CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > NÔNG DÂN CHƯ SÊ THU NHẬP CAO TỪ TRỒNG KHOAI TÂY LIÊN KẾT

NÔNG DÂN CHƯ SÊ THU NHẬP CAO TỪ TRỒNG KHOAI TÂY LIÊN KẾT

15/06/2021

     Những ngày cuối tháng 3 vừa qua là thời điểm nông dân xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) tất bật với việc thu hoạch khoai tây. Trên những cánh đồng dài tít tắp toàn những củ khoai tây to, đẹp mắt; bà con nông dân vô cùng hào hứng với vụ khoai tây được mùa. Xuống đồng từ sớm để thu hoạch khoai tây, Ông Trịnh Ảnh (thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong) phấn khởi chia sẻ, nhà ông vụ này trồng tất cả là 7 ha khoai tây, năng suất khoai tây đạt trung bình 30 tấn/ha; với giá bao tiêu sản phẩm của Công ty liên kết thì sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha. "Vụ đầu tiên trồng khoai tây thắng lợi, tôi mừng lắm…”
     Năm 2020, được sự thống nhất của Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Gia Lai đồng ý chủ trương và phối hợp, hợp tác với Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam về sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoai tây (Văn bản số 2176/SNNPTNT-VP ngày 19/8/2020); Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Food Việt Nam đã thực hiện dự án thí điểm trồng khoai tây sản lượng cao trên địa bàn huyện Chư Sê với diện tích 26 ha tại xã Bờ Ngoong. Sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm cho thấy, giống khoai tây sản lượng cao mà Công ty đưa vào trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với vùng đất ở Chư Sê; năng suất bình quân đạt 26-28 tấn/ha, có nơi đạt 30-32 tấn/ha. Hình thức hỗ trợ của công ty là ký hợp đồng với người dân theo giá thỏa thuận, cung cấp giống, phân bón; hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
     Khoai tây là loại cây nông nghiệp ngắn ngày, trồng lấy củ chứa tinh bột; là loại cây trồng lấy củ rộng rãi nhất thế giới. Trong củ khoai tây chứa một nguồn dồi dào chất xơ và các khoáng chất cần thiết như vitamin C, vitamin B6 và kali. Khoai tây chứa ít chất béo bão hòa, cholesterol và natri nên rất tốt cho tim mạch. Tại thị trường nước ta, ngành hàng snack khoai tây ngày càng lớn mạnh tuy nhiên nguồn nguyên liệu của khoai tây tươi nội địa chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% của nhu cầu này. Từ thực tế đó và sau thành công về phát triển vùng nguyên liệu khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk, PepsiCo - Tập đoàn đồ uống và thực phẩm toàn cầu, với chương trình hợp tác cùng nông dân trồng khoai tây để làm nguyên liệu chế biến snack, để mở rộng vùng trồng nguyên liệu khoai tây sang các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai; PepsiCo ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ về kỹ thuật, cùng đầu tư ứng giống, phân bón với chi phí ước tính khoảng 40%/hecta, nông hộ đầu tư 60% cho việc chuẩn bị đất, đối ứng công lao động, điện nước tưới. Với năng suất bình quân 26 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất dự kiến từ 90 triệu đến 100 triệu đồng một hecta cho 4 tháng canh tác.
     Cùng là hộ nông dân tham gia liên kết trồng khoai tây tại xã Bờ Ngoong, ông Nguyễn Văn Thạnh cũng trồng thí điểm 8 ha xen canh trong diện tích trồng cao su. Vụ vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được hơn 800 triệu đồng. Cũng tại xã Bờ Ngoong, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên (thôn Đồng Tâm) cũng trồng 4 ha; thu hoạch năng suất trung bình đạt hơn 28 tấn/ha; sau khi trừ chi phí cũng lãi ròng trên 100 triệu đồng/ha. Theo các hộ dân chia sẻ, trồng khoai tây không khó; điều quan trọng nhất là phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà PepsiCo Việt Nam đã hướng dẫn và điều tiết nước tưới một cách hiệu quả sẽ cho năng suất cao. Mặt khác do được công ty bao tiêu thu mua sản phẩm nên nông dân rất yên tâm khi tham gia


Nông dân xã Bờ Ngoong thu hoạch khoai tây (Ảnh NK)
     Chư Sê có địa hình vùng núi, đất đỏ bazan nên thích hợp với các loại cây trồng lấy củ; qua các năm khảo sát và trồng thí điểm cho thấy nông học, thổ nhưỡng khu vực huyện Chư Sê rất phù hợp với việc trồng khoai tây. Cây trồng ít sâu bệnh, hàm lượng chất khô trong củ rất tốt, phù hợp để làm nguyên liệu chế biến. Diện tích trồng khảo nghiệm giống khoai tây của PepsiCo đã cho kết quả tốt, chất lượng củ bước đầu được đánh giá cao. So với các loại cây trồng ngắn ngày, cây khoai tây là một lợi thế, thời gian thu hoạch chỉ 04 tháng mà lợi nhuận ổn định.
 

Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Gia Lai kiểm tra dự án liên kết trồng khoai tây
của Công ty Công ty PepsiCo Việt Nam tại Bờ Ngoong
     Trong những năm gần đây, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; huyện đang tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp, HTX liên kết cùng người dân sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Như từ các nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2019 và 2020, huyện đã triển khai nhiều dự án liên kết giữa các HTX với người dân thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca của HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Ia Ring; Hợp tác xã Ayun Thịnh với dự án Hình thành chuỗi liên kết bền vững, ổn định về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản giữa các HTX và nhân dân trên địa bàn xã Ayun; Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Ia Blang với dự án Trồng thâm canh cây sầu riêng; Hợp tác xã Kinh doanh, nuôi trồng và sản xuất giống dược liệu công nghệ cao Quang Minh với dự án Hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm các cây dược liệu; Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Hoài Trương với dự án Hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm từ cây đinh lăng và chanh dây; hay dự án liên kết trồng dâu nuôi tằm của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang… Huyện đã vận dụng các chính sách ưu tiên hỗ trợ HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; hỗ trợ một số HTX xây dựng trụ sở, nhà kho…; triển khai chính sách thu hút các sinh viên về làm việc có thời hạn tại các HTX…  Những chính sách liên kết trên đang từng bước đạt được những kết quả tích cực; một số HTX đã khẳng định được vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói - giảm nghèo trên địa bàn huyện.
     Về phát triển liên kết trồng khoai tây, đánh giá hiệu quả của chương trình hợp tác trồng khoai tây của PepsiCo, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, Gia Lai là địa phương có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng khoai tây; đây là mô hình mới nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh sẽ hỗ trợ tích cực để Công ty triển khai thực hiện mở rộng dự án, liên kết với người dân và từng bước hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có huyện Chư Sê. Đồng thời, việc mở rộng dự án trồng khoai tây sản lượng cao cũng hoàn toàn phù hợp với Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.
                        Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang