CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Đổi thay trên quê hương anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu

Đổi thay trên quê hương anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu

16/04/2019

Đến với làng Tel, xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) quê hương của anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu mới thấy được diện mạo nông thôn nơi đây từng bước thay da, đổi thịt từng ngày. Cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao thu nhập nhờ thay đổi được nếp nghĩ, cách làm trong việc phát triển các mô hình sinh kế để mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao.

Làng quê của anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu đang thay da đổi thịt từng ngày
Tháng 1/2019, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, làng để thuận tiện trong công tác quản lý, hai làng Tel Yố, làng Tel Ngó ( xã Ia Hlốp) được sáp nhập lại thành một làng trên cơ sở dân cư và điều kiện tự nhiên của hai làng và lấy chung cùng một tên làng Tel. Hiện có 136 hộ với trên 600 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua được sự quan tâm giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền đã giúp cho hệ thống chính trị của địa phương này làm tốt công tác vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong ký ức của già Kpuih Yah, già làng, người uy tín của làng Tel, già vẫn còn nhớ mãi về một thời gian khổ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Những năm tháng chiến đấu quyết liệt ấy, cuộc sống của người dân làng ông gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì lòng căm thù giặc nên bà con dân làng ai cũng cùng chung một ý chí để đứng lên đánh tan quân địch. Dưới sự chỉ huy tài tình của anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu, dân làng ông đã lập nhiều chiến công tiêu diệt quân địch để mang lại sự bình yên cho làng. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng thống nhất năm 1975, thấy cuộc sống của người dân đang còn chịu cảnh đói nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc. Lúc ấy anh hùng Kpuih Thu và nhiều người cao tuổi trong làng trong đó có cả già Kpuih Yah đã họp dân làng để lên phương án kêu gọi mọi người trồng khoai, sắn, lúa Đông- xuân,…nhằm giải quyết chuyện thiếu ăn cho người dân.
Già Kpuih Yah, già làng, người uy tín tâm sự: năm nay tôi đã 71 tuổi, tôi chứng kiến được cuộc sống của dân làng tôi từ nghèo khó, bây giờ đã có nhiều đổi thay rồi, có đường nhựa, trường học, có nhà xây kiên cố, có xe máy, giờ đâu có nghèo khổ như xưa nữa đâu.”
Còn theo anh Siu Lêng, là một người trẻ, thế hệ con cháu mới lớn lên trong thời kỳ hòa bình, anh hiện là Thôn trưởng kiêm bí thư chi bộ làng Tel, xã Ia Hlốp cho biết: Cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, từ việc bà con phát triển kinh tế theo kiểu tự cung, tự cấp và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, bây giờ bà con đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ gia đình nhờ lựa chọn đúng đắn mô hình phát triển kinh tế phù hợp đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định và vươn lên thoát cảnh đói nghèo.
Đổi thay nhất là 10 năm trở lại đây cuộc sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều, bà con đã biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi như; trồng cây cà phê, hồ tiêu, cao su, chăn nuôi bò, dê… để mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Một số hộ gia đình nhờ biết cách phát triển kinh tế đã có thu nhập trên 100 triệu đồng tiêu biểu như: hộ gia đình ông Kpuih Neh, Rơ Lan Blung, Kpuih Núi, Siu Cher… anh Siu Lêng tâm sự.
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Rơ Lan Blung, làng Tel, xã Ia Hlốp, trước đây cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, thế nhưng nhờ biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp nên gia đình ông đã thoát được cảnh đói nghèo. Hiện gia đình ông có 2600 gốc cà phê; 150 cây bơ booth mới trồng xen trong vườn cà phê 3 năm tuổi và 400 gốc cây hồ tiêu; 4 sào lúa nước. Bên cạnh đó ông còn trồng thêm 2 sào cỏ sả để phát triển mô hình chăn nuôi bò. Đàn bò của gia đình ông hiện có 07 con bò, quá trình chăn nuôi ông còn tận dụng được một lượng lớn phân bò để bón cho cây cà phê, hồ tiêu nhờ thế mà ông tiết kiệm gần 20 triệu đồng trong việc mua phân chuồng để bón cho cây trồng.
Ông Blung cho biết: “ trước đây gia đình mình khổ cực lắm, sản xuất chủ yếu theo kiểu tự cung, tự cấp nên mọi chi tiêu trong gia đình cũng khó khăn. Kể từ khi bắt tay vào việc trồng cây cà phê, tiêu…sau mỗi vụ thu hoạch nhờ bán cà phê, tiêu mà gia đình tôi đã có thêm một khoản thu nhập để trang trải trong gia đình từ đó cuộc sống đã từng bước ổn định hơn. Hiện nay thu nhập bình quân hàng năm trừ hết các khoản chi phí lãi gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng/năm.
 
Ông Rơ Lan Blung tấm gương làm kinh tế giỏi của làng Tel
Hộ gia đình ông Kpuih Neh, làng Tel những năm trước đây vì thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên ông chỉ trồng cây lúa nước, sắn…quá trình canh tác chủ yếu dùng cuốc, xẻng để xới đất nên hiệu quả cũng như năng suất nông sản rất thấp. Kể từ khi ông mạnh dạn khai hoang đất đai trồng 720 gốc cà phê, chăn nuôi bò, trồng lúa nước nhờ áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào trong quá trình phát triển kinh tế, hàng năm thu hoạch nông sản trừ các khoản chi phí gia đình ông lãi trên 70 triệu đồng/năm nhờ thế mà ông đã mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Đến với quê hương của anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu, giờ đây chúng ta đã thấy được diện mạo mới của một làng quê đang thay da đổi thịt từng ngày. Các trục đường chính của làng được nhựa hóa kiên cố đã giúp cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Làng Tel hiện có 12 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 8.8%. Tỷ lệ học sinh trong làng đến trường luôn đạt trên 85%. Bên cạnh đó thời gian qua nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được người dân đồng tình tích cực tham gia. Trong làng hiện 5 bộ cồng chiêng và có 2 đội cồng chiêng với trên 60 người tham gia biểu diễn mỗi khi làng có lễ hội. Hàng năm để giúp cho người dân cùng nhau nhớ lại các trò chơi dân gian của đồng bào Jrai, hệ thống chính trị làng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi như: bắn nỏ, giã lúa, kéo co, cà khoe, đan lát...qua mỗi lần tổ chức đã giúp cho bà con ngày càng nâng cao hơn về việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
 
Dù  hình bóng của một vị anh hùng được cả dân tộc yêu mến đã ra đi về với đồng chí, đồng đội, nhưng trong tâm trí của mỗi người dân, ông luôn là một điểm tựa vững chắc để cho mỗi thế hệ noi gương và có thêm tinh thần, niềm tin trong cuộc sống, từ đó giúp cho người dân có thêm sự cố gắng để làm ăn phát triển kinh tế. Dân làng Tel nơi đây họ luôn tự hào về người anh hùng của quê hương, chính ông đã thắp sáng ngọn lửa niềm tin cháy rực giữa một ngôi làng để ngôi làng ấy đang từng bước khởi sắc và trên đà phát triển.
Bài, ảnh: Huy Hoàng


 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang