CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Chư Sê làm tốt công tác tái canh cây cà phê

Chư Sê làm tốt công tác tái canh cây cà phê

17/09/2019

     Với diện tích hơn 10.086 ha, huyện Chư Sê là một trong các huyện có diện tích cà phê lớn của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều vườn cà phê đã quá chu kỳ khai thác cần được cải tạo, tái canh lại. Vì vậy việc tái canh là biện pháp hữu hiệu giúp nông dân trẻ hóa vườn cây già cỗi bằng những giống cây cà phê mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và ít bị nhiễm bệnh.
     Từ năm 2018 - 2019, huyện Chư Sê đã hỗ trợ cho người dân trên địa bàn huyện thực hiện tái canh 576,61 ha cà phê; trong đó, riêng năm 2019 là 216,76 ha. Để hoàn thành được mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng với các ban, ngành liên quan và các địa phương cùng nhau xác định cụ thể diện tích, thẩm định vườn cây đủ điều kiện tái canh, hỗ trợ cây giống.
     Kết quả trong 02 năm, huyện đã xuất kinh phí 1.642.742.400 đồng cùng với một phần hỗ trợ của Công ty TNHH Nestle Việt Nam (công ty hỗ trợ 1.000 đồng/cây) để hỗ trợ 495.048 cây giống cho các hộ đăng ký tái canh. Ngoài ra các xã, thị trấn còn đăng ký mua thêm cây giống theo chương trình hỗ trợ của Công ty TNHH Nestle Việt Nam với số lượng 370.000 cây trong 02 năm

Giống cà phê vối lai TRS1 – một trong các giống cà phê
tái canh năng suất cao
     Bên cạnh đó, nhằm cung cấp cây giống đúng thời vụ, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho người nông dân gieo trồng đạt kết quả cao. Tháng 6/2019 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức cấp 238.440 cây giống cà phê cho 433 hộ đăng ký tái canh năm 2019 với tổng diện tích là 216,76 ha. Giống cà phê được cấp là giống cà phê vối lai TRS1 có nguồn gốc từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Cây giống được đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách và chất lượng trước khi xuất vườn. Đặc biệt cây không bị vàng lá, u sưng rễ, cong rễ, thối rễ và đã được thích nghi ngoài ánh sáng khoảng15 ngày trước khi giao nhận.
 
Người dân phấn khởi nhận cây giống hỗ trợ tái canh
     Cùng với việc cấp phát giống, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ thuật theo quy trình kỹ thuật tái canh cà phê để tổ chức gieo trồng có hiệu quả. Mở các lớp tập huấn, xây dựng nhiều mô hình điểm để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh vườn cây cho bà con. Khuyến cáo người dân áp dụng đồng bộ những biện pháp kỹ thuật trong quy trình mà Bộ nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã ban hành theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp – PTNT ban hành quy trình tái canh cà phê vối và khi thực hiện tái canh cần chú trọng các lưu ý theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
     Đồng thời, Trung tâm cũng đã khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê theo hướng sản xuất bền vững, đặc biệt là việc trồng xen các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ.... Trong năm 2019, từ các chương trình khuyến nông địa phương, chương trình hợp tác về cà phê...,Trung tâm đã mở 04 lớp tập huấn về hướng dẫn trồng cây cà phê tái canh và đầu tư hỗ trợ sản xuất, cấp phát các loại vật tư cây giống, phân bón để thực hiện 38 mô hình (38 hộ) trồng xen canh sầu riêng trong các vườn cà phê tại các xã Ia Hlốp, Chư Pơng, Ia Tiêm, Dun.
Mô hình trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê
bước đầu mang lại hiệu quả cho người nông dân
     Chương trình tái canh cà phê còn là tiền đề nhằm hình thành nên các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi bền vững, thông qua các tổ hợp tác và HTX. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ dân liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, có trụ sở tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn nhất tỉnh với khoảng 100.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê nhân toàn tỉnh để sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C.  Ngoài ra, huyện còn tạo sự liên kết với Công ty TNHH Nestlé, là doanh nghiệp liên kết với 9 doanh nghiệp trong tỉnh, xây dựng gần 8.500ha cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C với gần 5.000 hộ gia đình tham gia để hỗ trợ người dân giống cà phê tái canh và thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
     Thực tế nhiều năm qua, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực và có thế mạnh của huyện.Với giá cà phê trên thị trường lên xuống thất thường và một số vườn cà phê đã già cỗi, năng suất không đạt nên một số hộ dân đang có xu hướng chặt bỏ cây cà phê canh tác các loại cây trồng khác. Trước tình hình đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các ban ngành liên quan tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, tưới nước, dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh hại, thu hoạch, sơ chế, đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê, tăng quảng bá, mời gọi đầu tư chế biến sâu cà phê nhằm mang lại một nền sản xuất cà phê đảm bảo năng suất ổn định, chất lượng cao và phát triển bền vững để ngành hàng cà phê tiếp tục là một trong những sản phẩm chủ lực Quốc gia theo chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài của Chính phủ góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước và khu vực Tây Nguyên, cũng như giúp người nông dân trồng cà phê làm giàu trên mảnh đất này. 
Lê Sĩ Quý
                                                                                    Giám đốc Trung tâm Dịch vụ
                                                                                    Nông nghiệp huyện Chư Sê

 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang