CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Chàng trai Jrai với niềm đam mê chinh phục đàn Goong

Chàng trai Jrai với niềm đam mê chinh phục đàn Goong

26/05/2016

Không qua một lớp đào tạo nào về kỹ năng âm nhạc nhưng anh Siu Lết người dân tộc Jrai (làng Gran, xã Iah lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lại được cả dân làng biết đến là người sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như đàn tơ rưng, cồng chiêng…..và là một trong những nghệ nhân đánh đàn Goong hay nhất làng.

Anh Siu Lết say sưa đánh những bài hát truyền thống của dân tộc cùng cây đàn goong.
Được nhiều bà con trong làng Gran giới thiệu, tôi đã tìm đến nhà anh Siu Lết một trong những người chơi đàn Goong được bà con dân làng đánh giá chơi đàn hay nhất làng. Vừa nói chuyện anh Lết vừa đánh cho tôi nghe những làn điệu truyền thống của dân tộc mình thông qua những phím đàn Goong mà anh thể hiện với những bài hát như: anh chàng da đen, chiến thắng….cũng cho tôi thấy được trong anh mang một tâm hồn nghệ sĩ yêu đời biết chừng nào.
Cơ duyên để anh Siu Lết yêu thích và đam mê loại hình nhạc cụ truyền thống dân tộc xuất phát từ bố mẹ, từ nhỏ Siu Lết được bố truyền dạy lại những kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của ông cha để lại thông qua các kỹ thuật đánh cồng chiêng, đàn tơ rưng …. và loại hình nhạc cụ mà anh yêu thích nhất đó là đàn Goong một loại đàn có âm thanh đặc trưng làm say đắm lòng người.
Anh Siu Lết cho biết: “thấy bố hồi xưa hay làm đàn Goong và sử dụng thành thạo các loại hình nhạc cụ dân tộc như; cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn goong….., hồi xưa làm gì có thầy dạy đàn, mình thấy bố hay đánh đàn thì mình cũng bắt chước làm theo thôi, dần dần quen tay mình biết đánh và yêu thích, thường xuyên luyện tập".
Chỉ qua những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như cây tre, trái bầu… tưởng chừng chỉ là những vật dụng vô tri vô giác nhưng bằng sự khéo léo của đôi bàn tay những người con của rừng núi đại ngàn đã tìm tòi, chế tạo nên một cây đàn Goong mang trong mình một âm thanh thánh thót và nhất là đôi bàn tay uyển chuyển thông qua những động tác chuyển nhịp trên từng sợi dây đàn và tạo nên một bản hòa tấu vừa hay và vừa đậm chất tình ca Tây Nguyên.
 Đàn Goong- một loại nhạc cụ được rất nhiều đồng bào Jrai sử dụng để hòa tấu cùng cồng chiêng, đàn Tơ rưng….thông qua những bản nhạc truyền thống để tạo nên một không khí vui tươi, nhộn nhịp cùng với những điệu xoan làm nên một bức tranh đa sắc màu mỗi khi có lễ hội,  ăn mừng mùa mang bội thu, cưới hỏi trong làng…..
Đàn goong được cấu tạo rất đơn giản, gồm 1 thân cây tre già dài khoảng 70-80cm, 2 quả bầu khô đã ngâm nước nhiều năm, 12 sợi dây kẽm và kèm theo 12 thanh tre nhỏ để làm bộ phận chỉnh âm và chỉ cần tận dụng lại những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt xung quanh là có thể tạo ra một cây đàn theo ý muốn với những âm thanh trầm bổng khác nhau tùy theo vào cách cảm nhận của mỗi người khi đánh đàn và nghe đàn.
"Mình rất yêu thích đàn Goong bởi vì âm thanh nó phát ra vừa hay, vừa trong trẻo, khi nào có thời gian là mình lấy đàn Goong ra tập luyện, những bài mình hay đánh như: bài chiến thắng, anh chàng da đen, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... " anh Siu Lết cho biết thêm.
Theo một số người cao tuổi trong làng Gran cho biết để làm một cây đàn Goong không hề đơn giản chút nào, nhìn cây đàn cấu tạo thì rất đơn giản nhưng những công đoạn để tạo nên một cây đàn thì không hề dễ, muốn có một cây đàn hay thì đòi hỏi người nghệ nhân phải biết chọn vật liệu làm những bộ phận chính để tạo nên cây đàn, trong đó quan trọng nhất là việc chọn thân cây tre, quả bầu khô…. đây được xem là 2 bộ phận quan trọng góp phần tạo nên âm thanh cho cây đàn.
Khi hỏi về các kỹ thuật để đánh đàn Goong, anh Siu Lết chia sẻ: Để đánh đàn goong hay trước tiên phải biết chỉnh âm, bởi vì nếu chỉnh âm lệch hướng sẽ tạo nên cho bản nhạc khô khan, cũng theo anh Lết khi chơi đàn phần lớn người dùng tay phải đánh mới hay và chuẩn, còn tay trái đánh ít chuẩn hơn.
Hiện nay đàn Goong một loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai chủ yếu vẫn là người già yêu thích và sử dụng mỗi khi trong làng có lễ hội,  còn giới trẻ rất ít bạn đam mê. Các bạn trẻ chủ yếu chạy theo các dòng nhạc của thị trường thích năng động và dần quên đi những loại hình âm nhạc truyền thống của ông cha để lại. Phần lớn các cháu trẻ tuổi không sử dụng được đàn Goong và không có ai theo đuổi loại nhạc cụ này, nhiều nghệ nhân trong làng cũng đã nhiều lần truyền lại cho con cháu, nhưng các cháu vẫn không đánh được và không nắm được các âm điệu để đánh đàn, anh Lết nói.
Việc bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đòi hỏi sự vào cuộc các các nhà quản lý văn hóa, trong đó việc thành lập các câu lạc bộ để tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ trở nên yêu thích nhạc cụ dân tộc hơn sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất góp phần lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc, đồng thời làm phong phú thêm cho kho tàng loại hình nhạc cụ dân tộc trong đó có đàn Goong đang đứng trước nguy cơ dần mai một nếu không có các biện pháp kịp thời.
Bài, ảnh: HUY HOÀNG

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang