CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > HUYỆN CHƯ SÊ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN THEO DI CH

HUYỆN CHƯ SÊ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN THEO DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

03/09/2019

     Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, Người đã nhắn nhủ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua huyện Chư Sê luôn chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân; đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo... Nhiều giải pháp có tính đột phá trong phát triển kinh tế với các hướng đi thích hợp trong chỉ đạo đã và đang giúp huyện Chư Sê ngày càng phát triển đi lên

         Thành lập và phát triển
          Ngày 17/8/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 34-QĐ/HĐBT về việc thành lập huyện Chư Sê trên cơ sở tách 05 xã của huyện Mang Yang và 07 xã của huyện Chư Prông. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện nhà.
          Khi mới chia tách, thành lập huyện, dân số của huyện có khoảng 54.412 người; mật độ bình quân dân số 44 người/km2. Vật tư, tiền vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật hầu như không có gì. Năng suất lao động thấp, tình trạng sản xuất còn tự sản, tự tiêu, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và thiên tai dẫn đến sản xuất lương thực chưa đủ ăn, phải xin cứu trợ của tỉnh. Ngành Giáo dục của huyện có 14 trường phổ thông cơ sở, 26 lớp mẫu giáo. Các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại phổ biến. Các chính sách xã hội tuy được quan tâm nhưng kinh phí thực hiện còn hạn hẹp.
          Ngay sau khi huyện Chư Sê được thành lập, dưới sự chỉ đạo Tỉnh ủy, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa; ổn định an ninh chính trị trên địa bàn huyện; phát huy quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt đoàn kết giữa đồng bào dân tộc ở các làng với đồng bào Kinh ở các điểm kinh tế mới, khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn huyện, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện định canh, định cư, cải tạo nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm. Đầu tư phát triển giao thông vận tải, mở rộng mạng lưới lưu thông phân phối. Đẩy mạnh sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực.
          Từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III và lần thứ IV (1989-1996), huyện Chư Sê đã bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, chuyển đổi kinh tế từ tự cung, tự cấp sang kinh tế sản xuất hàng hóa, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, kinh tế của huyện phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Kinh tế phát triển bền vững, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, việc áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm có chất lượng, giá trị xuất khẩu cao và có sức cạnh tranh trên thị trường. Các chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ vốn, giống, vật tư, chuyển giao khoa học - công nghệ ứng dụng vào sản xuất cho nông dân được chú trọng; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngoài thế mạnh cây công nghiệp, trong những năm qua, huyện đã chủ động phát triển ngành chăn nuôi cả về quy mô và chất lượng. Hoạt động dịch vụ phát triển khá mạnh từ huyện đến xã, đáp ứng được nhu cầu đời sống của nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải, điện, nước sinh hoạt… phát triển cả về quy mô, số lượng; các mặt hàng chính sách được cung cấp kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng; thông tin liên lạc, vận chuyển hàng hóa... đảm bảo thông suốt từ huyện đến các xã và đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu thụ hàng hóa và phát triển sản xuất của nhân dân.
          Từ sản xuất lương thực không đủ ăn đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện Chư Sê liên tục tăng qua các năm: năm 1981 là 909 ngàn đồng, năm 2010 đạt 16 triệu đồng, năm 2015 đạt 39,8 triệu đồng, năm 2018 đạt 48,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện 8,75%.  Hiện nay huyện có 09/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu xây dựng 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Chư Sê được xác định là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh Gia Lai.
          Cùng với đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Chư Sê cũng không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí và nhân lực cho huyện. Toàn huyện có 53 cơ sở giáo dục với 910 lớp, 28.272 học sinh; trong đó có 47 cơ sở giáo dục công lập với 826 lớp, 25.977 học sinh. Công tác Y tế - Dân số được quan tâm chỉ đạo thường xuyên: Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân triển khai đồng bộ hiệu quả, các hoạt động truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình được chú trọng, mở rộng đến thôn làng, hộ gia đình. Chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng lên. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Chư Sê luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai rộng khắp với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Tổ chức tôn tạo, tu bổ Nghĩa trang liệt sỹ, xây nhà tưởng niệm, đúc chuông tại khuôn viên nghĩa trang; huyện cũng đã xây dựng và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình chính sách, đặc biệt khó khăn...
          Những hướng đi mới, phát triển bền vững
           Chư Sê hôm nay không chỉ có các loại cây công nghiệp dài ngày. Việc chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác nhằm đem lại nguồn lợi cao nhất cho người nông dân đang được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh cây công nghiệp dài ngày, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như bơ các loại, sầu riêng, macca, sachi ... và các vùng cây dược liệu đang từng bước hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế.
          Huyện đã và đang phát huy tốt các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực du lịch - dịch vụ, tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng và chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tạo tăng trưởng cao và bền vững
          Sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chư Sê đã và đang được đền đáp bằng chính niềm tin của các nhà đầu tư và chính những thành tựu kinh tế xã hội mà địa phương đang gặt hái được hôm nay. Thành công này, đã minh chứng rằng: các chủ trương chính sách và giải pháp trong xây dựng và phát triển huyện Chư Sê đều vì mục tiêu đem lại ấm no hơn, hạnh phúc hơn cho người dân. Chính vì vậy, Chư Sê đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là nền tảng vững chắc đề Chư Sê phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. 
          50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn sáng mãi đối với Đảng bộ và Nhân dân Chư Sê, tư tưởng của Người về chăm lo đời sống cho Nhân dân chính là chỉ dẫn để thực hiện mục tiêu mà toàn Đảng ta đang hướng tới "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
                                                                   Mai Văn Thiên
                                                UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang