CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Cần đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế đối với các trường hợp đã nhận nuôi trước 01/01/2011.

Cần đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế đối với các trường hợp đã nhận nuôi trước 01/01/2011.

11/11/2015

Theo quy định của Điều 50 Luật Nuôi con nuôi và Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01/01/2011 mà chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm, tính từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015. Như vậy, hết năm 2015 thì việc đăng ký nuôi con nuôi của người đã nhận nuôi con nuôi trước năm 2011 sẽ hết hiệu lực theo quy định.

Ảnh minh họa.
Hậu quả pháp lý trong trường hợp không đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế là nếu sau ngày 31/12/2015, người dân không tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế thì việc nuôi con nuôi đó sẽ không được công nhận, người nuôi không được coi là cha mẹ nuôi; người được nuôi không được coi là con; việc nuôi con nuôi sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa ngươi nuôi và người được nuôi; các tranh chấp phát sinh liên quan đến cha mẹ nuôi và con nuôi, giữa con nuôi với thành viên gia đình của cha mẹ nuôi (như nghĩa vụ cấp dưỡng, thừa kế…) sẽ không được pháp luật bảo hộ.
Điều kiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế là: Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi; đến thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi thì quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả cha mẹ nuôi và con nuôi vẫn còn sống; Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
Hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi thực tế là: Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (Mẫu mới số TP/CN-2014/CN.03 được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTP, truy cập vào website của Bộ Tư pháp: moj.gov.vn để lấy mẫu này); Bản sao Giấy Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của người nhận con nuôi; Bản sao Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Giấy Khai sinh của người được nhận làm con nuôi; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của người nhận con nuôi (nếu có).
Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thực tế là: Người nhận con nuôi nộp hồ sơ tại Ủy ban nhaanh xã, thị trấn nơi người đó thường trú; Trong thời hạn 15 ngày, kêt từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn của công chức tư pháp – hộ tịch phối hợp với Công an xã tiến hành xác minh và kiểm tra, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì đăng ký nuôi con nuôi thực tế.
Một số vướng mắc phát sinh thường gặp trong quá trình đăng ký nuôi con nuôi thực tế và hướng giải quyết là:
- Các bên chưa đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế nhưng Giấy khi sinh của con nuôi đã có tên cha mẹ nuôi và Sổ hộ khẩu đã có tên con nuôi thì Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế, không cần đăng ký khai sinh lại cho con nuôi, nhưng trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ lả “Cha mẹ nuôi”.
- Trường hợp một bên cha hoặc mẹ đã mất, bên còn lại có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi thực tế thì cơ quan có thẩm quyền  chỉ đăng ký việc nuôi con nuôi giữa người còn sống và con nuôi, trong Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi thì phần ghi về cha mẹ nuôi chỉ ghi thông tin của người còn sống.
- Cha mẹ nuôi có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi thực tế nhưng muốn giữ bí mật, không để con nuôi (trên 9 tuổi) ký vào Tờ khai đăng ký con nuôi thực tế thì Ủy ban nhân dân xã, thị trấn vẫn giải quyết mà không cần người được nhận làm con nuôi phải ký tên vào Tờ khai theo biều mẫu về Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTP./.
Tấn Quốc.

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang