CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > NHẬN BIẾT MUỖI VẰN GÂY BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

NHẬN BIẾT MUỖI VẰN GÂY BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

23/07/2019

        Theo báo cáo của trung tâm y tế huyện Chư Sê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 84 ca mắc bệnh sốt xuất huyết xuất hiện tại 11/15 xã, thị trấn; bệnh có thể xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào các tháng 8,9,10; khi thời tiết đang vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Tuy không có trường hợp tử vong nhưng bệnh dễ bùng phát thành dịch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người dân nếu không có các biện pháp phòng trừ thích hợp. Vì vậy bà con cần chú ý nhận biết loại muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết để có biện pháp phòng tránh cho bản thân và gia đình.
      Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết gồm hai loài của chi Aedes, đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó Aedes aegypti là véc tơ truyền bệnh chủ yếu.
      Muỗi Aedes aegypti có màu đen, trên thân và chân có những vằn trắng nên có thường hay gọi là là muỗi vằn. Muỗi vằn thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, chỗ tối trong nhà. Một số nơi trú ngụ ưa thích của chúng là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm treo cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gậm giường, sau rèm. Ở những nơi đó chúng tránh được gió, mưa và phần lớn các loài ăn thịt khác, giúp chúng sống lâu hơn. Do đó, khả năng chúng sẽ sống đủ lâu để nhiễm virus từ một người bệnh nào đó và ủ bệnh, truyền bệnh cho người khác cũng tăng lên.

Muỗi vằn Aedes aegypti gây bệnh sốt xuất huyết
     Muỗi vằn cái đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước trong nhà và khu vực quanh nhà có nước đọng như chai lọ, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng,... Trứng nở khi tiếp xúc với nước; trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong suốt nhiều tháng. Trong suốt vòng đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng. Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối. Chính vì vậy, để phòng tránh bị muỗi cắn, mọi người không nên ở những nơi tối, cây cối rậm rạp trong khoảng thời gian này, cũng như không nên để trẻ chơi đùa ở đây. Trong một số trường hợp bắt buộc thì cần mặc áo dài tay, sử dụng kem thoa,... để hạn chế nguy cơ bị muỗi cắn.
     Virus Dengue không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi bị nhiễm virus và sốt có thể là nguồn truyền virus cho những con muỗi khác. Người bị nhiễm là người mang bệnh từ vùng này sang vùng khác trong thời gian virus lưu hành và nhân lên trong máu của họ.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cho người
     Sau khi muỗi cái Aedes aegypti hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, nó sẽ bị nhiễm virus. Thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10 - 12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi trở thành nhiễm virus và có thể truyền virus Dengue cho những người người khỏe mạnh khác khi muỗi đốt. Mặt khác, muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự hút máu nhiều lần trên nhiều người khi nó ăn chưa đủ no. Khả năng truyền virus sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm virus huyết. Nhiễm virus huyết có thể có 6 - 18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 - 7 ngày.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết theo Cục Y Tế Dự Phòng - Bộ Y Tế:
- Phòng bệnh tốt nhất là diệt trung gian truyền bệnh: Diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy bằng cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, đậy kín các dụng cụ chứa nước. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy. Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà tránh nước đọng như chai, lọ, mảnh chai, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Thay nước bình hoa/bình bông thường xuyên tránh cho muỗi đẻ trứng.
- Phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài; buông màn khi ngủ bất kể ngày đêm; dùng các dụng cụ diệt muỗi, hương muỗi, bôi kem đuổi muỗi, dùng vợt diệt muỗi; dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác, tích cực phối hợp với chính quyền trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để chống dịch.Hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dựa vào các đường lây bệnh để chúng ta chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh để bệnh nặng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Lê Loan – tổng hợp

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang