CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > Những kết quả đạt được của công tác phổ cập giáo dục huyện Chư Sê giai đoạn 2011-2015 và một số nhi

Những kết quả đạt được của công tác phổ cập giáo dục huyện Chư Sê giai đoạn 2011-2015 và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

02/12/2016

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”, sau 05 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo dục của nhà nước đã được triển khai, góp phần nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.Trong đó, phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2020.

Kết quả cụ thể: Về giáo dục mầm non: có 15/15 xã huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt tỉ lệ hơn 95%; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ 50%; riêng trẻ 5 tuổi đến trường là hơn 95%, trong đó 80% được học chương trình mầm non.Về công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi: có 15/15 xã, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 với trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90% trở lên; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học đạt 99,6%. Về công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở: có 15/15 xã, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở với tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 96,8%; số học sinh từ 15 đến 18 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 84,2%; riêng tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đúng độ tuổi là 90,7%. Về công tác xóa mù chữ cho người lớn: toàn huyện có 15/15 xã, thị trấn tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ chống mù chữ cho người lớn với tỷ lệ người biết chữ là 91,08%; riêng đối tượng từ 15- 35 tuổi biết chữ là 95,56% và đối tượng từ 15-25 tuổi biết chữ là 97,48%.
Trong 5 năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ lý luận, chuyên môn đáp ứng sự đổi mới trong công tác giáo dục. Năm 2011, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn huyện là 1.154 người đến năm 2015 tăng lên 1.285 người. Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục huyện tương đối đảm bảo, các phòng học đáp ứng đủ cho công tác dạy và học cũng như công tác nuôi dạy học sinh bán trú. Các trường làm tốt công tác tham mưu các cấp quản lý đầu tư về cơ sở vật chất nhằm xây dựng cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp.  Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục của huyện được đặc biệt quan tâm, có  sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, giữa nhà trường với Hội Khuyến học, hội Cha mẹ học sinh, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân…. Trong 5 năm, có 11 hộ hiến 8.860m2 đất để xây trường mẫu giáo ở xã Ia Tiêm và xã Chư Pơng. Các trường học trên địa bàn huyện vận động đóng góp được  hơn 9,5 tỷ đồng.
 Ngoài công tác phổ cập giáo dục, công tác hướng nghiệp cũng được các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở quan tâm, chú trọng. Từ 2011- 2015, các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã hướng nghiệp cho toàn bộ học sinh khối lớp 9 với 7.939 học sinh theo đúng chương trình, nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đối với các trường Trung học phổ thông, ngoài việc chú trọng đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh theo quy định, nhà trường còn tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện còn một số hạn chế, tồn tại như: Nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh còn hạn chế, ít quan tâm và chưa tạo điều kiện thuận lợi để các con em được học tập tốt hơn. Hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về kinh tế; phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số…nên một số em phải bỏ học. Nhận thức của người dân và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với lập thân, lập nghiệp của người lao động chưa đúng, chưa đầy đủ; công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa hiệu quả. Công tác tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông thực hiện chưa thường xuyên, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, một số trường chưa có phòng hiệu bộ, phòng học bộ môn để đáp ứng cho công tác dạy và học. Đội ngũ giáo viên chưa đủ theo quy định.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị trong thời gian tới Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, củng cố Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện và các xã, thị trấn. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện và các xã, thị trấn phải được củng cố, kiện toàn và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc để có biện pháp điều chỉnh kịp thời những vấn đề liên quan đến hoạt động phổ cập giáo dục. Đối với Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các xã, thị trấn, Hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông phải là nòng cốt đồng thời phát huy vai trò của các ban ngành đoàn thể, các thôn, làng, tổ dân phố để giúp Ban chỉ đạo phổ cập quản lý các đối tượng phổ cập trên địa bàn, đảm bảo sự chặt chẽ và chính xác.
Thứ hai, lập kế hoạch thực hiện và theo dõi chống mù chữ và phổ cập giáo dục các bậc học. Hàng năm, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo chống mù chữ và phổ cập giáo dục các bậc học. Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn chịu trách nhiệm chính đồng thời cần có sự tham gia phối hợp của các thành viên Ban chỉ đạo phổ cập để bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Thứ ba, tiếp tục mở rộng quy mô, linh hoạt các loại hình học tập, tăng cường về điều kiện dạy - học và nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học một cách hợp lý, đảm bảo đủ nhu cầu học tập của học sinh. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học theo hướng kiên cố, hiện đại phù hợp với sự phát triển  giáo dục của địa phương, đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia các bậc học từ mầm non đến trung học. Tập trung xây dựng đủ phòng học cho các cấp học, đảm bảo tỉ lệ 1 phòng/1 lớp; thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng các phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên và công trình phụ khác. Dành kinh phí nâng cấp các cơ sở dạy nghề, hỗ trợ người học, có chính sách sử dụng lao động qua đào tạo. Ưu tiên kinh phí đầu tư cho giáo dục ở những xã đặc biệt khó khăn; có chế độ ưu đãi đối với giáo viên công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên được tăng cường cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng việc giúp đỡ học sinh  học lực yếu kém và khắc phục tình trạng lưu ban, chống bệnh thành tích trong các trường học; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được, nâng dần các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục.
Thứ tư, tăng cường công tác huy động học sinh ra lớp, chống học sinh bỏ học và hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xã, thị trấn có biện pháp huy động  tối đa các đối tượng trong độ tuổi ra lớp từ mầm non (đặc biệt là trẻ 5 tuổi học mầm non), tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học nghề, trung học chuyên nghiệp. Các đơn vị trường học cần phối hợp tốt với Ban đại diện cha mẹ học sinh và các đoàn thể để duy trì tốt sĩ số học sinh, hạn chế tối đa học sinh bỏ học. Tích cực vận động học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học sinh bậc trung học phổ thông bỏ học từ các năm học trước ra học các lớp bổ túc trung học phổ thông hoặc các lớp trung học nghề, trung học chuyên nghiệp.
Thứ năm, tăng cường trách nhiệm và tích cực phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Trong đó, Phòng Giáo dục & Đào tạo - Thường trực Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện có trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục các bậc học; đồng thời chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở huyện chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục ở các địa phương.
                                       Phương Lê
                                    Chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy
                   

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang