CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Hiệu quả từ mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Phạm Tiến Dũng ở Tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê

Hiệu quả từ mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Phạm Tiến Dũng ở Tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê

30/12/2020

     Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Phạm Tiến Dũng ở Tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê vào một buổi chiều khi anh đang giới thiệu sản phẩm tổ yến thành phẩm cho khách hàng. Nhìn lên bầu trời, từng đàn chim yến đang gọi nhau bay về tổ. Mời chúng tôi vào nhà uống nước, anh Dũng bùi ngùi kể về những đổi thay của gia đình mình. Anh cho biết: Trước đây, gia đình tôi sống ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, làm đủ nghề để sinh sống nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khó khăn. Đến năm 1976, gia đình tôi lên xã Ia Blang, huyện Chư Sê lập nghiệp. Bước đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Sau một năm, gia đình anh dành dụm tiền mua được một héc ta đất và đầu tư trồng tiêu.
     Mỗi năm gia đình anh tích cóp một ít. Đến năm 2012, nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của cây Hồ tiêu, anh huy động vốn của gia đình và vay thêm để đầu tư trồng mới 18.000 trụ tiêu. Sau khi cây tiêu phủ trụ, gặp thời tiết bất lợi, cộng với dịch bệnh làm cho 10ha hồ tiêu của gia đình anh bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Đứng trước rất nhiều khó khăn về kinh tế, như bao gia đình trồng tiêu khác, kinh tế gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không nản chí, gia đình anh nhận thấy sự cần thiết phải có một hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, vợ chồng anh quyết định chọn mô hình nuôi chim yến. Nghĩ là làm, vợ chồng anh tận dụng tầng thượng căn nhà đang ở và đầu tư thêm 120 triệu đồng xây nhà nuôi chim yến rộng 90 m2. Vợ chồng anh liên hệ với công ty Tầm Cao Việt chuyên về tư vấn kỹ thuật nuôi chim yến hỗ trợ ban đầu. Sau hơn 3 năm dẫn dụ, đến năm thứ 4, chim yến về ngày nhiều và bắt đầu cho tổ nhiều. Đây thật sự là bước ngoặt trong hoạt động sản xuất của gia đình anh. Có tháng gia đình anh thu được từ 08 - 10 kg tổ yến thô.
     Anh Dũng cho biết, chim yến sợ lạnh và gió. Ở Chư Sê nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong năm chỉ có khoảng 2 tháng trời lạnh nên khá phù hợp để nuôi chim yến. Chim yến sinh sản theo mùa, bắt đầu xây tổ vào khoảng giữa tháng 01 và đẻ trứng từ  giữa cuối tháng 3.Chim yến đực và cái cùng nhau làm tổ, cùng ấp và nuôi chim con, sinh sống khá ổn định.Nhịp độ sinh sản phụ thuộc vào việc thu hoạch tổ yến. Nếu sau khi chim yến làm xong tổ và chuẩn bị đẻ mà bị lấy tổ không cho chim ấp nở nuôi con thì chim sẽ lập tức làm tổ  mới nên chim nhà có thể đẻ nhiều lần trong chu kỳ một năm.
     Trong nhà yến để chim ấp nở tự nhiên thì mỗi năm mỗi cặp chim chỉ  đẻ khoảng 3 lần. Một chu kỳ sinh sản của chim yến khoảng từ 3-4 tháng, trong đó 1-2 tháng là xây tổ và 2,5 tháng ấp nở nuôi con, có thời gian nghỉ nhưng khi bạn nuôi quần đàn thì sẽ có tổ quanh năm


Hình ảnh trong nhà yến của gia đình anh Dũng. ảnh: T.D
 
     Đến nay, đàn yến có khoảng 20.000 con, mỗi tháng gia đình anh thu được khoảng 07 kg tổ yến, giá mỗi kg tổ yến hiện nay khoảng 20.000.000 đồng. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 02 tỷ đồng.Kinh tế gia đình ổn định,  anh xây nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học.
   

Sản phẩm tổ yến thành phẩm. ảnh: T.D
 
      Mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Phạm Tiến Dũng ở Tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê là một hướng đi phát huy hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra nguồn thu nhập cao trên địa bàn huyện. Mô hình này cần được nhân rộng, đã có rất nhiều người ở khắp nơi về học hỏi mô hình nuôi chim yến của gia đình anh và anh đều nhiệt tình chia sẻ kỹ thuậtcũng như kinh nghiệm nuôi chim yến của gia đình mình. Đến nay, chất lượng Thương hiệu Yến Sào Tây Nguyên Nguyệt Dũng của gia đình anh đã vang xa ra các tỉnh thành trong cả nước.
     Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, có hiệu lực từ ngày 19 tháng 7 năm 2020 thì nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5h đến 11h30 và từ 13h30 đến 19h mỗi ngày. Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thuộc khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này, trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Chăn nuôi năm 2018 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định. Trong thời gian chưa ngừng hoạt động hoặc chưa di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định, phải thực hiện các quy định: Giữ nguyên hiện trạng, không được đầu tư xây dựng để cơi nới, mở rộng quy mô chăn nuôi; tuân thủ quy định về điều kiện chăn nuôi, quản lý động vật nuôi theo quy định pháp luật.
     Thiết nghĩ, để tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường, gây rủi ro dịch bệnh và tiếng ồn ảnh hưởng môi trường sống của cộng đồng. Các hộ dân đã và đang thực hiện mô hình nuôi chim yến cần tuân thủ các quy định, yêu cầu trên.
                                                                                               
                                                                             Phương Lê
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang