CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rụng quả trên cây cà phê trong mùa mưa

Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rụng quả trên cây cà phê trong mùa mưa

20/08/2019

          Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh Gia Lai bệnh rụng quả cà phê đang xuất hiện, gây hại, tính đến ngày 07/8/2019, tỷ lệ bệnh trung bình (TB) 2,5 %, cao 9,2 %, diện tích nhiễm (DTN) 60,2 ha, phân bố tại các huyện Đak Đoa 50 ha, Ia Grai 10,2 ha và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019, ở khu vực Tây Nguyên, tháng 8, tháng 9 lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%, độ ẩm không khí cao. Dẫn đến hiện tượng rụng quả trên cây cà phê sẽ xuất hiện cao hơn trong tháng 8, 9. 
Một số nguyên nhân gây rụng quả như sau:
          - Rụng quả theo quy luật tự nhiên (tự điều chỉnh): Giai đoạn quả cà phê bắt đầu hình thành nhân và tăng mạnh về thể tích gây ra sự chèn ép quả trong chùm và loại thải bớt những quả nhỏ thiếu dinh dưỡng; Do bón phân không cân đối, không đầy đủ N, P, K, bón nhiều đạm, thiếu trung và vi lượng; Ở một số nơi thời tiết mưa kéo dài, mưa nhiều cây không hút được dinh dưỡng.
          - Do sâu bệnh gây ra: Bệnh thường xuất hiện ở các vườn vệ sinh, cắt cành tạo tán không được thông thoáng, thiếu ánh sáng, độ ẩm cục bộ cao tạo điều kiện cho nấm thán thư gây hại; vườn bị rệp sáp, rệp vảy gây hại nặng; vườn bị mọt đục quả

Hình ảnh cà phê rụng quả non.
 
       Để phòng trừ rụng quả trên cây cà phê trong giai đoạn mùa mưa, bà con nông dân cần theo dõi và áp dụng các biện pháp như sau (theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp tại văn bản số 1829/SNNPTNT-BVTV ngày 14/8/2019):
      - Đối với những vườn cà phê xác định nguyên nhân rụng quả do thiếu dinh dưỡng; mất cân bằng dinh dưỡng cần bón kịp thời, đầy đủ, cân đối N-P-K, không nên bón quá nhiều đạm, bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng để cây phát triển tốt tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn chế rụng quả. Một số vườn có biểu hiện thiếu trung và vi lượng Can xi, Magiê, Kẽm, (Ca, Mg, Zn, Bo, ...), bón bổ sung vôi, kết hợp xử lý chế phẩm điều hòa sinh trưởng, phân vi lượng hoặc có thể phun phân bón lá, ... để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
- Đối với những vườn cà phê xác định nguyên nhân rụng quả là do nấm Collectotrichum coffeanum gây ra cần xử lý sớm bằng các loại thuốc BVTV có hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole, Hexaconazole, Metalaxyl + Mancozeb, Mandipropamid + Chlorothalonil, ... Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV: Ridomil Gold 68WP, Revus Opti 440EC, Amista Top 325EC, ... phun kép 02 lần, cách nhau 02 tuần; pha theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất in trên nhãn chai thuốc.
Một số đối tượng sâu bệnh hại chính cần phòng trừ:
     - Đối với những vườn còn bị rệp các loại gây hại sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất như:  Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin, Alpha-Cypermethrin + Chlorpyrifos, Buprofezin ... Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV: Tasodan 600EC, Super tac 500EC, Mapjudo 25WP, ... kết hợp với dầu khoáng SK để phòng trừ, pha theo nồng độ, liều lượng như khuyến cáo trên nhãn bao bì để phun. Chú ý phun kỹ, cục bộ những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại.
     - Đối với mọt đục quả: Thu gom những quả bị mọt đục rụng để tránh lây lan, dùng các thuốc BVTV có hoạt chất như: Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin, Chlorpyrifos, Carbosulfan, ... Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV: Tasodan 30EC, Pyrinex 20EC, Marshal 200SC, ... pha theo khuyến cáo phun kỹ những chùm quả có mọt. Chú ý phát hiện sớm khi mọt còn ở tuổi 1-2.
Thu Nguyễn

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang