CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > HƯỚNG DẪN SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2020-2021

HƯỚNG DẪN SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2020-2021

08/12/2020

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã ban hành Văn bản số 3279/SNNPTNT-TTBVTV ngày 25/11/2020 về việc hướng dẫn sản xuất vụ Đông Xuân năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đối với lĩnh vực trồng trọt. Trên cơ sở đó, để vụ Đông xuân 2020-2021 gieo trồng đạt kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã ban hành Văn bản số 19/HD-NN ngày 03/12/2020, đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai hướng dẫn nhân dân trên địa bàn huyện sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 với các nội dung cụ thể như sau:
1. Đối với lúa nước: 
Lịch gieo trồng lúa nước cho từng khu vực cụ thể như sau:
Đối với chân ruộng chủ động nguồn nước: Bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 20/12/2020 đến ngày 10/01/2021. Khuyến cáo người dân không gieo sạ muộn hơn sau ngày 20/01/2021 để đảm bảo mùa vụ.
Đối với chân ruộng khôngchủ động nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ: Xuống giống sớm hơn lúa đại trà, chính vụ, kết thúc gieo xạ trước ngày 20/12/2020; đồng thời khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, chống chịu khô hạn.Đối với chân ruộng thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ, sau khi thu hoạch vụ mùa, cần cày đất, gieo xạ muộn hơn đại trà; gieo xạ tập trung từ ngày 10/01/2020 đến trước ngày 25/01/2021 nhằm hạn chế khả năng thiệt hại có thể xảy ra.


Gieo trồng lúa vụ Đông Xuân (Ảnh: nguồn Internet)
Về cơ cấu giống lúa nước:
- Đối với lúa nước thuần chủng: Sử dụng giống xác nhận ngắn hoặc trung ngàycó năng suất, chất lượng cao, chống chịu khô hạn tốt, kháng sâu bệnh. Vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ và vùng ngập úng đầu vụ: Sử dụng giống lúa nước có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn ngày từ 90 ngày trở lại. Vùng chủ động nước tưới: Sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày. Khuyến cáo sử dụng một số giống chủ lực như: HT1, VND95-20, ML48, OM 4900, OM6162, OM5451, IR64, Đài thơm 8, TH3-3; giống bổ sung RVT, ĐV108, OM3536, OM 6976, Hương Châu 6, ĐT100, HN6, LH12.
- Đối với lúa lai: Sử dụng giống lúa lai Nhị ưu 838.
Mật độ gieo trồng: đối với lúa nước thuần chủng: gieo sạ 80 - 100 kg/ha; Lúa lai: gieo sạ 40 - 50 kg/ha.
Về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật: 
Cần có kế hoạch khai thác hiệu quả nguồn nước ao, hồ, sông, suối để phục vụ tưới cho cây lúa. Đồng thời, chủ động chuyển đổi cây trồng các cánh đồng lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng các cây trồng khác sử dụng ít nước để sản xuất có hiệu quả, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra (hạn hán, thời tiết cực đoan gây ra); Tăng cường áp dụng kỹ thuật sản xuất IPM, ICM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”… ngay từ đầu vụ; Tăng cường bón lót phân hữu cơ; Bón phân vô cơ cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn của cây; Sử dụng phân có nguồn gốc rõ ràng, trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam (Đối với phân Urê, ưu tiên sử dụng các dạng phân Urê chậm tan để chống thất thoát đạm); tranh thủ nguồn nước tưới đủ cho 3 lần bón phân và tưới thời kỳ trỗ bông; Tưới phương pháp “Nông-Lộ-Phơi” và theo Sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng Cục Thủy lợi ban hành.
2. Đối với cây mía:
Thời vụ trồng mía từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021.
Khuyến cáo sử dụng các giống mía có thời gian chín trung bình và muộn như LK92-1, KK3, KK6, Suphanburi7, K94-32, K83-29. Giống mía sử dụng trong sản xuất phải là những giống nằm trong Danh mục được phép sản xuất kinh doanh trong nước, mía giống phải được lấy từ các ruộng giống đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm bệnh như bệnh than, thối đỏ; đặc biệt giống không có triệu chứng nhiễm bệnh khảm, bệnh trắng lá, bệnh chồi cỏ.
Mật độ trồng: Lượng hom giống trồng khoảng 30.000 - 40.000 hom/ha (tương đương 8-10 tấn/ha tùy theo giống). Tùy thuộc vào đặc điểm từng loại giống, điều kiên đất đai và canh tác mật độ trồng hom mía trên ruộng sẽ khác nhau.
Khuyến cáo người dân xuống giống vào thời điểm phù hợp nhất của địa phương để thời kỳ cây con, thời kỳ cây mía đẻ nhánh không bị gặp hạn. Chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai để thuận lợi cho việc trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch sau này. Vùng nguyên liệu mía tập trung phải có đường cho xe cơ giới ra vào vận chuyển vật tư, phân bón, mía giống và mía nguyên liệu.
Đối với diện tích mía có năng suất thấp dưới 60 tấn/ha, mía trồng trên chân đất kém phù hợp phải thực hiện chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn.
 Phòng trừ sâu bệnh: Kịp thời nắm bắt sự phát sinh của một số đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả như bệnh trắng lá mía, bọ hung, xén tóc, sâu đục thân hại mía. Triển khai các biện pháp phòng trừ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
3. Đối với cây ngô:
Thời vụ gieo trồng: Ngô Đông Xuân gieo trồng từ tháng tháng 11/2020 đến tháng 01/2021 hoặc gieo trồng từ tháng 4-5/2021 (Tùy từng vùng, điều kiện thời tiết khí hậu mà xác định thời điểm xuống giống thích hợp).
Cơ cấu giống ngô: Sử dụng các giống ngô biến đổi gen như Bt (NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT…), Bioseed 9698, CP 888, LVN10 và một số giống ngô nếp HN88…có khả năng kháng sâu keo mùa thu.
Mật độ gieo trồng: Mật độ trồng ngô phụ thuộc vào vùng sinh thái, mùa vụ, thời gian sinh trưởng của giống và điều kiện thâm canh. Nên áp dụng những công thức mật độ trồng ngô sau:
- Đối với giống dài ngày, trồng với khoảng cách 75 cm x 30 cm (tương ứng 12 kg/ha);
- Đối với giống ngắn ngày, trồng với khoảng cách 70 cm x 25 cm (13 kg/ha).
Đất trồng ngô phải cao ráo và thoát nước tốt trong mùa mưa, có khả năng tưới đủ ẩm trong mùa khô.
Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là sâu keo mùa thu (phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn).
4. Đối với rau, đậu đỗ và khoai lang:
- Tập trung gieo trồng ngay sau khi thu hoạch xong vụ mùa để tranh thủ độ ẩm đất, giúp cây sinh trưởng phát triển nhanh, mạnh ngay từ đầu. Tăng cường biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới tiêu nội đồng hợp lý không để úng cục bộ; tùy theo từng giống cây trồng, thành phần cơ giới đất và độ màu mỡ của đất để bón cân đối NPK, không để thừa đạm gây nguy cơ gia tăng sâu bệnh và năng suất thấp.
- Về cơ cấu giống các loại: Trên cơ sở điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng sản xuất lựa chọn, bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp, đa dạng như:
+ Giống rau như: Rau chân vịt Anna Taki, đậu tương rau Kaohsiung 9, ngô ngọt, các loại rau: Ăn lá, ăn củ, ăn quả có chất lượng cao để đáp ứng thị hiếu của người tiên dung và xuất khẩu.
+ Giống khoai lang: Giống khoai lang Nhật, giống khoai lang Lệ Cần.
+ Giống Đậu xanh: ĐXBĐ.07, ĐXBĐ.09.
+ Giống đậu lạc  HL25, L14, L25.
- Lựa chọn hạt giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giống đã được xác nhận; giống nằm trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Hạt giống được cung cấp bởi các nhãn hiệu uy tín trên thị trường như Hai mũi tên đỏ, Chánh nông, Trang nông, Đồng tiền vàng… Gieo trồng với mật độ theo hướng dẫn trên nhãn mác, bao bì.
- Sử dụng phân bón phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng cây trồng và tính chất của đất canh tác; ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh; các loại phân bón có tác dụng cải tạo đất; sử dụng phân hữu cơ hoai mục ủ với nấm đối kháng Tricoderma kết hợp với chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật đối kháng (Phyto - M, SH-BV1, Phyto-PP1); hạn chế sử dụng phân bón vô cơ. Chỉ sử dụng phân bón đã được công nhận lưu hành; sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chân đất; đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón) và 1 hợp lý (bón phân cân đối).
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Ưu tiên lựa chọn và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc; ít độc hại đối với người và thân thiện với môi trường; thời gian cách ly ngắn để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm nông sản nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để phòng trừ cần áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) và đảm bảo thời gian cách ly. Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc; thuốc hết hạn sử dụng; thuốc trong Danh mục cấm buôn bán, sử dụng tại Việt Nam. Đặc biệt là các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat, 2,4D.
5. Đối với dược liệu, cây ăn quả lâu năm:
Tùy theo điều kiện nước tưới, lượng mưa ở từng vùng mà địa phương lựa chọn loại cây ăn quả, cây dược liệu và thời vụ trồng cho thích hợp.
Khuyến cáo sử dụng nguồn giống được sản xuất, buôn bán tại các vườn ươm được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; giống có nguồn gốc từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận (đối với cây ăn quả). Một số giống cây ăn quả được trồng phổ biến, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Gia Lai như: Giống Bơ: (booth7, hass, bơ 034), giống sầu riêng (Mongthong, Ri 6, Dona), giống mít (Mít Thái, mít nghệ, mít không hạt), chôm chôm (chôm chôm nhãn, chôm chôm thái), chanh leo (Đài Nông 1, Tai one, Tai Shang), dứa (cayenne, Queen).
Đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic; ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước; phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chú trọng biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
          Tường Vy (TH)

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang