CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > NGÀNH NÔNG NGHIỆP CHƯ SÊ VƯƠN MÌNH VƯỢT KHÓ

NGÀNH NÔNG NGHIỆP CHƯ SÊ VƯƠN MÌNH VƯỢT KHÓ

11/08/2020

     Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp cả nước nói chung và huyện Chư Sê nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức: điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều biến động, giá cả nông sản không ổn định, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, sự linh hoạt trong triển khai các giải pháp thích ứng với thực tiễn của ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện cơ bản đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
     Năm 2019, giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp đạt 3.629 tỷ đồng. Từ năm 2017 trở lại đây, giá cà phê và hồ tiêu giảm nhưng cây cà phê và hồ tiêu vẫn giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp của huyện nhà, đóng góp 1.242,9 tỷ đồng vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng năm 2019 đạt 34.748,9 ha; so với năm 2015 là 30.030 ha; đạt 115,71% kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực năm 2019 đạt 36.669,5 tấn; cơ cấu giống cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất giống năng suất, chất lượng cao.
    Số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện luôn tăng và phát triển ổn định. Năm 2019, tổng đàn vật nuôi là 186.465 con; trong đó đàn gia súc là 87.865 con, đàn gia cầm là 98.600 con; tỷ lệ heo lai đạt 78%, tỷ lệ bò lai đạt 24%. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 565,6 tỷ đồng.
     Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện chương trình trồng tái canh cà phê, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả, triển khai nhiều mô hình đưa vào thử nghiệm các giống mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình trồng măng tây xanh trong nhà lưới, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng dâu nuôi tằm, trồng chuối xuất khẩu, trồng dược liệu, chăn nuôi gà Ai Cập siêu trứng…đem lại hiệu quả cao, thu nhập bình quân khoảng 150.000.000 đồng – 200.000.000 đồng/ha, từng bước góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
     Thực hiện Nghị Quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện Chư Sê, trên địa bàn huyện bước đầu sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: sản xuất cây dược liệu 250-500 ha, sản xuất rau, củ, quả an toàn 10-50 ha, sản xuất tiêu sạch 50 ha, sản xuất cà phê sạch 300 ha, trồng dâu nuôi tằm 300-500 ha, sản xuất nấm ăn 01 ha, các mô hình chăn nuôi heo gà,… Kinh phí triển khai thực hiện là 242,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 50 tỷ đồng , còn lại là vốn của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã phát triển được hơn 230 ha cây dược liệu các loại. Người sản xuất được tham gia liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vốn, cơ sở vật chất hạ tầng, ngân sách huyện hỗ trợ tối thiểu 30% chi phí sản xuất; doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện đã xây dựng 04 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm: chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng, cây mắc ca, cây dược liệu và cây cà phê


  Mô hình trồng măng tây xanh trong nhà màng.
     Song song với việc thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện cũng đã quan tâm phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn. Đến nay thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” đã đăng ký bảo hộ tại 06 quốc gia. Huyện đã tổ chức thực hiện đánh giá 02 sản phẩm Tiêu đen hạt, Hạt Sacha Inchi và được UBND tỉnh đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn 03 sao. Hiện nay trên địa bàn huyện có 03 cơ sở sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP về trồng trọt là Công ty Cổ phần Hoàng Phúc Gia Lai coffee, Công ty TNHH MTV An Thắng Gia Lai và công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
     Trong công tác xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ngành liên quan và các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Chư Sê chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động tối đa nguồn lực thực hiện chương trình này. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 11/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 02 xã so với kế hoạch tỉnh giao trong giai đoạn 2016-2020. Xây dựng 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 16 làng Nông thôn mới theo Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổng số tiêu chí đạt được là 254 tiêu chí/14 xã, bình quân mỗi xã đạt được 18,14 tiêu chí.
     Năm 2019, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là 12.098,24 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 8.510,93 ha, rừng trồng là 206,68 ha, rừng trồng chưa thành rừng là 177,59 ha, đất chưa có rừng 3.405,89 ha. Tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng được 4.095 ha, trồng mới 200,2 ha; thu hồi được 133,1 ha diện tích rừng bị lấn chiếm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 27,4%.
     Công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện có những bước phát triển đáng kể. Tổng số trang trại trên địa bàn huyện là 78 trang trại, trong đó: trang trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có 14 trang trại với quy mô khoảng 10.000 con gà và 4.500 con heo; trang trại hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt có 64 trang trại với quy mô hơn 128 ha tiêu, cà phê. Hiện nay trên địa bàn huyện có 17 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó HTX Tân Nông Nguyên đã hoạt động từ năm 2012 đến nay đã triển khai thực hiện việc sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C với diện tích gần 200 ha.
     Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, tuy  nhiên sản xuất nông nghiệp năm 2019 vẫn còn một số tồn tại, nhất là sản xuất còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong sản xuất; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chưa theo kịp với biến động của thị trường; việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả, tuy nhiên một số tiêu chí đạt chuẩn thiếu tính bền vững.
     Trên cơ sở những kết quả đạt được, đánh giá đúng những hạn chế của những năm vừa qua, xác định rõ những lợi thế, ngành nông nghiệp huyện nhà đã đề ra mục tiêu, hướng đi của năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, trong những năm tới, ngành nông nghiệp xác định mục tiêu tổng quát là lựa chọn được một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định để đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao theo hướng xã hội hóa các nguồn lực đầu tư. Trong trồng trọt, phấn đấu có ít nhất 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp của cùng một nhóm sản phẩm được sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong chăn nuôi, cơ giới hóa chuồng trại chăn nuôi đạt trên 80%, cơ giới hóa vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi đạt 80%. Tập trung đẩy mạnh hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
     Đến năm 2025 toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, 85% thôn làng đạt chuẩn làng nông thôn mới, Xây dựng thành công huyện Chư Sê đạt chuẩn nông thôn mới.
                                                                              Nguyễn Văn Hợp  
            Trưởng phòng NN&PTNT

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang