CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống – Nhìn từ một hội thi

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống – Nhìn từ một hội thi

22/04/2019

Nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc huyện Chư Sê nói riêng. Thời gian qua, huyện Chư Sê đã tích cực chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện khôi phục các lễ hội, các loại hình văn hoá thể thao dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Jrai, BaNa… bằng các hình thức như tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hoá, văn nghệ từ xã đến huyện. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê văn hoá truyền thống cho các dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn huyện.

Khai mạc hội thi VH-TT các dân tộc huyện Chư Sê, lần thứ III/2019
Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Chư Sê lần thứ III vừa được tổ chức có 15 đoàn với hơn 500 vận động viên, nghệ nhân đến từ 15 xã, thị trấn tham gia tranh tài ở 8 nội dung, gồm 4 nội dung thể thao là bắn nỏ, đẩy gậy, việt dă, kéo co và 4 nội dung văn hóa là cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, dân vũ.
 
Các đồng chí lãnh đạo huyện tặng cờ lưu niệm cho các đoàn về tham dự. Ảnh: HV
Hội thi lần này đã thu hút đông đảo các vận động viên, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tham gia đã phản ánh sự thành công của chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số của huyện Chư Sê. Tại lễ khai mạc, đồng chí Kpui H’BLê – Phó chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: “Đây là hội thi mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Hội thi lần này là dịp để nghệ nhân, vận động viên các xã, thị trấn gặp gỡ, giao lưu và chứng tỏ thực lực từng địa phương, từ đó xây dựng phong trào của huyện ngày một phát triển”
 
 
 
 
Một số hình ảnh biểu diễn các tiết mục thi cồng chiêng hát dân ca, dân vũ tại hội thi. Ảnh:HV
Ngay sau lễ khai mạc trang trọng và nghiêm túc với khí thế sôi nổi của hội thi, các đoàn vận động viên, nghệ nhân đã bước vào tranh tài ở các nội dung văn hoá, thể thao. Mở màn cho hội thi là tiết mục biểu diễn cồng chiêng “Mừng Tây Nguyên thắng trận” của đoàn nghệ nhân xã Ia Blang với âm thanh trầm hùng vang xa báo tin mừng chiến thắng; như lời tự tình, ngân nga, lắng đọng trong vòng xoang “lễ bỏ mả” của các nghệ nhân thị trấn Chư Sê; hay thông điệp mạnh mẽ, khát khao của các chàng trai cô gái Jrai, Ba Na trong lễ hội “Mừng lúa mới” của các nghệ nhân xã Ia H’Lốp …tất cả đều ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu từ cuộc sống ngàn xưa vọng về của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ làm cho con người nơi đây càng thêm yêu cuộc sống yêu nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Ông Siu Huê - Đội công chiêng xã Ia H’Lốp chia sẻ: “Xã Ia H’Lốp chúng tôi thi cồng chiêng lễ hội “ Lúa Mùa Mới”, mang đến hội văn hoá thể thao các dân tộc thiểu số huyện Chư Sê, đội chúng tôi cố gắng thi đua với nhau và các xã khác”.   
Trong kho tàng văn hoá Tây Nguyên không chỉ có cồng chiêng mà còn rất nhiều loại nhạc cụ và những bài hát dân ca của các dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tại hội thi lần này, các đoàn nghệ nhân đã mang đến nhiều bài hát dân ca ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nam nữ như: A Dơi, A Mưng Sang, Mừng Đại hội Đảng; Mừng lúa mới.. và những lời hát ru con ngọt ngào của dân tộc Jrai; hát về mùa nước lũ của dân tộc Ba Na và các bản nhạc được thể hiện qua các tiết tấu âm vang của các nhạc cụ như đàn T’ rưng, đàn goong, đàn Klông Put… tạo cho người nghe cảm thấy yêu thích nhạc cụ dân tộc hơn. Ông Rơ Mah Ka – nghệ nhân xã H’ Bông cho biết:“Huyện tổ chức thi văn hoá thể thao các dân tộc hôm nay, nhằm bảo tồn và phát triển văn hoá của dân tộc chúng tôi, chúng tôi rất tự hào. Tôi thích nhất là hát dân ca, mai mốt truyền lại cho con cháu biết”.
Những tiết mục cồng chiêng, nhạc cụ, dân ca, dân vũ được các nghệ nhân thể hiện tại hội thi thật sự đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức biểu diễn, được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Nhận xét về hội thi văn hoá thể thao các DTTS huyện Chư Sê lần thứ III, năm 2019, ông Lê Xuân Hoan - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, Trưởng ban giám khảo hội thi cho biết:  “Phải nói hội thi năm nay là thành công nhất so với những năm trước cả về 3 phương diện: về nội dung, chất lượng tiết mục, số lượng tham dự và đặc biệt là ý thức tinh thân, trách nhiệm của anh em nghệ nhân đối với sự kiện này. Đặc biệt, trong những năm trước chúng ta nghe cồng chiêng còn pha trộn, một số hình thức về  trang phục không nghiêm túc, thì đợt này hầu hết đội công chiêng đã chuẩn bị rất chu đáo, thể hiện bài chiêng truyền thống rất hay. Đây là một hoạt động văn hoá phù hợp nhất cho xu thế phát triển, bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc. Trong 13 đội, nổi trội nhất có thể nói là đội xã Ia Glai và Ia H lốp về cồng chiêng, hát dân ca và múa. Bên cạnh tiết mục cồng chiêng, kỳ này xuất hiện nhiều tiết mục đàn Goong, đàn T’rưng, sâu chuỗi trong tất cả các chương trình đều có tiết mục T’rưng”.
 Để bảo tồn và phát triển nhân rộng loại hình văn hoá truyền thống trong đồng bào các DTTS của huyện Chư Sê trong thời gian tới, ông Lê Xuân Hoan cho biết thêm: “Chư Sê là huyện chứa đầy những giá trị văn hoá văn nghệ của các dân tộc. Ngoài các hoạt động tổ chức các hội thi làm trung tâm, thì ở các địa phương các xã cần tăng cường khơi dây các tiềm năng sáng tạo đó, phát huy kho tàng văn hoá dân gian bằng cách tổ chức các lễ hội và duy trì các lễ hội truyền thống là cách tốt nhất để bảo tồn văn hoá dân tộc”
Cùng với sự thành công của hội thi văn hoá thể thao DTTS lần này là cả một quá trình quan tâm, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn trong khâu tuyển chọn, tập luyện các tiết mục cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ…  được bắt đầu ngay từ khi hội thi lần thứ II kết thúc. Ông Trương Văn An - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Chư Sê cho biết:  “Sau thời gian từ đầu năm đến hôm nay, chúng tôi đã tích cực tham mưu cho BTV huyện uỷ, UBND huyện để tổ chức hội thi văn hoá thể thao này, nhằm mục đích để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong hội thi này chúng tôi tổ chức 8 môn. Trong đó có 4 môn của văn hoá, 4 môn thể thao; chúng tôi tập trung vào những môn văn hoá truyền thông như Cồng chiêng, dân vũ, hát dân ca, nhạc cụ… về tham dự hội thi hôm nay có 15 đoàn của 15 xã, thị trấn, với lực lượng hơn 500 vận động viên, nghệ nhân. Để tạo điều kiện cho các đoàn, các nghệ nhân, các vận động viên giao lưu, học hỏi; nhăm bảo tồn văn hoá truyền thống ở các địa phương. Sau hội thi này, chúng tôi sẽ tổ chức trưng tập một đoàn để tham gia hội thi văn hoá thể thao của tỉnh tổ chức”
 
Đ/c Kpui H’ BLê – Trưởng ban tổ chức trao giải cho các đơn vị đạt giải nhất, nhì, ba toàn đoàn. Ảnh: HV
 
Đồng chí Trương Văn An- Phó ban tổ chức trao giải cho các vận động viên đạt giải. Ảnh: HV
Hội thi văn hoá – thể thao các dân tộc huyện Chư Sê lần thứ ba đã khép lại với những thành công về mọi mặt. Ban tổ chức đã trao 52 giải nhất, nhì, ba cho các nội dung thi đấu thể thao: việt dã, bắn nỏ, keo ko, đẩy gậy và 34 giải cho các nội dung văn hoá. Trong đó giải nhất toàn đoàn được trao cho đoàn nghệ nhân xã Ia BLang, giải nhì đoàn xã Ia H Lốp, giải ba đoàn nghệ nhân xã Ia Glai, giải khuyến khích đoàn xã Dun./.     
                                                                             Hoàng Viên  
 
           
 
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang