CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > “Dân vận khéo”- góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

“Dân vận khéo”- góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

01/02/2021

     Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” là phương thức đổi mới công tác vận động quần chúng, là quá trình mở rộng dân chủ xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi cương lĩnh, chiến lược của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước.
     Thực hiện Hướng dẫn của cấp trên, hệ thống dân vận các cấp đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với nhiều hình thức đa dạng; tập trung vào nội dung tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách XDNTM, giới thiệu những mô hình hiệu quả, cách làm hay và cá nhân điển hình, đồng thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở trong việc XDNTM. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Các hộ gia đình đã nhận thức được XDNTM đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình mình, từ đó ý thức được vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện chương trình, tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã xây dựng được 38 mô hình, 21 điển hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới.
Việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 10/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã nông thôn mới nâng cao


Tuyên truyền, vận động người dân nạo vét kênh mương tại xã Chư Pơng. Ảnh: N.C.T
     Tuy nhiên, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa đa dạng, phong phú. Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm xây dựng, nuôi dưỡng phong trào, còn nhầm lẫn mô hình “Dân vận khéo” với mô hình kinh tế - xã hội đơn thuần. Sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện phong trào ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, đôi lúc còn chồng chéo. Một số cán bộ, người dân chưa xác định rõ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; vai trò, trách nhiệm của người hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy.
     Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để nhân dân nhận thức được chính người dân là chủ thể hưởng lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó phát huy tinh thần làm chủ, tính năng động, sáng tạo của quần chúng trong thực hiện phong trào. Quá trình vận động cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu những kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của nhân dân để có giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với từng cơ sở, địa bàn dân cư. Tăng cường phát huy và thực hiện tốt các hình thức dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; tổ chức để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, tham gia đóng góp sức người, sức của và giám sát chương trình, dự án ngay từ khi quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết. Mặt trận và các đoàn thể cần tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trên cơ sở quán triệt chủ trương của huyện, xã về xây dựng nông thôn mới, tùy theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình lực lượng của đoàn thể mình để lựa chọn, đảm nhận những phần việc cụ thể góp phần thiết thực vào việc phấn đấu đạt được các tiêu chí trong lộ trình đề ra. Cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân những việc làm cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức. Thậm chí, phải “cầm tay, chỉ việc”, lựa chọn những mô hình hiệu quả để nhân rộng.
     Xây dựng nông thôn mới là nội dung của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, mà trước hết là công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà, mọi người cùng chung tay gánh vác. Với việc phát huy quyền làm chủ của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tin rằng huyện Chư Sê sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
                      Thanh Lê

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang