CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > Những kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư “về đẩy mạnh phát triển và ứng dụ

Những kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư “về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn huyện Chư Sê.

05/05/2020

     Thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của Cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng Chương trình thực hiện phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện. Giao Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, nội dung theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn được giao, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
     Xuất phát từ tình hình thực tế tại huyện Chư Sê, tỷ trọng của ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế, vì vậy công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của huyện. Công nghệ sinh học là một yếu tố quan trọng góp phần chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Huyện luôn quan tâm đầu tư việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã trở nên phổ biến, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
15 năm qua, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền Chỉ thị 50-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân: Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện, Bản tin nội bộ huyện, trang Điện tử của Uỷ ban nhân dân huyện thường xuyên đăng tải các kết quả ứng dụng và triển khai công nghệ sinh học trên địa bàn huyện, xây dựng các chuyên mục, phóng sự về: ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất cây dược liệu, sản xuất rau, củ, quả an toàn, sản xuất tiêu sạch, cà phê sạch, trồng dâu nuôi tằm... người dân đã mạnh dạn ứng dụng các sản phẩm của công nghệ sinh học vào đời sống, nhất là các giống cây, giống con và các chế phẩm sinh học.
     Công tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp quan tâm hơn. Sự phối hợp hoạt động của các ngành, đặc biệt giữa các cơ quan: Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Y tế, Hội Nông dân huyện... với các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng hiệu quả hơn.
Huyện đã chú trọng phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng, sản phẩm tốt, thích nghi với điều kiện canh tác của địa phương, đồng thời áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đời sống được các cấp các ngành chú trọng triển khai, thông qua việc thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn như: Mô hình chăn nuôi heo thịt sử dụng thức ăn ủ men vi sinh và đệm lót sinh học thực hiện trên địa bàn huyện với 08 hộ tham gia; Mô hình nhân rộng trồng cây Bơ Booth (Bơ trái vụ) cải tạo vườn tạp thực hiện tại các xã Kông Htok, Dun, Ia Tiêm, Chư Pơng với 20 hộ tham gia; mô hình xây dựng cánh đồng lúa liên kết tại xã Ia Hlốp quy mô 16 ha với 74 hộ tham; mô hình trồng ớt xuất khẩu tại xã Ia Hlốp quy mô 0,8 ha với 01 hộ tham gia.
     Bên cạnh đó huyện cũng đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang canh tác các loại giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao như: Giống lúa nước HT1, TH85, ML48, RVT, Kim cương 111, VNR 20 và một số giống chất lượng cao như: Thiên Ưu 8, Đài thơm 8; Giống ngô lai: CP888, LVN10, Beoseed 9698, giống mì cao sản KM94, giống lạc cao sản L14, L16, DHT1... giống cà phê mới như: TRS1, TRS4 và nhiều loại giống cây khác được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt kết quả cao. Hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng phát triển thành công đàn gia súc có giá trị kinh tế như: Heo lai, bò lai, dê bách thảo. Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp cho hiệu quả thiết thực. Đến nay, huyện Chư Sê đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa tại 03 xã, với 85 ha; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng cà phê, hồ tiêu tại xã Ia Tiêm, Bar Maih, Ia Hlốp, Ia Glai với diện tích 165 ha; có 127 mô hình sản xuất có hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất.
     Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để người dân áp dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng vật nuôi và bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn huyện có 54 trang trại chăn nuôi xây dựng hầm bioga và 08 mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học. Đồng thời, đã chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều giống gia cầm có năng suất chất lượng tốt vào thực tiễn sản xuất như gà siêu trứng; vịt siêu trứng siêu thịt...Bảo tồn và phát triển một số giống gia cầm, gia súc địa phương có hiệu quả như giống heo của người Jrai...Việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, phòng chống sâu bệnh hại đối với cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy hải sản... đã nâng cao chất lượng sản phẩm.
     Ngày 18/4/2019 Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện Chư Sê”, mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn huyện sẽ lựa chọn được một số giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có tiềm năng, có cơ sở để phát triển ứng dụng công nghệ cao, đã có mối liên kết để đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao theo hướng xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, có sự hỗ trợ của nhà nước. Đẩy mạnh, đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. UBND huyện đã xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở triển khai thực hiện. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của huyện đến năm 2025 (sản xuất cây dược liệu 250-500 ha, sản xuất rau, củ, quả an toàn 10-50 ha, sản xuất tiêu sạch 50 ha, sản xuất cà phê sạch 300 ha, trồng dâu nuôi tằm 300-500 ha, sản xuất nấm ăn 01 ha, các mô hình chăn nuôi heo gà,…). Người sản xuất được tham gia liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vốn, cơ sở vật chất hạ tầng, ngân sách huyện hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất; doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Tổng kinh phí dự kiến để triển khai thực hiện là 242,2 tỷ đồng trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 50 tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng), vốn của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là 192,2 tỷ đồng.


Mô hình dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: H.H
     Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nên cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn với nhu cầu thị trường; sản xuất nông nghiệp đi vào thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tỷ lệ cơ giới hoá ngày càng cao trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
      Cùng với sự khởi sắc về kinh tế - xã hội của huyện, đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện, hoạt động khoa học và công nghệ sinh học được chú trọng và toàn diện về mọi mặt. Trong đó tiềm lực khoa học và công nghệ cho công nghệ sinh học luôn được các cấp ủy và chính quyền chú trọng quan tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện được chú trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khoa học được quan tâm, tăng về số lượng, chất lượng và ngày một hoàn thiện. Kinh phí chi hoạt động khoa học và công nghệ được đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật của huyện có bước phát triển về số lượng, nâng lên về chất lượng, phát triển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo cơ sở đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
     Bên cạnh những kết quả đạt được công nghệ sinh học trên địa bàn huyện còn một số hạn chế: Công nghệ sinh  học là một lĩnh vực công nghệ cao nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ còn thiếu; những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống ở các ngành thời gian vừa qua hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như việc bố trí kinh phí nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học còn hạn chế. Ngoài ra, đời sống của một bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn nên việc đầu tư áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án ngân sách nhà nước.
     Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư “về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
     Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các thôn, làng, tổ dân phố trong công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa huyện ngày càng phát triển.
     Hai là, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, trên cơ sở phát huy những sản phẩm có lợi thế như cà phê, hồ tiêu, cao su, chuối tiêu hồng, cây dược liệu…; tiếp tục quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê trên thị trường thế giới.
     Ba là, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; tập trung vào việc phát triển giống cây, giống vật nuôi. Xây dựng các đề án phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ và phát triển rừng; khai thác tối đa lợi thế của từng vùng sinh thái, từng loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đáp ứng được các yêu cầu; tiêu chuẩn của nông sản hàng hóa trong nước và thế giới để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền nông nghiệp năng suất cao, chất lượng, sản xuất tập trung, phát triển bền vững./.
                                                                                                               Phương Lê
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang