CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > KẾT QUẢ 15 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 63 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

KẾT QUẢ 15 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 63 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

29/04/2016

Thực hiện Chỉ thị số 63-CT/TW, ngày 28/02/2001 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Qua 15 năm (2001-2015) huyện Chư Sê thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng.

Công tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống được các cấp các ngành triển khai, thông qua các chương trình, dự án như: Dự án lai cải tạo đàn bò, nâng cao chất lượng bò thịt; dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất và kinh doanh cà phê Robusta bền vững; dự án nạc hoá đàn heo… Từng bước nâng cao khả năng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, máy móc phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư. Chuyển giao và ứng dụng thành công đàn gia súc có giá trị kinh tế như: Heo lai, bò lai, dê bách thảo, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp cho hiệu quả thiết thực.
Đến nay, huyện Chư Sê đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, với 85 ha; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng cà phê, hồ tiêu, với diện tích 165 ha; có 127 mô hình sản xuất có hiệu quả, chủ yếu là tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ về giống, biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.
Đến cuối năm 2015, trên địa bàn huyện có 68 mô hình phát triển sản xuất kinh tế trang trại, hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa theo nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao; thực hiện cơ giới hóa trên 60% trong khâu sản xuất và thu hoạch. Các chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ vốn, giống, vật tư, chuyển giao khoa học - công nghệ ứng dụng vào sản xuất cho nông dân được chú trọng; trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến tăng năng suất chất lượng nông sản. Nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa như: Tưới nước, tuốt lúa, xay xát, đạt hơn 80%, vận chuyển, làm đất, đạt hơn 95%. Nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện Chư Sê rất coi trọng trang bị các phương tiện sản xuất cơ giới, nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, kinh tế phát triển, thu nhập của nông dân tăng lên, tích lũy đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp. Các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn phát huy tác dụng tích cực, với các dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức… góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Diện mạo nông thôn đang có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng đáp ứng tốt hơn.
Đến nay, 100% số xã trong huyện có mạng lưới điện quốc gia, 90% dân số vùng nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có đường ô tô đến trung tâm xã, hệ thống kênh mương thủy lợi đang từng bước kiên cố bê tông hóa. Huyện dành quỹ đất 51 ha quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp của huyện, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư sản xuất kinh doanh.
Toàn huyện có hơn 1.295 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; có 08 doanh nghiệp chế biến và bảo quản nông, lâm thủy sản. Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê đầu tư nhà máy chế biến mủ công suất và nhà máy chế biến phân vi sinh hoạt động có hiệu quả. Sản xuất phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng: Năm 2005 là 5,1 triệu đồng, năm 2010 là 15,3 triệu đồng đến năm 2015 là 39,7 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện đã huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tính đến cuối năm 2015, huyện có 04 xã (xã Al Bă, Ia Blang, Ia Glai, Ia Hlốp) đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 12/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ chức trên 560 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến công nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của cán bộ và nhân dân thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện nhà ngày càng phát triển.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 63-CT/TW, ngày 28/02/2001 của Bộ Chính trị, trong thời gian huyện tập trung thực hiện một số nội dung:
Một là, Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng của huyện như: Công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất gia công đá, gỗ mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón…; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các mô hình kinh tế hợp tác xã trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển; phát triển giao thông nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Hai là, Đầu tư hợp lý mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, mạng lưới trung tâm thương mại tại các xã Bờ Ngoong, Al Bă, Ia Tiêm, Ia Hlốp, Ia Ko, HBông. Hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao tay nghề gắn với giải quyết việc làm; đào tạo khởi nghiệp; đào tạo cán bộ quản lý; đào tạo lại lực lượng cán bộ chuyên môn và tập huấn cho người sử dụng kỹ thuật mới.
Ba là, Quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, tha thiết với sự nghiệp xây dựng quê hương và đất nước; nâng cao kỹ năng ứng dụng, thực hành, năng động, sáng tạo. Quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ khoa học và công nghệ về làm việc tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bốn là, Có chính sách đầu tư nâng cao mặt bằng dân trí làm nền tảng, trí thức hóa nguồn lực lao động, khơi dậy mọi tiềm năng của xã hội; sớm dự báo được xu hướng phát triển để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Có chính sách và cơ chế theo quy định chung và hình thành cơ chế riêng để có thể xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đủ về số lượng và có chất lượng cao. Thường xuyên nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý đối với đội ngũ trí thức, lắng nghe ý kiến, đối thoại với đại diện trí thức về những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng của địa phương.         
                                                                                    Ban Biên tập Bản tin nội bộ huyện

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang