CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT VỤ ĐÔNG XUÂN 2020-2021

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT VỤ ĐÔNG XUÂN 2020-2021

23/12/2020

     Hiện nay tình hình thời tiết chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng và gây dịch bệnh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Sê nói riêng. Ngoài nguyên nhân thay đổi thời tiết thì những nguyên nhân khác như: chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng phòng bệnh còn hạn chế ở nhiều nơi; hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ lớn; công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi chưa được người chăn nuôi quan tâm đúng mức, tỷ lệ tiêm phòng một số loại vắc xin còn thấp, đặc biệt trên cả nước chưa có vắc xin phòng Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế; công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát tại tuyến cơ sở. Vừa qua, trên địa bàn huyện Chư Sê, tại xã Dun đã phát sinh một ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi diện hẹp. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh chủ yếu do người chăn nuôi chưa thực hiện triệt để việc kiểm soát các khâu trong quá trình chăn nuôi.


Hình: Hộ dân làm đệm lót sinh học chăn nuôi lợn
     Để chủ động tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông Xuân 2020-2021, các hộ chăn nuôi cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào khu vực chăn nuôi; Vật nuôi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh; Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng đối tượng vật nuôi để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình; Thức ăn và nước uống bảo đảm chất lượng; Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng. Định kỳ vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn, giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Phải có lưới bao quanh và có các biện pháp khác để ngăn chặn các loài vật trung gian truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi.
     Riêng đối với bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò: người chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý đàn trâu, bò và áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: định kỳ phun thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,…; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ theo quy trình nuôi và tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục cho trâu, bò khi có khuyến cáo của Cục Thú y./.
Uyên Ny

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang