CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Nấm Thái Dương Mô hình mới ở huyện Chư Sê

Nấm Thái Dương Mô hình mới ở huyện Chư Sê

11/09/2020

     Trong các loại nấm nuôi trồng thuần chủng ở Việt Nam như nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, đông cô vv… Nấm Thái Dương lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Chư Sê Gia Lai do Cty TNHH MTV Liên Long Lào Cai hợp tác nuôi trồng. Qua 5 tháng làm mô hình thử nghiệm, đến nay đã cho kết quả khả quan


      Chúng tôi theo chân đoàn tham quan mô hình đến trang trại nấm của chị Lê Thị Thuận ở 04 đường Cách Mạng thị trấn Chư Sê – Gia Lai. Một ngôi nhà mái bạt, xung quanh che chắn lưới dày, diện tích mặt bằng là 300m2. Bên trong, sau khi chừa lối đi còn lại diện tích mặt sàn là 240m2 chia làm 4 tầng (960m2). Nhìn những nụ nấm thái dương mọc chi chít thành chùm có màu nâu hồng, búp lớn chừng 3 đến 4cm, trên mũ có những vảy nhỏ màu nâu sậm. Cuống nấm màu trắng tinh, lớn bằng ngón tay út, cao khoảng 6 – 7cm. Chị Thuận vừa đi vừa giới thiệu với đoàn: Chị được nhận làm mô hình liên kết với Cty TNHH MTV Tuấn Hà tại huyện Chư Sê. Tổng chi phí chị bỏ ra là 100 triệu đồng để xây dựng. Vật liệu chủ lực để làm sàn là tre, nứa. Trụ đỡ chính là trụ bê tông mua lại của các vườn tiêu bị chết. Kỹ thuật trồng nấm được công ty liên kết hỗ trợ từ khâu xây dựng đến chăm sóc, kể cả bao tiêu sản phẩm. Sau khi xây dựng đúng kỹ thuật nhà nấm, qua khâu xử lý giá thể là rơm rạ, bã mía, vỏ cà phê, phân bò hoai mục phân lân và ít vôi bột. Tiếp đến là gieo meo nấm lên, sau đó phủ lớp đất ẩm lên trên cùng chiều cao chừng 25cm. Sau 3 tháng mới có thể cho trái bói đầu tiên. Theo tính toán của chị Thuận, “Tổng cộng sản lượng đạt từ 4 đến 7 tấn trên 2 tháng thu hoạch (tùy thuộc vào thời tiết). Với mức giá hợp đồng thấp nhất là 20.000đ/kg tươi thì chị tổng thu được 80-140 triệu đồng, trừ chi phí nhân công, phôi nấm, phân bón và giá thể mới cho vụ 2, chị còn lãi ròng được 40-60 triệu đồng. Mỗi năm sản xuất 2 đợt, còn lại các tháng phải nghỉ mùa đông vì nhiệt độ, độ ẩm cũng như nuôi trồng lại lứa mới. Tổng vòng đời của nhà trại nếu xây dựng kiên cố thì được 5 năm”. Chị Thuận nói.
     Theo ông Lâm Chí Dũng- Kỹ thuật viên của Cty TNHH MTV Liên Long Lào Cai. Ông vào Gia Lai từ tháng 06/2019 và tìm đến vùng đất Chư Sê, sau khi tìm hiểu về nhiệt độ và độ ẩm của vùng đất này rất phù hợp cho sự phát triển của nấm Thái Dương. Đến tháng 10/2019 ông gặp lãnh đạo Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê và tiến hành hợp tác, tìm đối tác và vận động nông dân làm mô hình sản xuất tại địa phương này. Người đầu tiên ký kết để làm mô hình là Cty TNHH MTV Tuấn Hà là hội viên của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê. Sau đó, các nông dân hội viên khác cũng đăng ký. Đến nay tại địa bàn huyện Chư Sê có 12 mô hình sản xuất nấm Thái Dương. Đa phần là những hội viên của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê.
     Theo ông Hoàng Phước Bính- Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: “Những hội viên của Hiệp hội hồ tiêu đang lâm vào thời điểm giá cả hạ thấp, cộng với những vườn hồ tiêu bị chết như hiện nay. Vì vậy, nhiệm vụ của Ban chấp hành hiệp hội hồ tiêu là tìm ra liên kết sản xuất, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hội viên là điều cần thiết. Mô hình thành công, hiệp hội chúng tôi sẽ phát động hội viên mạnh dạn đầu tư chuyển đổi để tạo thu nhập ổn định cuộc sống”.
    Ông Lâm Chí Dũng trao đổi thêm: Nấm Thái Dương có tên khoa học (Agaricus blazei Murrill) là loại nấm xuất hiện ngoài tự nhiên đang còn rất nhiều hạn chế, lần đầu tiên nó được phát hiện ở Brazil và hiện được nhân giống trồng ở một số nước tiên tiến như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Qua quá trình phát triển cho thấy, đây là một trong những loài nấm tốt cho con người có thể ăn được, xếp vào hàng có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt có giá trị dược tính cao trong việc phòng ngừa hỗ trợ điều trị các căn bệnh về gan, giúp ức chế việc không cho khối u hình thành, ngăn ngừa đái tháo đường, xơ vữa động mạch, giúp tăng cường hệ miễn dịch… “Với những đặc tính về dược lý, giá trị của nấm Thái Dương, Công ty Liên Long Lào Cai đã trồng nhiều nơi các tỉnh phía Bắc và được tham khảo kỹ thuật của các nhà nuôi trồng ở huyện Phủ Điền Phúc Kiến Trung Quốc nên ra quyết định thực hiện một công trình nghiên cứu bài bản đối với loại nấm mới này trên đất Chư Sê. Hơn nữa, đây còn được xem là một nghiên cứu có lợi thế cho địa phương. Chúng tôi sẽ thực hiện như hợp đồng từ khâu kỹ thuật đến khâu bao tiêu sản phẩm, mỗi kg khô giao động từ 300-320.000đ theo giá thời điểm. Hiện nay, Cty TNHH MTV Liên Long Lào Cai đã hợp đồng nhà xưởng tại thôn Mỹ Thạch 1 để sản xuất phôi nấm và nhà sấy nấm. Sau khi các trại nấm đi vào thu hoạch rộ, nhà máy chúng tôi sấy được khoảng 8 tạ nấm tươi/ngày, sau đó gửi hàng về lại kho của Công ty để tiêu thụ. Đối tác tiêu thụ nấm Thái Dương chủ yếu là các công ty ở Nhật bản, Hàn Quốc và Trung Quốc”. Ông Dũng nói.
     Đây là bước đầu đột phá mới ở huyện Chư Sê, việc trồng nấm Thái Dương sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho bà con nông dân. Đồng thời giúp tạo vùng nguyên liệu lớn, ổn định cuộc sống./.
      An Sinh

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang