CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Luật Nghĩa vụ quân sự 2015: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân

Luật Nghĩa vụ quân sự 2015: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân

22/02/2017

Trong  những năm qua, bao thế hệ thanh niên huyện nhà hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của một người con, một công dân Việt Nam bảo vệ hòa bình, chủ quyền Quốc gia và cuộc sống yên bình của mọi nhà. Công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn huyện được thực hiện tốt, đảm bảo. Hàng năm, các chỉ tiêu về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (NVQS) và giao quân trên toàn huyện đều đạt và vượt, nguồn dự phòng đông đảo và luôn sẳn sàng lên đường nhập ngũ. Trong năm 2017, kết quả khám sức khỏe đủ điều kiện là 418 công dân; cơ quan Quân sự huyện đã tổ chức xâm nhập 418. Chỉ tiêu giao quân toàn huyện năm 2017 là 180, ngày 13/02/2017, huyện Chư Sê đã tổ chức giao quân cho các đơn vị nhân quân đúng theo chỉ tiêu quy định.

Hình minh họa.
Đạt được các kết quả trên là sự chủ động triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng NVQS huyện, nhất là cơ quan Quân sự huyện trong việc tham mưu chỉ đạo, rà soát, thâm nhập và tuyển chọn công dân trong đối tượng nhập ngũ. Công tác khám sức khỏe NVQS được nâng cao, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cá nhân và kỷ luật, kỷ cương của tập thể. Công tác phối hợp quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật NVQS được triển khai tích cực bằng nhiều hình thức và nhiều biện pháp qua các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau khi khám sức khỏe và các thời gian khác trong năm; ngay khi Luật NVQS năm 2015 được ban hành, phòng Tư pháp huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức 15 lượt tuyên truyền xuống cơ sở với hơn 680 người nghe…Bên cạnh đó, vai trò của UBND và Hội đồng NVQS cấp cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, đa số đã chủ động triển khai nội dung chỉ đạo và kế hoạch của cấp trên, đã phát huy vai trò, trách nhiệm vủa cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong việc nghiên cứu, tuyên truyền công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ.
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được quan tâm, đó là: công tác rà soát, nắm đối tượng chưa triệt để, còn bỏ sót đối tượng; quản lý công dân độ tuổi sẳn sàng nhập ngũ (SSNN) chưa chặt chẽ, danh sách miễn, hoãn nhập ngũ chưa thể hiện rõ ràng, tỷ lệ công dân chống, trốn lệnh gọi khám sưc khỏe ở một số địa phương còn cao như: Ia Hlốp, thị trấn Chư Sê, AlBa…Quy trình, hồ sơ thực hiện tuyển chọn ở cơ sở còn sai sót, chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền vận động hạn chế, ý thức pháp luật NVQS của nhân dân và một số cán bộ, công chức chưa cao.
Trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền và thực hiện luật NVQS cho cán bộ công chức và nhân dân, nhất là ở cơ sở; thực hiện việc xử lý, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về NVQS. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện NVQS.
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, gồm 9 chương với 62 điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016, thay thế Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (đã được sửa đổi, bổ sung các năm 1990, 1994 và 2005).
Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có nhiều điểm mới như: Người có trình độ đại học, cao đẳng được kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi; bổ sung đối tượng miễn gọi nhập ngũ; thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự là 24 tháng; phạt tiền về việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tái phạm sẽ xử lý hình sự; thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 1/11 đến hết 31/12 hàng năm; hàng năm, chỉ gọi nhập ngũ 1 lần vào tháng 2 hoặc tháng 3; được trả lương cho ngày nghỉ để khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự… Do vậy yêu cần đề ra là phải tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến luật kịp thời, hiệu quả. Tập trung làm rõ những nội dung mới của luật, đó là: tiêu chuẩn tuyển quân, độ tuổi gọi nhập ngũ, trình độ văn hóa, thời hạn phục vụ tại ngũ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, nhất là công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, nòng cốt là cơ quan quân sự cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ ngay từ cơ sở; đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đến với mọi người dân. Cùng với công tác giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tăng cường các hình thức: tọa đàm, nói chuyện truyền thống, trực tiếp gặp gỡ động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, giải thích rõ các vấn đề liên quan. Tổ chức thực hiện tuyển quân đúng quy trình, quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai để công dân được biết, tự giác thực hiện.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong việc tổ chức phổ biến pháp luật về nghĩa vụ quân sự cho hội viên; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự; phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến cho nhân dân; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghĩa vụ quân sự góp phần bảo đảm cho việc triển khai Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 hiệu quả.
Tổ chức tuyên truyền và thực hiện tốt các quy định của Luật NVQS là bước đầu thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra./.
Phạm Ngọc Hưng – Trưởng phòng Tư pháp huyện.

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang