CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Trồng nhãn lồng trái vụ cho thu nhập khá

Trồng nhãn lồng trái vụ cho thu nhập khá

08/05/2019

Trong khi nhiều hộ nông dân đang băn khoăn với việc chọn trồng giống cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao thì cựu chiến binh (CCB) ĐàoVăn Côi, thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng cây nhãn lồng Hưng Yên trái vụ. Sau mỗi mùa vụ thu hoạch cũng mang lại cho gia đình một nguồn thu nhập khá.

Cựu chiến binh Đào Văn Côi ( áo xanh) nhờ trồng nhãn trái vụ đã mang lại một nguồn thu nhập khá
Năm 2000, nhận thấy khí hậu và đất đai ở huyện Chư Sê phù hợp với việc trồng cây ăn quả, ông Côi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu kém chất lượng sang trồng 42 cây nhãn lồng Hưng Yên. Lúc đầu chập chững làm quen với mô hình trồng nhãn, vì thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên cây nhãn sinh trưởng và phát triển kém. Thế nhưng nhờ bản thân ông chịu khó vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào các công đoạn từ cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước…đã giúp vườn nhãn ngày một xanh tốt hơn, nhờ thế mà năm nào vườn nhãn cũng cho quả trái vụ với sản lượng cao.
Ông Côi cho biết: “Qua các cuộc đi tham quan học hỏi kinh nghiệm được anh em đồng đội chỉ bảo cho cách trồng, chăm sóc cây nhãn, tôi đã làm theo và thực hiện cho cây nhãn ra trái vụ, mùa đầu tiên ra trái tôi thấy rất là phấn khởi cây nào cũng ra hoa, đậu quả sum suê, bạn bè ở nhiều nơi nghe tiếng đã ghé đến tham quan vườn nhãn. Không những thế các con, các cháu ở xung quanh nơi tôi ở cũng học tập theo”.
 
Cũng theo ông Côi, trước đây khi trồng cây nhãn người nông dân thường trồng khoảng cách hàng cách hàng 10m, cây cách cây 10m để tạo được độ thông thoáng cho vườn cây. Còn bây giờ với kinh nghiệm thực tế trong quá trình canh tác, chăm sóc cho cây nhãn thì người trồng nhãn chỉ cần thiết kế cây cách cây, hàng cách hàng đều là 4m làm như thế vừa tiết kiệm diện tích đất lại vừa tăng sản lượng nhãn. Thời gian sinh trưởng đến lúc cho thu hoạch đối với cây nhãn khoảng 3 năm, sau khoảng 10 năm đầu thu hoạch, khi cây nhãn bắt đầu giáp tán, để đảm bảo độ thông thoáng cho cây phát triển thì người trồng tiến hành cắt xen kẽ giữa các hàng để cây cách cây là 8m.
Hiện nay gia đình tôi trồng được 400 cây nhãn, trong đó đã có 42 cây nhãn đã thu hoạch được 5 năm, mỗi vụ thu hoạch, trừ các khoản chi phí cũng mang lại cho gia đình tôi trên 150 triệu đồng, nhãn của gia đình tôi thường bán với giá 30.000đồng/kg, người tiêu dùng chủ yếu là người dân địa phương và một số khách hàng ở thành phố Pleiku.- ông Côi cho biết thêm.
Nhận xét về tấm gương cựu chiến binh Đào Văn Côi, ông Nguyễn Đình Tương, Chi hội trưởng Hội CCB thôn Phú Cường cho biết: đồng chí Côi là một hội viên lao động tiên tiến điển hình, từ chỗ 2 bàn tay trắng, nhờ mạnh dạn tìm tòi học hỏi phương thức làm ăn, đến nay gia đình đồng chí đã trở thành một hội viên làm ăn gương mẫu. Trong quá trình lao động sản xuất đồng chí đã phát huy được phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, luôn chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế nhằm giúp anh em hội viên cùng nhau phấn đấu vươn lên.
Bài, ảnh: Huy Hoàng
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang