CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Hiệu quả từ liên kết trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn Thị trấn Chư Sê

Hiệu quả từ liên kết trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn Thị trấn Chư Sê

25/08/2021

     Thời gian qua, là giai đoạn khó khăn với người nông dân khi nhiều mặt hàng nông sản giá cả lên xuống thất thường từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đến các loại nông sản thời vụ. Tuy nhiên người trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Chư Sê vẫn có thu nhập ổn định nhờ thiết lập chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
     Vào tháng 5 vừa qua, thị trấn Chư Sê đã thành lập Hợp tác xã dâu tằm tơ  đầu tiên trên địa bàn, quá trình thành lập HTX được triển khai song song với mô hình nông hội trồng dâu nuôi tằm, thu hút sự tham gia của gần 50 hội viên. Bước đầu, HTX hỗ trợ các hộ dân tham gia chuỗi liên kết về kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu, nuôi tằm lấy kén, cung cấp giống dâu, tằm, vật tư làm trại cũng như bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Qua thực tế cho thấy, đất đai, thời tiết, khí hậu nơi đây rất thích hợp để trồng dâu nuôi tằm; cây, con giống mà HTX cung cấp sinh trưởng tốt, áp dụng kỹ thuật “né gỗ và máy gỡ kén” đã giảm được công lao động, chất lượng kén tốt, nên giá bán chênh lệch lớn hơn so với kén trên né tre. Do đó, lợi nhuận của người nuôi tăng cao hơn nhiều.
     Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê, trên diện tích 3 ha đất nông nghiệp đã được gia đình chị chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Với kinh nghiệm trồng trọt lâu năm, được hỗ trợ về kỹ thuật, cây, con giống từ phía HTX, do đó việc nuôi tằm của chị đã đạt hiệu quả. Chị vui mừng cho hay: Từ năm 2015, gia đình chị trồng 2 ha cà phê nhưng hiệu quả không cao, chị quyết định chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm thì hiệu quả cao hơn rất nhiều, với 3 ha dâu mỗi tháng bình quân nuôi được 10 hộp tằm, giá cả ổn định, nguồn ra cũng ổn định, lại được HTX cung ứng cho giống tằm tốt, kĩ thuật nuôi cũng rất đơn giản nên sắp tới gia đình chị sẽ quyết định mở rộng thêm 4 ha nữa để trồng dâu nuôi tằm.      


Mô hình nuôi tằm hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Minh Vân
     Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Quân, thôn Tốt Biớt cũng quyết định trồng 1 ha dâu nuôi tằm, cuộc sống của gia đình cũng dần đi vào ổn định. Anh Quân chia sẻ: gia đình nuôi một tháng ít nhất 4 hộp tằm còn lại là 6 hộp, từ khi nuôi tằm kinh tế gia đình khá lên rất nhiều, trừ hết chi phí, thu nhập một tháng cũng được 30 triệu.
     Có 3 yếu tố để tạo nên thành công của nghề trồng dâu, nuôi tằm ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Chư Sê, đó là lựa chọn giống dâu, quy trình trồng dâu an toàn và lựa chọn giống tằm cho năng suất kén cao để triển khai nuôi trên quy mô lớn. Toàn bộ giống cây dâu mà HTX dâu tằm tơ thị trấn Chư Sê cung ứng đều là giống dâu cao sản F7, giống này có đặc điểm bản lá to, dày, mềm và bóng. Qua thực tế trồng và chăm sóc dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của HTX cho thấy, năng suất lá đạt trung bình từ 50 đến 70 tấn mỗi ha, giống dâu này cho lá quanh năm, chất lượng lá tốt, hệ số nhân giống cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn hoặc úng nước. Về giống tằm, HTX cung ứng giống tằm kén trắng lưỡng hệ, đây là giống tằm to, vòng đời ngắn, ăn lá dâu khỏe, đạt từ 18 đến 20 kg kén cho một vòng trứng. Cá biệt, có hộ chăm sóc tốt ở giai đoạn tằm ăn rỗi đã đạt đến 25 kg kén cho một vòng trứng.

HTX dâu tằm tơ thị trấn Chư Sê thu mua kén tằm. Ảnh: Minh Vân
     Thành phẩm con kén của bà con làm ra, HTX sẽ thu mua với cái giá dao động từ 120 đến 170 ngàn/kg. Đồng thời HTX hỗ trợ tất cả các dụng cụ nuôi như nong, né, cũi nuôi hay nhà nuôi, bằng hình thức cho bà con vay vốn trả chậm. Ví dụ như cấp cho 1 lần nuôi là 10 triệu, thì HTX sẽ thu làm bốn lần, mỗi lần bà con đến cân kén sẽ thu lại 2,5 triệu - Anh Đặng Huy Tú, đại diện HTX dâu tằm tơ thị trấn Chư Sê cho biết.
     Hiệu quả kinh tế của cây dâu, con tằm được khẳng định, với sự tham gia của HTX là một hướng đi mới và tất yếu đã giúp người nuôi tằm thị trấn Chư Sê chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết những người có tâm huyết để duy trì, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, hạn chế rủi ro, tạo tính ổn định, bền vững trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
     Đánh giá về hiệu quả kinh tế của việc trồng dâu nuôi tằm tại Thị trấn Chư sê, Ông Trần Công Minh, Chủ tịch hội Nông dân Thị trấn Chư Sê cho biết: Tháng 5/2021, Hội Nông dân thị trấn Chư Sê đã tham mưu cho UBND thị trấn Chư Sê thành lập mô hình Nông hội trồng dâu nuôi tằm, thu hút được gần 50 hội viên tham gia với quy mô 30 ha dâu trên địa bàn thị trấn Chư Sê, tính bình quân một tháng thu nhập được 40 triệu đồng/ ha. Con kén và tơ tằm là sản phẩm được xuất khẩu đi nước ngoài. Đây là sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao của địa phương.
Thực tế chứng minh, nghề trồng dâu nuôi tằm ở thị trấn Chư Sê đã mang lại hiểu quả rõ nét, không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là vào thời điểm dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp mà còn giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, thị trấn Chư Sê xác định, nghề trồng dâu nuôi tằm là một hướng đi hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thiết lập chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ./.
                                                          Minh Vân - Đại Nguyên

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang