO TRONG SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT

CHỦ ĐỘNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA, BÃO TRONG SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT

27/11/2020

     Vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 trên địa bàn huyện Chư Sê, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, trụ điện, tường rào; làm một số trường học và nhiều căn nhà của người dân bị tốc mái. Về sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích lúa, ngô bị ngã đổ, rau màu bị hư hỏng; nhiều diện tích cà phê, tiêu, cây ăn quả bị đổ ngã, long gốc, rụng trái, giảm năng suất, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
     Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia từ nay cho đến hết năm 2020, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 04-06 cơn, trong đó có khoảng 02-04 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Tháng 11, 12/2020, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên cao hơn 20-40% so với TBNN, tháng 01 - 3/2021 có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên tổng lượng mưa tại khu vực cao hơn TBNN, tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm. Tháng 4/2021, tổng lượng mưa cao hơn từ 10-30%. Từ nửa cuối tháng 10 đến tháng 12/2020, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 02 - 03 đợt lũ vừa và lớn.
     Để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, chủ động khắc phục hậu quả mưa, lũ trong thời gian tới; theo chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh (Văn bản 2866/SNNPTNT-TTBVTV ngày 22/10/2020); các địa phương cần khẩn trương hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện các công việc sau:
1. Đối với sản xuất lúa vụ Mùa 2020
Diện tích lúa đã chín cần huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng thiệt hại tới năng suất, chất lượng do mưa lớn gây ra.
Đối với những diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh nhưng bị đổ ngã do mưa gió, hướng dẫn dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, lưu ý phòng trừ bệnh khô vằn gây hại.


Nông dân chủ động khắc phục hậu quả sau mưa bão (Ảnh L.L)
2. Đối với sản xuất rau các loại:
- Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau đã đến kỳ thu hoạch; tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng, gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa lớn gây ra; chỉ tiến hành gieo trồng, gieo trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo.
- Đối với diện tích rau bị ảnh hưởng do mưa lũ:
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom cây bị héo, bị gãy… đem tiêu hủy; dựng cây nhẹ nhàng để hạn chế đứt rễ, nếu có điều kiện thì tủ thêm đất bột vào gốc để cây ra rễ mới; riêng các loại bí để nguyên hiện trạng, hạn chế tác động vào gốc rễ của cây.
Do bộ rễ cây còn yếu nên cần cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng, …theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Tưới gốc hoặc phun một số chế phẩm có trong danh mục thuốc được phép sử dụng để phòng bệnh cho cây trồng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Tiến hành vun xới khi cây đã phục hồi và đất đã khô ráo; kết hợp tưới phân loãng (khoảng 300 g supelân + 300 g Ure/10 lít nước) có thể pha thêm các chế phẩm sinh học tưới vào gốc để cây nhanh phục hồi và khích thích ra rễ; nồng độ phân tăng dần theo sự phục hồi của cây. 
3. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm:
- Một số biện pháp thực hiện trước mưa bão: Đối với các vườn cây ăn quả đã đến thời kỳ thu hoạch (cam, bưởi) đề nghị tập trung thu hoạch sớm, cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, hạn chế gãy, đổ cây; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.
- Một số biện pháp khắc phục sau mưa bão:
Đối với vườn đang ngập úng cần tiến hành đào rãnh ngay, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước, rút nhanh ra khỏi líp, hố và vườn cây.
Đối với những vườn đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; riêng cây hồ tiêu chỉ tiến hành phá váng khi đất tương đối khô để tránh lây lan bệnh chết nhanh và chất chậm, tiến hành rong tỉa cây che bóng, tránh việc để cây che bóng quá rậm rạp trong mùa mưa.
Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn, .. để tránh hiện tượng nứt, rụng quả.
Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Khi bộ rễ cây đã phục hồi, tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.
Trên địa bàn huyện Chư Sê, hiện các cơ quan, đơn vị chuyên môn đang phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra thực tế, thống kê tình hình thiệt hại do mưa lũ và đề xuất hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đồng thời nắm bắt tình hình và cảnh báo những vùng có thể xảy ra mưa giông, gió lốc để người dân phòng tránh thiệt hại; rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm về ngập lũ, sạt lở đất đá trên địa bàn để cảnh báo cho nhân dân chủ động phòng tránh; vận động nhân dân không bơi lội qua sông, suối khi nước mưa to. Cùng với đó, triển khai khẩn cấp các phương án phòng, chống mưa bão, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng nhân lực, vật tư trang - thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận, ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng ứng trực thường xuyên; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ, thiên tai của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
  Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang