CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > CẢNH BÁO BỆNH KHẢM LÁ VIRUS HẠI SẮN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

CẢNH BÁO BỆNH KHẢM LÁ VIRUS HẠI SẮN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

28/07/2020

     Hiện nay trên địa bàn huyện Chư Sê đã xuất hiện bệnh khảm lá do virus gây hại trên cây sắn tại xã H Bông với diện tích ước tính tại thời điểm hiện tại khoảng 03ha. Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Trong quá trình chích hút cây khoai mì, bọ phấn trắng sẽ hấp thu và truyền vi rút gây khảm lá từ cây bệnh sang cây khỏe.
     Đây là loài côn trùng đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng như: thuốc lá, cà chua, cà pháo, cà dĩa, cà nâu, bầu bí, khoai tây, ớt, chanh dây... Nông dân sử dụng lại hom giống đã bị nhiễm bệnh cũng là nguyên nhân quan trọng làm lây lan bệnh. Bệnh khảm lá sắn đang có chiều hướng lan rộng và khó kiểm soát. Bệnh lại chưa có thuốc trị, tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, gây hại nghiêm trọng trên các vùng trồng sắn. Với diện tích sản xuất sắn trong vụ mùa 2020 trên địa bàn huyện Chư Sê là 930ha, hiện nay đang trong  giai đoạn phát triển củ. Để ngăn chặn sự gây hại của bệnh khảm lá virus hại sắn  kịp thời hạn chế lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Nhằm hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng ảnh hưởng tới quá trình canh tác sản xuất, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cảnh báo bệnh khảm lá virus hại sắn và các biện pháp phòng trừ.


Vườn sắn bị khảm lá do virus tại xã H Bông
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh khảm lá virus hại sắn trên cây trồng:
– Bệnh phát sinh gây hại quanh năm, nặng trong mùa nắng nóng và nhẹ trong mùa mưa.
– Bệnh này được truyền từ cây bệnh sang cây khỏe bởi nhóm côn trùng chích hút. Điều kiện khô và nóng sẽ là môi trường thuận lợi cho nhóm côn trùng chích hút phát triển gây hại cho cây trồng.
– Bệnh lây lan qua côn trùng chích hút như bọ trĩ, rầy mềm, bọ phấn…; qua cơ giới như dụng cụ lao động, qua hạt giống.
– Mật độ côn trùng chích hút càng cao thì tỉ lệ cây bị bệnh xoăn lá càng nhiều.
– Bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái trở về sau.
Triệu chứng gây hại của bệnh khảm do virus trên cây trồng:
– Bệnh thường làm lá đọt non nhỏ, (xoăn) xoắn lại, lá bị mất màu, lốm đốm vàng không phát triển, lóng ngắn, cây trở nên giòn dễ gãy. Bệnh nặng cây còi cọc, đọt bị sượng, cây bị chùn lại, cây phát triển chậm, hoa bị vàng nhỏ và rụng, cây rất ít trái, trái nhỏ và vặn vẹo (dị dạng) và có vị đắng. Cuối cùng cây có thể bị chết (theo cục Bảo vệ thực vật năm 2019). 
 

Biểu hiện bệnh virus gây khảm trên lá sắn
          Các biện pháp phòng trừ
- Tăng cường công tác tuyên truyền cho người trồng sắn nhận thức được tác hại của bệnh khảm lá virus hại sắn và các giải pháp phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn.
- Đánh giá xác định mức độ gây hại của bệnh trên ruộng và giai đoạn sinh trưởng của cây sắn để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.
- Khoanh vùng ổ bệnh phun trừ môi giới truyền bệnh: Điều tra nếu có bọ phấn thì phải tiến hành phun thuốc để diệt trừ ngay, phun cả trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang và truyền bệnh; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau: Dinotefuran, Pymetrozine, Nitenpyram + Pytromezine; chú ý phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày để đảm bảo an toàn.
-  Tiến hành nhổ tiêu hủy diện tích sắn bị bệnh khảm virus để tránh lây lan nguồn bệnh:
+ Trường hợp cây sắn còn nhỏ có độ tuổi từ 3 tháng trở xuống:
Nếu ruộng sắn có từ 50 % số cây bị bệnh trở xuống thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ số cây bị bệnh (gồm thân, lá, củ đem đốt), tiếp tục chăm sóc số cây còn lại, thu hoạch sớm, sau khi thu hoạch xong, cần tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng (gồm thân, lá, gốc rễ đem đốt), đồng thời luân canh với các loại cây trồng khác ít nhất 01 năm để cắt nguồn bệnh.
Nếu ruộng sắn có trên 50 % số cây bị bệnh thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng (gom thân, lá, củ đem đốt), đồng thời áp dụng biện pháp luân canh như trên.
+ Trường hợp cây sắn có độ tuổi từ 5 tháng trở lên:
 Nếu ruộng sắn có từ 70 % số cây bị bệnh trở xuống thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ số cây bị bệnh (gom thân, lá, củ đem đốt), tiếp tục chăm sóc số cây còn lại, thu hoạch sớm, sau khi thu hoạch xong cần tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng (gồm thân, lá, gốc rễ đem đốt), đồng thời luân canh với các loại cây trồng khác ít nhất 01 năm để cắt nguồn bệnh.
 Nếu ruộng sắn có trên 70 % số cây bị bệnh thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn số cây trên đồng ruộng (gom thân, lá đem đốt), tận thu củ làm thức ăn cho gia súc, đồng thời áp dụng biện pháp luân canh như trên.
+ Trường hợp ruộng có khả năng cho thu hoạch thì tiến hành nhổ toàn bộ cây sắn trên đồng ruộng, tận thu củ, còn lại thân, lá, gốc rễ đem tiêu hủy (đốt).
- Những khu vực đã bị nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn sử dụng bẫy dính màu vàng xác định các đợt bọ phấn ra rộ; đặt 10-15 bẫy/ha, đặt bẫy cách mặt đất 1m, theo dõi nếu xuất hiện bọ phấn vào bẫy từ 1-2 con/bẫy chiếm 70% số bẫy đặt thì xử lý thuốc tránh để bọ phấn phát tán lây lan. Thực tế ở Tây Ninh nếu kiểm soát tốt bọ phấn trắng lây nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu của cây sắn (1- 5 tháng tuổi) thì năng suất và chất lượng củ giữa cây có bệnh và cây không nhiễm bệnh tương đương nhau.
- Bón phân đầy đủ, cân đối theo Quy trình kỹ thuật canh tác sắn áp dụng cho vùng Tây Nguyên tại Văn bản số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019 của Cục Trồng trọt giúp cây sắn hạn chế tác động của bệnh.
  Để chủ động phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn trong vụ mùa 2020 một cách có hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức phòng, chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành; thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền tác hại của các bệnh khảm lá virus hại sắn và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn biết để chủ động có giải pháp phòng trừ, đem lại hiệu quả cao. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh khảm lá virus hại sắn gây ra, quan trọng nhất là người nông dân phải làm tốt công tác kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để sớm phát hiện và khống chế kịp thời diện tích nhiễm./.
Hằng Ngô-TTDVNN

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang