CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Bác Nguyễn Xuân Thủy - người làm việc thầm lặng vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê

Bác Nguyễn Xuân Thủy - người làm việc thầm lặng vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê

04/09/2020

     Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trẻ xông pha, già mẫu mực”, ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê luôn giữ tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, tiên phong gương mẫu. ông luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, quan tâm, vận động hội viên vượt lên hoàn cảnh, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương.
    Dù đã gần 70 tuổi nhưng bác Thủy luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện. Vừa giơ bàn tay sần sùi, gân guốc tỉ mẩn từng nét chữ, ông vừa kể về cuộc đời mình: Tôi nhập ngũ năm 1972 và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường tôi bị thương, tỷ lệ mất sức lao động 61%, nhiễm chất độc da cam/dioxin. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Việt Nam - Campuchia, tôi đảm nhiệm các chức vụ Chỉ huy cơ quan quân sự huyện, trong đó có 14 năm là chỉ huy trưởng cơ quan quân sự huyện và 4 nhiệm kỳ là Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê. Năm 2002 tôi nghỉ hưu và được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện. Từ năm 2006 đến nay tôi là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê.
     Huyện Chư Sê hiện có khoảng 1.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Gần 600 người là nạn nhân, 65 gia đình có từ 2 đến 4 nạn nhân. Nạn nhân là người hoạt động kháng chiến có 318 người. Nạn nhân là con đẻ, cháu nội, cháu nội, ngoại của người hoạt động kháng có 192 cháu. Đa số các nạn nhân bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, các bệnh mãn tính; hàng trăm cháu bị tật nguyền. Nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, rất cần được giúp đỡ. Trước tình hình đó, ông Thủy là người đầu tiên vận động thành lập Hội. Chính vì vậy, 5/2006 Hội      Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê được thành lập, là tổ chức Hội cấp huyện được thành lập đầu tiên ở tỉnh Gia Lai. Những năm đầu, Hội không có cán bộ chuyên trách, Thường trực Hội đều kiêm nhiệm, không có kinh phí hoạt động, tình hình an ninh chính trị hết sức phức tạp, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nhưng với kinh nghiệm công tác tổ chức, vận động nhân dân trong công tác quân sự - quốc phòng và công tác Cựu chiến binh, ông Thủy đã cùng Thường trực huyện Hội đã tập trung triển khai xây dựng tổ chức hội, chú trọng công tác tuyên truyền và vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.


Ông Nguyễn Xuân Thủy trao quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện
     Ông Thủy luôn tâm niệm rằng muốn làm tốt công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam thì phải chăm lo xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh, rộng khắp, khi đó công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ chăm sóc nạn nhân càng đạt mục tiêu xã hội hóa cao và thiết thực hơn. Hiện nay, toàn huyện có 90 tổ chức Hội và 1.248 Hội viên đang tham gia hoạt động tại15/15 xã, thị trấn; thu hút nhiều nạn nhân chất độc da cam và đại diện gia đình nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3 đăng ký tham gia Hội. Từ năm 2006 đến nay, ông Thủy cùng Thường trực huyện hội vận động được gần 5 tỷ đồng, riêng năm 2019 vận động được gần 01 tỷ đồng. 100% hội cấp xã, thị trấn đều có Qũy chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
     Ông Thủy cho biết thêm: trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông dành nhiều tâm huyết nhất cho Chương trình: Hỗ trợ sản xuất chăn nuôi để giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam tại gia đình và cộng đồng. Sau 05 năm triển khai nhiều mô hình như: chăn nuôi nhím, thỏ Niu Di-lân sinh sản, chăn nuôi heo rừng, bò sinh sản…với phương thức hỗ trợ vay vốn, phối hợp với Trạm khuyến nông, thú y của huyện hướng dẫn kỹ thật chăm sóc, Hội cơ sở hỗ trợ gia đình chuẩn bị chuồng trại, đất trồng cỏ và công chăm sóc…Qua triển khai đã khẳng định được hiệu quả thiết thực của các chương trình. Gần 200 gia đình nạn nhân được hỗ trợ gần 02 tỷ đồng từ nguồn vận động của Hội và vốn sự nghiệp khuyến nông huyện đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ vốn có thêm việc làm. Một số hộ bước đầu thoát nghèo, nhà ở được sửa sang, nâng cấp; việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam chuyển biến tốt hơn. Tiêu biểu như gia đình anh Lê Văn Kỳ, xã HBông có 2 con là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, từ một hộ nghèo, năm 2012 được hỗ trợ vay vốn mua 01 con bò, đến năm 2015 đàn bò nhà anh đã có 5 con, anh bán 2 con để sửa chữa nhà ở, hiện đàn bò còn 4 con, kể cả bò con mới sinh… Thông qua các chương trình hỗ trợ, dù cuộc sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các nạn nhân và gia đình có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tâm huyết của ông Thủy đã được ghi nhận.
     Từ hoàn cảnh của bản thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, lại có hai người con bị di chứng bẩm sinh, trực tiếp đối diện với những đau đớn, thiệt thòi của nhiều nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3, bị di chứng bẩm sinh với hàng trăm mảnh đời éo le, đã thôi thúc bác Thủy làm việc, chấp nhận hi sinh, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, với tâm nguyện góp phần làm vơi đi nỗi đau da cam trên mảnh đất Chư Sê mà ông gần như trọn đời gắn bó. Ông thường xuyên đến các gia đình hội viên thăm hỏi, vận động hội viên tích cực phát triển kinh tế gia đình, xoa dịu nỗi đau, động viên hội viên vượt qua mặc cảm. Ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm nạn nhân chất độc da cam 10-8 hằng năm, ông đều cùng Ban Chấp hành huyện hội kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ để thăm hỏi, tặng quà hội viên.
 
   
     Với những nỗ lực, cố gắng không mỏi mệt vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện Chư Sê, ông Nguyễn Xuân Thủy đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh và bằng khen của Trung ương Hội …Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với ông Thủy là được các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện coi như người nhà mỗi khi ông đến thăm họ. Ông cảm nhận rõ sau những ánh mắt, nụ cười mếu máo, vệu vạo là tình cảm tốt đẹp, chân thành mà các nạn nhân và gia đình họ dành cho ông. Đó là niềm vui, động viên ông tiếp tục vận động ủng hộ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện Chư Sê. Thấm thoát đã mấy chục năm trôi qua, nay tóc đã bạc, mắt mờ, chân chậm nhưng ông vẫn luôn nhiệt huyết với công tác Hội.
    Nhận xét về ông Nguyễn Xuân Thủy, bà Phan Thị Thung - Phó Chủ tịch Hội  Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê chia sẻ: “ông Nguyễn Xuân Thủy là người hết lòng vì công việc, không quản vất vả, quên đi nỗi đau của bản thân mình để vận động ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
 
                                                                                                          Phương Lê

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang