CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Chư Sê: Tập trung lãnh đạo thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS

Chư Sê: Tập trung lãnh đạo thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS

28/06/2019

Thời gian qua, Cấp ủy, Chính quyền địa phương đã cùng với Mặt trận, các đoàn thể thường xuyên quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, của Chính phủ về công tác dân tộc nói chung và công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần xây dựng được sự đoàn kết thống nhất trong các dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, tạo niềm tin của các dân tộc đối với Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước.

Ảnh: Đức Chí
Huyện Chư Sê hiện có 16 dân tộc thiểu số sinh sống với 12.847 hộ và 56.981 khẩu (chiếm 45,47% dân số). Mỗi dân tộc có đặc điểm tiềm năng kinh tế, bản sắc văn hoá, ngôn ngữ riêng nhưng cùng có chung truyền thống đoàn kết xây đắp ngay từ thửa dựng nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Giai đoạn, 2014-2019 với hàng loạt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai như: Chương trình 135; Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát tiển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước, đời sống của bà con đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, minh chứng cho điều này thể hiện trên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước và thu nhập bình quân đầu người từ 41,1 triệu đồng giai đoạn 2014-2019, năm 2019 ước đạt hơn 53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2018 giảm còn 6,59% so với năm 2014, tương đương 2.206 hộ. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên, phải nói đến vai trò của những cá nhân tiêu biểu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là những mô hình, cách làm mới. Anh Quách Văn Luân, thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong là một điển hình như thế:  “Nhận thấy con dê phát triển rất nhanh một năm đẻ được hai lứa mỗi lần đẻ từ 2 đến 3 con tôi đã vay được 50 triệu về chăn nuôi dê, sau đó tôi lấy tiền bán dê và đầu tư nuôi thêm con Dúi. Bước đầu gặp nhiều khó khăn do chưa biết được cách chăm sóc và bệnh tật của vật nuôi và cũng may gặp được hỗ trợ kinh nghiệm, đến bây giờ tôi cũng đã thành công. Từ 3 mô hình  dê và dúi rồi đến con dế, thu nhập một năm được 60 triệu đồng.  Cà phê gia đình tôi làm 1 năm được hơn 4 tấn nhân giá bán 30.000đ/kg thu được khoảng 120 triệu đồng. Những mô hình đây tôi thành công tôi sẽ cung cấp con giống và truyền lại những kinh nghiệm tôi biết cho đoàn viên để cho đoàn viên thanh niên chăn nuôi, phát triển kinh tế”.
Bên cạnh những thành tự về KT-XH, QP-AN, huyện Chư Sê đã triển khai sâu rộng các phong trào, cuộc vận động; Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động "làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững". Hiện nay toàn huyện có 72/80 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu văn hóa, có 35% gia đình DTTS đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm. Toàn huyện có 207 cụm loa truyền thanh không dây, tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh của tỉnh, huyện đạt trên 90%, tỉ lệ hộ đồng bào DTTS xem được Đài truyền hình Trung ương, tỉnh đạt trên 80%, có 04 chương trình phát tiếng Jrai mỗi tháng của huyện. Hàng năm tổ chức khoảng 55 buổi biểu diễn giao lưu văn nghệ, chiếu phim lưu động tuyên truyền với nhân dân, với đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa trong huyện. Nhiều nét văn hóa độc đáo các DTTS được bảo tồn, phát triển, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được tổ chức, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm huyện, xã tổ chức hội thi Văn hóa và thể thao các dân tộc thiểu số gồm các môn thi đấu: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, bóng đá, cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm. Anh Siu Lêng – lang Tel Yố - xã Ia Hlốp nói “Hôm nay làng Tel Yố tổ chức giải đấu ôn lại truyền thống của dân tộc Jrai để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2019, gồm những môn bắn nỏ, kéo co, bóng chuyền, điền kinh, giã gạo, đan lát…để ôn lại truyền thống của bà con dân tộc Jrai, nhân dịp này bà con tham gia rất tích cực, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các tổ trong làng”.
Ông Ksor Gong – Làng Rinh 1 – xã H Bông chia sẻ: “Trong thời gian gần đây chung tôi rất mừng là huyện Chư Sê có mở thêm bản tin thời sự tiếng Jrai, đây là kênh thông tin sát thực nhất đối với người dân xã vùng ba chúng tôi, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi được tiếp cận thông tin dễ dàng hơn”.
Bên cạnh đó, Sự nghiệp Y tê, giáo dục cũng đạt nhiều kết quả khả quan; Năm học 2018 - 2019 toàn ngành có 53 cơ sở giáo dục với 910 lớp, 28.719 học sinh, trong đó có 47 cơ sở giáo dục công lập với 826 lớp, 26.260 học sinh. Tỷ lệ huy động con em dân tộc thiểu số đến trường đạt 90%. Tỷ lệ duy trì sĩ số đối với học sinh DTTS đạt 97,79%. Tỷ lệ huy động học sinh 5 tuổi đến trường là 98.7%. Cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học cơ bản đảm bảo cho việc dạy và học. Nhiều em DTTS đã có những nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập. Đội ngũ trí thức là con em DTTS ngày càng tăng cao, con em các dân tộc TS đều có người học đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân cũng được quan tâm chú trọng, y đức nghề nghiệp, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao... Ông Kpă Thul, Trạm trưởng Trạm y tế xã H bông nói: “Trước kia cuộc sống của người dân rất khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, nhận thức còn kém. Vì vậy cán bộ Trạm chúng tôi vận động cán bộ đến các thôn, làng tuyên truyền vận động bà con  giữ gìn vệ sinh môi trường để phòng chống các  loại bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Đồng thời khi bị bệnh thì không nên tin cúng giàng mà phải đến trạm để khám và điều trị cho khỏi bệnh”.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm và có sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn huyện có 03/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí cũ. Từ 2016 cho đến nay có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Chư Sê lên 9/14 xã. Phấn đấu trong năm 2019 huyện Chư Sê có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng 4 làng NTM trong đồng bào DTTS. Anh Đinh Toăi, làng Ring Răng xã Dun chia sẻ:  “Trong cuộc xây dựng nông thôn mới cho địa phương. Tôi vận động bà con làm đường, trường, trạm, dọn vệ sinh môi trường, chăn nuôi làm giàu, xóa đói giảm nghèo. Tôi rất phấn khởi, tôi đã kêu gọi bà con học để xây nhà làm cửa rất hoàng tráng, sạch sẽ”.
Nói về việc triển khai thức hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS thời gian qua, bà Kpuih H’ Blê – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết. “UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 02/02/2016 về triển khai các mục tiêu Thiên niên kỷ đối với ĐBDTTS giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; trong đó trọng tâm là các lĩnh vực: Giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo nhằm góp phần thực hiện và duy trì bền vững các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực nhằm tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách. Đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, vệ sinh, môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm, phát triển văn hóa, giáo dục, giảm nghèo bền vững”.
Với việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, xã hội, QP-AN vùng đồng bòa DTTS thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nâng cao dân trí, xây dựng khối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em. Góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền huyện Chư Sê thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, QP-AN trong suốt những năm qua./.
                                                           Đức Chí
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang