CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Hướng dẫn sản xuất vụ Mùa 2021 trên địa bàn huyện Chư Sê

Hướng dẫn sản xuất vụ Mùa 2021 trên địa bàn huyện Chư Sê

07/05/2021

     Theo kế hoạch, dự kiến diện tích sản xuất vụ Mùa 2021 trên địa bàn huyện đạt: 5.210  ha cây lương thực; 1.368 ha cây có củ; 1.385,7 ha cây thực phẩm; 1.110 ha cây CNNN; 150 ha cây hàng năm khác; 21.263,6 ha cây CNDN và 3.441 cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâu năm


Người dân làng Vơng Chép xã Ayun tập trung thu hoạch lúa ĐX
để chuẩn bị sản xuất vụ mùa
 
Để tổ chức sản xuất vụ Mùa năm 2021 đạt hiệu quả bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19, Theo Văn bản số 1145/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 26/4/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v hướng dẫn sản xuất vụ Mùa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đối với lĩnh vực trồng trọt; các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Kế hoạch sản xuất: Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, triển khai đạt và vượt kế hoạch sản xuất vụ Mùa, cả năm 2021 theo Văn bản số 2351/UBND-KTTH ngày 31/12/2020 của UBND huyện Chư Sê.
2. Chuẩn bị đất: Thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ Đông xuân năm 2020 - 2021. Lựa chọn đất đai có có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với từng loại cây trồng; làm đất (cày đất, ải đất, dầm đất đối với đất lúa nước), bón lót phân hữu cơ. 
3. Chuẩn bị vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật): Rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; xác định tổng lượng vật tư nông nghiệp (từng loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (sản xuất lĩnh vực trồng trọt) sản xuất vụ Mùa năm 2021 (chuẩn bị vật tư nông nghiệp phù hợp với từng thời điểm sản xuất để cung ứng (tránh tình trạng thiếu hụt vật tư nông nghiệp và đẩy giá lên cao). Hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (sản xuất trồng trọt) lựa chọn vật tư nông nghiệp có chất lượng cao để phục vụ sản xuất; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đưa vào sản xuất gây thiệt hại; mở rộng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic,…; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh có độ độc hại cao, gây tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản.
4. Về lịch thời vụ và giống cây trồng: Triển khai thực hiện gieo trồng vụ Mùa năm 2021 theo lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, cụ thể như sau:
a. Đối với cây lúa:
* Rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa: Vùng an toàn nguồn nước sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ. Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng có khả năng thiếu nước vào đầu vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm tưới nước.     
* Thời vụ: Vùng chủ động nước tưới, có công trình thủy lợi xuống giống đại trà tập trung từ 20/5 - 30/6. Vùng không chủ động nước, phụ thuộc nước trời: Xuống giống tập trung, kết thúc trong tháng 7.
* Cơ cấu giống lúa:
- Đối với lúa nước:
+ Giống chủ lực: HT1, LH12, ML 48, OM4900;
+ Giống bổ sung: JO2, OM6976, Đài thơm 8, ĐV108, Nhị ưu 838, ĐT100, HN6;
+ Giống triển vọng: BĐR 27, RVT tiếp tục theo dõi, đánh giá làm cơ sở bố trí cơ cấu giống cho các vụ sau.
- Lúa cạn: Quan tâm phát triển một số giống lúa đặc sản địa phương đáp ứng với nhu cầu thị trường.
* Áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cho lúa, tiết kiệm tưới nước
- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (sản xuất trồng trọt) áp dụng kỹ thuật sản xuất IPM, ICM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”… ngay từ đầu vụ.
- Sử dụng hạt giống xác nhận đối với lúa thuần, hạt lai F1 đối với lúa lai.
- Gieo sạ thưa hợp lý: lúa thuần 80 -100 kg/ha, lúa lai 40 - 50 kg/ha.
- Tăng cường bón lót phân hữu cơ; bón phân vô cơ cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn của cây; sử dụng phân có nguồn gốc rõ ràng, trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam (Đối với phân Urê, ưu tiên sử dụng các dạng phân Urê chậm tan để chống thất thoát đạm).
- Mở rộng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic; hình thành các hợp tác xã sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic gắn với đóng gói bao bì nhãn mác đẹp đáp ứng các thị trường tiêu dùng, nâng cao giá thành sản phẩm.
- Đẩy mạnh cơ giới nông nghiệp sản xuất lúa: Khâu làm đất (cày, bừa), khâu thu hoạch, khâu bảo quản, sở chế và chế biến.
- Tưới phương pháp “Nông-Lộ-Phơi” và Sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi ban hành.
- Thực hiện tốt nội dung liên kết với Tập đoàn Lộc trời trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
* Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa
- Vùng khả năng bị hạn, thiếu nước cần chuyển đổi cây trồng cạn như mè, sắn, rau,... hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn.
- Trên đất lúa chuyển đổi cần bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng như vùng trồng ngô lai, vùng trồng đậu đỗ,... để dễ điều tiết nguồn nước.
b. Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày: Các loại cây trồng như ngô, lúa cạn, khoai lang, rau, đậu đỗ,...: Tập trung gieo trồng khi đất đảm bảo độ ẩm.
- Cây ngô: Khuyến cáo nông dân sử dụng giống ngô lai cho năng suất cao, cứng cây, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày, như: Bioseed 9698, CP 888, LVN10, các giống ngô biến đổi gen như Bt (NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT…), và một số giống ngô nếp HN88, MX10,…có khả năng kháng sâu keo mùa thu.
- Cây sắn: Chọn các giống sắn có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, phù hợp với công nghiệp chế biến, khả năng chống chịu sâu bệnh, nhất là bệnh khảm lá virus, bệnh chổi rồng như: KM98-5; KM94…Hạn chế tối đa sản xuất giống dễ nhiễm bệnh khảm lá sắn.
- Khoai lang: Chọn giống khoai lang Nhật, giống khoai lang Lệ Cần.
- Cây rau, đậu:
+ Đậu xanh khuyến cáo sử dụng các giống ĐXBĐ.07, ĐXBĐ.09,...có thời gian sinh trưởng ngắn 65 ngày vụ hè thu; kháng được bệnh vi rút khảm vàng. Sử dụng giống đậu lạc  HL25, L14, L25,...
+ Cây rau, đậu khác: Phát triển Rau chân vịt Anna Taki, đậu tương rau Kaohsiung 9, ngô ngọt,... cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến của Công ty TNHH MTV XNK rau quả Doveco Gia Lai theo hợp đồng liên kết sản xuất, liên kết với Tập đoàn Lộc trời trong sản xuất và tiêu thụ rau chất lượng cao theo tiêu chuẩn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm sản xuất vùng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cây mía: Chọn các giống chín sớm: K84-200, Suphanburi7,… các giống mía chín trung bình và muộn như KK3, KK6, K88-65, K88-92,…có chữ lượng đường cao, phù hợp với công nghiệp chế biến, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiết tiết kiệm nước cho cây mía.
c. Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả: Khuyến cáo sử dụng nguồn giống được sản xuất, buôn bán tại các vườn ươm trên địa bàn tỉnh được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; giống có nguồn gốc từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận, cụ thể:
- Cây cà phê: Sử dụng giống lai đa dòng TRS1 và giống TR4, TR9 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống có năng suất cao, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, kháng được bệnh gỉ sắt để thực hiện kế hoạch trồng tái canh năm 2021. Đẩy mạnh sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP, Organic,...đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước.
- Cây hồ tiêu: Sử dụng nguồn giống sạch bệnh giống Vĩnh Linh và Lộc Ninh cho những diện tích tái canh trong quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP.
- Cây điều: Sử dụng một số giống chủ lực như: PN1, MH4/5 và ĐDH110, ĐDH113,... trong kế hoạch trồng tái canh, ghép cải tạo vườn điều già cỗi, năng suất thấp.
- Cây ăn quả: Phát triển các giống cây ăn quả có thị trường tiêu thụ gắn với nhà máy chế biến của Công ty TNHH MTV XNK rau quả Doveco Gia Lai, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên,… gồm các giống chủ lực: Giống Bơ: (booth7, hass, bơ 034), giống sầu riêng (Mongthong, Ri 6, Dona), giống mít (Mít Thái, mít nghệ, mít không hạt), chuối (chuối già hương Nam Mỹ, chuối tiêu hồng), chanh leo (Đài Nông 1, Tai one, Tai Shang), dứa (cayenne, Queen), nhãn, na… Đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP.
5. Công tác chuyển đổi cây trồng
Chỉ đạo các tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát, xây dựng tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng mía, sắn, điều, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả sang trồng rau, củ, quả, cây dược liệu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường ở những chân đất thích hợp và dành một phần quỹ đất để phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lưu ý: Việc xây dựng vùng sản xuất thâm canh tập trung cho từng loại rau, hoa, quả, cây dược liệu phải chi tiết đến từng địa bàn thôn, xã, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững.
Với việc bám sát khung lịch thời vụ, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn cùng với nỗ lực của bà con nông dân trong chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sản xuất; huyện phấn đấu có một mùa vụ bội thu, hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra./.
 Lê Loan - TH          

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang