CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > Huyện Chư Sê: Những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về việc “Tăng cường sự lã

Huyện Chư Sê: Những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”

24/06/2020

     Thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện về công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là công tác quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
      Các Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chỉ thị 41-CT/TW về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các lễ hội; chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn cơ sở trong việc thực hiện quản lý, thống kê và tổ chức tốt các hoạt động lễ hội trên địa bàn theo đúng tinh thần Chỉ thị 41 và các quy định của Nhà nước tại địa phương.
     Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chỉ thị 41-CT/TW trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như: cổ động trực quan (băng rôn, xe loa tuyên truyền, pa nô…), hệ thống truyền thanh - truyền hình, các buổi sinh hoạt, hội họp tại khu dân cư, chương trình thông tin lưu động, lồng ghép tuyên truyền trong phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước,... Kết quả tuyên truyền trong 05 năm cụ thể: lồng ghép tổ chức hội thi cấp huyện 04 đợt; thông qua các buổi họp chi bộ, cơ quan, các ngành, đoàn thể thôn, làng, tổ dân phố (630 đợt tuyên truyền), treo 70 lượt khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức 75 buổi tuyên truyền lồng ghép trong chiếu phim, diễn văn nghệ của đội thông tin lưu động; 126/126 thôn, làng, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, sửa đổi, bổ sung nội dung công tác quản lý lễ hội vào hương ước. Nội dung tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, tiết kiệm, bảo đảm an toàn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; thông tin, tuyên truyền, phản ánh những nét đẹp truyền thống trong hoạt động lễ hội;...Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ngày càng được nâng cao; truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc trên địa bàn huyện đã được nhân dân tích cực bảo tồn, phát huy


Đoàn nghệ nhân huyện Chư Sê tham dự Festival văn hóa Cồng chiêng
tại thành phố Plei Ku năm 2018. ảnh: Đ.N
 
     Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê xác định việc thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng. Do đó, đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 41-CT/TW. Phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các địa phương, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội. Hàng năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính tri “về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân.
     Cấp ủy, chính quyền các cấp (nơi có tổ chức lễ hội) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho hoạt động lễ hội phát triển đúng hướng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Hầu hết các lễ hội trong huyện đều tuân thủ theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, nội dung lễ hội diễn ra tại địa phương phù hợp với truyền thống văn hóa. Phần lễ trong các lễ hội được tổ chức phong phú, hấp dẫn, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc địa phương theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; nhiều trò chơi, phong tục và văn hóa dân gian trong lễ hội được bảo tồn và phát huy. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, góp phần thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết trong cộng đồng.
     Kết quả thực hiện việc bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc trên địa bàn Chư Sê tiếp tục được duy trì, triển khai kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện. Công tác quản lý Nhà nước ở các cấp đối với lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mã, sinh hoạt không gian văn hóa Cồng chiêng,… có tiến bộ, giữ gìn phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy tác dụng tích cực của lễ hội, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống. Lễ hội đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của nhân dân trong tổ chức các nghi lễ và hưởng thụ các hoạt động hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, kỷ niệm các sự kiện chính trị đều được tổ chức trang trọng về lễ thức, tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong cộng đồng dân cư, được dông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng như: Lễ kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Gia Lai 17/3; Ngày thành lập huyện Chư Sê 17/8, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Lễ Quốc khánh 2/9,...Các lễ hội dân tộc, tôn giáo được tổ chức trong năm như Lễ hội đâm trâu, Mừng lúa mới, bỏ mã, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Phật đản, Giáng sinh, phục sinh,... đều chấp hành và thực hiện đúng các quy định của nhà nước. Bà con tín đồ các tôn giáo tham gia vào các lễ hội tôn giáo đều chấp hành tốt quy định của nhà nước và hướng dẫn của chính quyền địa phương, không nảy sinh và biến tướng các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức lễ hội. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân được Ban tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng quán dịch vụ được chú trọng. 05 năm qua, thực hiện tuyên truyền nội dung Chỉ thị 41-CT/TW, trên địa bàn huyện không để xảy ra tình trạng các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ đoàn kết trên địa bàn huyện ảnh hưởng đến hình thức sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng trong một số lễ hội.ghĩ
      Theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, trên địa bàn huyện Chư Sê có 02 loại hình lễ hội được tổ chức, cụ thể: loại hình lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa. Những năm qua, với những chính sách đúng đắn, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê được giữ gìn, phát huy, bảo tồn và được tổ chức phục dựng như lễ hội đâm trâu 05 năm tổ chức 01 lần (thông qua Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Chư Sê). Từ năm 2015 - 2020, huyện đã tổ chức 02 lần phục dựng lễ hội đâm trâu, thu hút 2.750 lượt người dân trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia thưởng thức. Hội thao Văn hóa các dân tộc thiểu số, định kỳ tổ chức 02 năm 01 lần, lần thứ III tổ chức Hội thao Văn hóa đã thu hút đông đảo các nghệ nhân người dân tộc thiểu số tham gia thể hiện điệu nghệ sinh hoạt không gian văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, dân vũ ... đã phản ánh sự thành công chủ trương bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của huyện Chư Sê. Việc tổ chức, phục dựng lễ hội được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm.Trong 05 năm qua, công tác đầu tư và xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm và thực hiện theo đúng các quy định; các lễ hội đã huy động được đông đảo người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tham gia tổ chức và cổ vũ vai trò chủ thể của lễ hội.
      Công tác quy hoạch lễ hội trên địa bàn huyện Chư Sê được quan tâm chỉ đạo lồng ghép đưa vào các hoạt động nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội huyện, cụ thể: huyện Chư Sê đã ban hành quyết định số 762/QĐ-UBND, ngày 11/10/2017 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành văn hóa huyện Chư Sê đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nội dung triển khai thực hiện sưu tầm, phục dựng một số lễ hội tiêu biểu tại địa phương, phát huy giá trị loại hình di sản không gian văn hóa cồng chiêng,...
      Xác định phát triển du lịch đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, trong đó có lễ hội. Đồng thời, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. Huyện Chư Sê đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 21/7/2017 về phát triển du lịch huyện Chư Sê đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Chương trình số 01/CTrPH-UBND ngày 01/11/2019 về việc phối hợp phát triển du lịch giữa huyện Chư Sê và huyện Phú Thiện giai đoạn 2019 - 2025. Tập trung sưu tầm, khôi phục các lễ hội đặc sắc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể,... nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hóa tâm linh, thưởng thức giá trị tinh thần cho du khách,...
     Bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện còn một số hạn chế: sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về nhiệm vụ phát triển văn hóa đi đôi với quản lý lễ hội chưa thực sự thường xuyên và đúng mức. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu và rộng khắp. Một số lễ hội tổ chức còn nhỏ lẻ, nội dung phần hội chưa phong phú, nên chưa thu hút được đông đảo nhân dân trên địa bàn tham gia. Công tác tuyên truyền về nếp sống văn hóa chưa thường xuyên, chưa sâu rộng nên chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong lễ hội dân gian, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Một số giá trị văn hóa, nghề truyền thống đang có nguy cơ dần mai một.
     Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 41-CT/TW về công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:                                                                                                
     Một là, đẩy mạnh tuyên truyền và vận động quần chúng, làm cho mọi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư và cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hiểu rõ về ý nghĩa, nội dung của công tác quản lý nhà nước về lễ hội, từ đó tự nguyện thực hiện.
     Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn huyện.
     Ba là, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng và hoàn thiện hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố. Thực hiện nghiêm các quy định trong hương ước, quy ước.
     Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thực hiện nếp sống văn hóa. Phê phán các hành vi lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan, kinh doanh trục lợi. Xử lý nghiêm các hành vi truyền bá, phát tán tài liệu, băng đĩa không được lưu hành, những cá nhân lợi dụng tâm linh, ngoại cảm để lừa bịp, xuyên tạc, vu khống cá nhân, tập thể, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
     Năm là, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch bằng nhiều hình thức, tăng cường kết hợp quảng bá du lịch với các sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương.
Phương Lê
                                                                  

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang