CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Hội thảo tổng kết mô hình phát triển nhân rộng trồng dâu nuôi tằm tại xã Al Bá, huyện Chư Sê.

Hội thảo tổng kết mô hình phát triển nhân rộng trồng dâu nuôi tằm tại xã Al Bá, huyện Chư Sê.

29/11/2019

     Sáng ngày 29/11/2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê phối với UBND xã AL Bá tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá mô hình phát triển nhân rộng trồng dâu nuôi tằm với hơn 50 hộ dân tham gia


Nông dân tham dự hội nghị tổng kết mô hình trồng dâu nuôi tằm
     Năm 2018, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã triển khai đầu tư xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 02 ha, cho 06 hộ.
     Tham gia mô hình các hộ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu và nuôi tằm, đầu tư hỗ trợ 100% hom giống dâu, con giống tằm, 50% phân bón sinh học bón cho dâu theo định mức của mô hình. Nông dân tham gia mô hình đối ứng 100% phần phân bón hữu cơ  và phân vô cơ bón trồng dâu, thuốc phòng bệnh cho tằm và dụng cụ nuôi tằm (nhà nuôi, nong, né …) công lao động, chăm sóc, thu hoạch kén. Sau 5 tháng trồng dâu, các hộ đã có lá dâu thu hoạch để nuôi tằm, mỗi lứa tằm chỉ nuôi từ 15 ngày, mỗi tháng nuôi được 2 lứa tằm. Việc nuôi tằm tương đối nhẹ nhành thích hợp với lao động là phụ nữ, người lớn tuổi, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Với tổng kinh phí đầu tư thực hiện mô hình 268.000.000 (Bao gồm: Hom dâu giống, con tằm giống và phân bón sinh học). Trung bình 01 ha dâu sau kết quả 5 tháng trồng nuôi được 05 hộp tằm giống cho thu hoạch sau 15 ngày nuôi và đạt từ 55-65 kg kén, với giá kén thời điểm hiện tại dao động từ 130.000-142.000đồng/kg, 1 hộp tằm cho thu nhập từ 7,5-9,2 triệu đồng/hộp và mỗi tháng nuôi được 2 lứa tằm, tổng thu khoảng 15-18 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2019 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã đề xuất Ủy Ban nhân dân huyện tiếp tục đầu tư nhân rộng 05 ha trồng dâu nuôi tằm với kinh phí gần 300 triệu từ ngân sách huyện thuộc chương trình hỗ trợ sự nghiệp nông nghiệp. Đồng thời triển khai cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hồ tiêu chết và được Đảng ủy, chính quyền và người dân nhiệt tình quan tâm, hưởng ứng thực hiện.
 
 
Vườn dâu tằm
 

 Nhà và dụng cụ nuôi tằm
     Chị Nguyễn Thị Bích Loan tại thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá tâm sự: Gia đình có 0,5 ha đất trồng cà phê, những năm trước tiêu được giá nên vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi sang trồng hồ tiêu với chi phí đầu tư rất cao. Năm 2018, mưa lớn kéo dài liên tục đã làm diện tích tiêu của gia đình chết hơn 90% ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn kinh tế của gia đình. Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều gia đình khác ở xã cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thanh niên trong làng trong độ tuổi lao động đã rời quê đi vào trong các khu công nghiệp làm công nhân để trang trải cuộc sống.  Được sự quan tâm của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND xã Al Bá hỗ trợ mô hình trồng dâu nuôi tằm gia đình đã mạnh dạn tham gia. Cây dâu tằm rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, sinh trưởng phát triển nhanh, cho lá nhiều. Tận dụng nhà kho cũ, chuẩn bị thêm dụng cụ nuôi đến nay gia đình tôi đã nuôi được 04 hộp tằm giống, với giá bán cao từ 128.000-140.000đ/kg, lợi nhuận thu được hơn 25 triệu đồng giải quyết được phần nào khó khăn về kinh tế của gia đình. 
 

Sản phẩm kén tằm khi thu hoạch
    Sau thời gian triển khai mô hình cho thấy nghề trồng dâu nuôi tằm rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở huyện Chư Sê, lợi nhuận thu được cao hơn so với các cây hoa màu khác. Hơn nữa đây là nghề rủi ro thấp, chỉ cần có đủ nước tưới trong mùa khô để cây phát triển, nhà nuôi tằm có thể tận dụng, cải tạo từ các kho nông sản cũ của gia đình, tiết kiệm chi phí đầu tư,  tận dụng lao động nhàn rỗi.
Với chi phí đầu tư cho trồng dâu, nuôi tằm không cao, một lần trồng có thể cho thu hoạch từ 15-20 năm. Cây dâu lại không kén đất, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau, sau từ 5 tháng có thể cho thu hoạch lá để nuôi tằm, việc chăm sóc cây dâu lại không đòi hỏi đầu tư quá cao. Đầu tư chi phí ban đầu tương đối thấp mà nuôi tằm lại cho thu hoạch nhanh, chỉ sau 15 ngày đã cho thu hoạch một lứa tằm, sản phẩm kén tằm tạo ra được thị trường tiêu thụ ổn định, với mức giá như hiện nay giao động từ 130.000 đồng – 142.000 đồng/kg.
    Mô hình trồng dâu nuôi tằm nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế một số loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao giúp người dân được cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.
 
 
 Các hộ dân đang cho tằm ăn rỗi
     Trong thời gian tới, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức nông hội do UBND các xã thành lập cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả từ việc trồng dâu nuôi tằm so với các loại cây trồng ngắn ngày khác, để nhân dân mạnh dạn chuyển đổi, tạo thu nhập ổn định cuộc sống. Đẩy mạnh việc thành lập các HTX kiểu mới để thực hiện sản xuất theo chuổi giá trị, gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tăng giá trị ngành hàng nông nghiệp nói chung và ngành trồng dâu nuôi tằm nói riêng.
                                                                                                      Yen Nguyen

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang