CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Chư Sê

Các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Chư Sê

27/02/2020

     Vụ Đông xuân năm 2019-2020 đang bước vào giai đoạn giữa và cuối vụ, nhưng theo dự báo của Chi cục trồng trọt tỉnh Gia Lai thì vẫn còn có một số đối tượng sâu bệnh gây hại mạnh trên cây trồng chính; có nguy cơ phát sinh gây hại trên diện rộng. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Gia Lai tại văn bản số 387/SNNPNT-CCTTBVTV ngày 24/02/2020 bà con nông dân thực hiện các giải pháp đối với từng loại cây như sau


1. Trên cây cà phê:
- Thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng vừa hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh;
- Kiểm tra vườn cây định kỳ để phát hiện sự xuất hiện, mật số của rệp sáp từ đó chủ động phòng trừ sớm, kịp thời khi rệp tuổi nhỏ, mật độ thấp; những vườn rệp sáp xuất hiện với mật độ cao kết hợp tưới nước tiến hành phun xịt làm rụng cánh bông khô, phá tan lớp sáp để khi phun thuốc dễ thấm sâu vào chùm quả, có thể sử dụng các thuốc BVTV như: Bi-58 40EC, Dimenate 40EC, Nitox 30EC, Mapjudo 40WP, ...
          - Đối với những diện tích đất chuẩn bị trồng tái canh cần cày sâu phơi ải đất, thiết kế lô, xử lý hố trồng, chuẩn bị cây giống đảm bảo trước khi đi vào trồng mới.  
 2. Trên cây hồ tiêu:
- Đối với các vườn cây hồ tiêu đã bị chết, bà con nông dân cần thu gom, vệ sinh vườn tiêu, tiêu hủy toàn bộ cây tiêu bị chết; tiến hành cày đất, xử lý đất để tiêu diệt mầm mống sâu, bệnh; chuyển đổi diện tích đất này sang trồng các loại cây khác như cà phê, chanh dây, chuối Nam Mỹ, bơ, sầu riêng và các loại rau, hoa, quả khác có hiệu quả kinh tế, có thị trường tiêu thụ ổn định trên cơ sở liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kể cả doanh nghiệp nước ngoài; trước mắt gắn với Nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Nông sản xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Tập đoàn Nafood Group, Công ty tập đoàn Dược liệu Quốc Tế Trường Sinh...
          - Những diện tích hiện còn sống: bà con nông dân không nên bỏ vườn, tiếp tục chăm sóc những diện tích còn lại theo hướng phát triển sản xuất cây hồ tiêu bền vững: Củng cố đai rừng chắn gió, chăm sóc cây che bóng, không rong tỉa cây choái sống để che nắng; cắt tỉa cành, tủ gốc, xiết nước sau thu hoạch... . Sử dụng phân bón theo hướng cân bằng dinh dưỡng, ứng dụng công nghệ sinh học để phòng trừ rệp sáp, tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; sử dụng công nghệ tiết kiệm nước. Mở rộng sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Oganic,....
- Kiểm tra diễn biến của tuyến trùng gây hại rễ sau khi thu hoạch, nếu thấy rễ có nhiều nốt u sần cần xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo trước khi bước vào thời kỳ xiết nước; có thể sử dụng các loại thuốc Solvigo 108 SC, Tervigo 020 SC, Landsaver 18 EC kết hợp với thuốc trừ bệnh Ridomil gold 68 WP, Mataxyl 500 W, liều dùng  theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
3. Trên cây điều:
- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán cho vườn điều thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ của của các đối tượng sâu bệnh gây hại.
- Riêng đối với bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều: Cần kiểm tra vườn thường xuyên, nhất là vào thời kỳ cây điều ra hoa, quả non để phát hiện và phòng trừ kịp thời.
+ Đối với bọ xít muỗi: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Citrus oil, Alpha-cypermethrin; Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin; Cypermethrin. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Thời điểm phụ thuốc vào chiều mát hoặc sáng sớm, trường hợp điều đang nở hoa thì phun thuốc vào chiều mát. Phun đồng loạt toàn vườn, phun từ ngoài vào trong theo hình xoáy trôn ốc và phun ướt đều tán cây.
+ Đối với bệnh thán thư: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Citrus oil, Copper Hydroxide, Cuprous Oxide + Kasugamycin , Hexaconazole. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Phun vào giai đoạn cây điều ra chồi non, nụ hoa, quả non. Phun ướt đều tán cây; nếu ẩm độ không khí cao và kéo dài có thể phun lần 2 (sau lần 1 từ 5-7 ngày).       
          4. Trên cây mía:
- Bà con trồng mía nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời nguồn bệnh, đặc biệt là bệnh trắng lá mía. Bệnh trắng lá mía gây hại do dịch khuẩn bào Phytoplasma gây ra lan truyền chủ yếu qua hom giống, do vậy kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống trước khi trồng mới để tránh bệnh lây lan. Hiện tại mía đang giai đoạn đẻ nhánh (dưới 3 tháng tuổi) rất dễ phát hiện bệnh gây hại và tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao.
+ Đối với diện tích bị nhiễm bệnh trắng lá mía < 30%: Tiến hành đào loại bỏ các bụi mía bị nhiễm bệnh tiêu hủy; đồng thời chăm sóc, bón phân giúp cây phát triển tốt vượt ngưỡng gây hại của bệnh.
+ Đối với những diện tích bị nhiễm nặng tỷ lệ bệnh trên > 30%; cần kiểm tra, đánh giá nếu không có khả năng cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế thấp thì tiến hành tiêu hủy ngay để tránh nguồn bệnh lây lan; chuyển những diện tích này sang trồng các loại cây trồng khác như mì, đậu đỗ, ngô....
- Chăm sóc, bón phân cân đối, đầy đủ trong giai đoạn mía đẻ nhánh -vươn lóng, Urê từ 200-250kg/ha; Ka li từ 130-150kg/ha hoặc NPK 16:16:8 với mức 300-350 kg/ha.
5. Trên cây Ngô:
- Bà con nhân dân trồng ngô cần theo dõi và nhận diện được về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu và các giải pháp phòng trừ theo Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020.
- Sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu (NK7328 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, NK66 Bt/GT, NK6101 Bt/GT, 6919S, 8629S...) để gieo trồng  nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp tổ chức phòng trừ có hiệu quả.
Thu Nguyễn (tổng hợp)

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang