CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Kết quả 03 năm thực hiện công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn huyện Chư Sê

Kết quả 03 năm thực hiện công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn huyện Chư Sê

17/06/2020

     Thực hiện Chương trình số 40-CTr/TƯ ngày 24/4/2017 của Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Kết luận số 11- KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08- CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”, 03 năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt nhất là công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã xác định và đưa một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về ATTP vào chương trình, kế hoạch công tác để thực hiện. Đạt được những hiệu quả nhất định.
     Huyện đã ban hành các quy định, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn huyện, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành văn bản nhằm tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP. Xác định rõ mục đích, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện, chủ yếu tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo đảm ATTP; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi; tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP
     Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP luôn được quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hoạt động truyền thông có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa các nguy cơ ngộ độc và phòng tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm như: tổ chức 84 lượt phát thanh, 15 bài viết về công tác ATTP trên wedsite UBND huyện cũng như trên đài phát thanh huyện và gửi bài về Báo tỉnh; 6 đợt xe loa tuyên truyền lưu động tại các xã, thị trấn. Trong 03 năm, đã tổ chức 02 buổi lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm với 1.000 lượt người tham dự. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi nói chuyện và tập huấn kiến thức ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: các buổi nói chuyện trực tiếp, Hội thi: “Mâm cơm cuối tuần” do Liên đoàn lao động huyện tổ chức ... đặc biệt công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong các dịp Lễ như: Tết nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động vì ATTP....


Quang cảnh một buổi Lễ phát động Tháng hành đồng vì ATTP
Công tác quản lý nhà nước về ATTP: hiện nay trên địa bàn có 13.298 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó thuộc quản lý của các ngành: 627 thuộc ngành y tế, 798 cơ sở ngành Công thương, 11.873 cơ sở ngành NN&PTNT
     Hầu hết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ nét về nhận thức và hành động trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại siêu thị, trường học, công viên được quản lý chặt chẽ. Các trường học bán trú, nội trú tại huyện đã đáp ứng được yêu cầu đảm bảo về ATTP như: Nhân viên và chủ cơ sở được tập huấn kiến thức về ATTP; khám sức khỏe định kỳ; có hợp đồng cung cấp nguyên liệu, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP; bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc một chiều, đảm bảo vệ sinh...
     Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi đã được các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội quan tâm. Đã có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước và nhân dân, giữa các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác ATTP. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trên địa bàn huyện hiện có 01 cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động có hiệu quả, xa khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hệ thống, mạng lưới ATTP: Huyện đã thành lập, củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) huyện Chư Sê tham mưu cho UBND huyện về chỉ đạo và điều hành trong công tác An toàn thực phẩm. 15/15 xã, thị trấn đều thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo công tác phòng ATTP trên địa bàn cấp mình quản lý. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 03 ngành quản lý ATTP: Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng Kinh tế - Hạ tầng, bố trí 01 công chức chuyên môn về ATTP; 01 Khoa y tế công cộng - An toàn vệ sinh thực phẩm truyền thông thuộc Trung tâm y tế huyện với 06 biên chế. 15 UBND xã, thị trấn có 01 công chức kiêm nhiệm về ATTP và Trạm Y tế, xã thị trấn có 01 cán bộ phụ trách ATTP; 128 thôn làng, tổ dân phố có 01 cộng tác viên và nhân viên y tế thôn, làng thực hiện giám sát dịch và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
 

Quang cảnh một buổi họp Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP
     Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP đã được đẩy mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể. Trong 03 năm qua, đã thành lập 12 đoàn kiểm tra về ATTP . Song song với việc kiểm tra, giám sát các sở, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, giáo dục kiến thức và cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Với kết quả: Trong đó có 12 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện và  01 đoàn kiểm tra tuyến xã; với 171 lượt cơ sở được kiểm tra; có 50 cơ sở vi phạm bị phạt số tiền 70.650.000 đồng;           Trong 03 năm đã tổ chức 8 lớp tập huấn kiến thức ATTP cho người quản lý, chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm, với 1.055 người tham gia. Tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh cho 65 cơ sở; Ngành y tế: Cấp mới 24 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã cấp mới 12 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ngành Công thương cấp 15 giấy cam kết và 03 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
 

Kiểm tra liên ngành cơ sở kinh doanh thực phẩm
 

Kiểm tra liên ngành cơ sở sản xuất rượu thủ công
     Về Công tác xã hội hóa đảm bảo ATTP: Mạng lưới ATTP từ huyện đến cơ sở đã được kiện toàn theo hướng xã hội hóa. Các hoạt động đảm bảo ATTP được triển khai khá thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân về ATTP; Đa số người dân đã quan tâm đến việc lựa chọn, tiêu dùng các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân. Các doanh nghiệp bước đầu đã quan tâm đến chất lượng sản phẩm và tạo dựng thương hiệu trên thị trường, tạo cơ sở cho việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động vì ATTP. Tiêu biểu như Hợp tác xã cà phê Tân Nông Nguyên, Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (chi nhánh Gia Lai)…;Việc xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn được chú trọng đầu tư, nhất là quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, VietGAHP đã được triển khai và nhân rộng. Việc hướng dẫn, tập huấn và hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tư nhân thực hiện sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn đạt được những chuyển biến tích cực và đã xuất hiện những mô hình thực hiện tốt công tác ATTP.
     Công tác giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm được chú trọng và tiến hành thường xuyên. Các vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện, xử lý kịp thời. Trong 03 năm qua, toàn huyện xảy ra 01 vụ với 25 người bị ngộ độc thực phẩm, không người tử vong. Tất cả các hoạt động và lễ hội lớn trong 03 năm trở lại đây không xảy ra các sự cố về ATTP.
     Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác ATTP trong tình hình mới còn một số hạn chế: Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo ATTP, nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chưa thường xuyên, nhất là ở tuyến cơ sở. Việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm còn chậm, hình thức xử lý chưa triệt để; Đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu và yếu, nhất là ở tuyến huyện và cơ sở, đa phần kiêm nhiệm. Tuyến xã chưa có chỉ tiêu biên chế công tác ATTP; Vẫn còn một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận trước mắt, nên vẫn sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép; chưa thực nghiêm túc ATTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh; Các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bỏ sót một số lĩnh vực... gây khó khăn cho việc áp dụng và phối hợp giữa các sở ngành, địa phương trong quá trình thực hiện. Các dự án đã được phê duyệt do thiếu kinh phí nên chậm tiến độ triển khai; Những năm gần đây tỷ lệ nhiễm vi sinh vật trong nông, lâm sản, thịt và rau xanh, có giảm nhưng không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sản xuất kinh doanh và nhận thức của người dân còn hạn chế như thu hoạch sản phẩm để trực tiếp xuống đất, gần nguồn gây ô nhiễm, giết mổ gia súc nhỏ lẻ không tập trung, không đảm bảo vệ sinh…; Phòng Y tế chỉ có 01 biên chế nên thiếu nhận lực trong thực hiện nhiệm vụ
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08- CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”, huyện Chư Sê tập trung Một số nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo ATTP trong thời gian đến:
1- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện tốt Luật An toàn thực phẩm, Chương trình số 40-CTr/TƯ ngày 24/4/2017 của Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Kết luận số 11- KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08- CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”,
2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật An toàn thực phẩm. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; phát triển chuyên mục, chuyên trang về "An toàn thực phẩm" để hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi ATTP trong toàn xã hội.
3- Tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Các ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với từng công đoạn của Chuỗi cung cấp thực phẩm; chú trọng xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ…
4- Đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa bảo đảm ATTP; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia công tác ATTP. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Có cơ chế khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP.
5- Chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở, vật chất; nâng cao chất lượng cán bộ và tăng biên chế cán bộ làm công tác ATTP, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế - dân số. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP trên địa bàn toàn huyện.
6- Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác ATTP như: Nâng cấp một số phòng thí nghiệm tuyến tỉnh thuộc ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt tiêu chuẩn. Xây dựng, thử nghiệm, triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý ATTP tiên tiến (GMP, HACCP, GHP, ISO 9001, ISO 22000...) gắn với việc chứng nhận điều kiện vệ sinh ATTP, chứng nhận hợp quy hoặc chứng nhận phù hợp chất lượng hàng hóa... theo quy định của pháp luật.
7- Tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm, định hướng sản xuất thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật, theo các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và các tiêu chuẩn tương đương khác. Thực hiện hiệu quả một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản. Quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn tập trung, vùng sản xuất rau an toàn; vùng chăn nuôi tập trung, gắn với việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm.
          Kim Oanh  

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang