CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng Internet, mạng xã hội

Nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng Internet, mạng xã hội

05/08/2019

     Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số. Cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này. Có người ví Facebook như một "quốc gia" lớn và chắc chắn có thông tin về các "công dân" của nó nhiều hơn bất kỳ chính phủ nào 

Ảnh minh họa
         
   Trước những thách thức hiện hữu và nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi phải tư duy lại về mô hình và cách thức quản trị không gian mạng, các quốc gia đang ráo riết thiết lập những hàng rào bảo vệ bằng việc đưa ra những biện pháp cứng rắn. Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội, theo đó, những dịch vụ mạng xã hội nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt nặng có thể lên tới 50 triệu euro. Úc tuyên bố sẽ phạt các công ty cung cấp dịch vụ mạng và các trang mạng xã hội, có thể phạt tới 10% tổng thu nhập hàng năm, thậm chí phạt tù lên tới 3 năm đối với người điều hành nếu không loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu. Luật chống tin giả của Ai Cập cho phép cơ quan chức năng quyền giám sát các tài khoản cá nhân trên những mạng xã hội có trên 5.000 người theo dõi. Luật an ninh mạng của Thái Lan quy định đối tượng phát tán tin giả sẽ phải chịu 7 năm tù. Philippines cũng  đã ban hành luật quy định hoạt động truyền bá thông tin giả mạo bị coi là tội phạm hình sự, bị phạt tới 6 tháng tù, kèm khoản tiền phạt hơn 3.000 USD.  Singapore có Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù, các công ty mạng xã hội nếu không tuân thủ các quy định có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore
          Ở Việt Nam, Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Mục đích nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng....
          Tuy nhiên lợi dụng một số bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, "nuôi" nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện "diễn biến hòa bình", đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật an ninh mạng…
          Cùng với đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng… đang trở nên đáng báo động.
          Những hành vi lệch lạc này có thể làm khủng hoảng đời sống của cá nhân, tổ chức, gây nặng nề và trầm cảm xã hội, thậm chí những "cơn bão mạng" có thể "khai tử" doanh nghiệp, có cá nhân đã lựa chọn cái chết làm lối thoát. Tác động xấu từ truyền thông xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp. Những đổ vỡ về giá trị, những tổn thương về tâm lý ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá nhân, từ đó, tác động đến ổn định chính trị, xã hội của quốc gia. 
          Các nhà xã hội học cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng dẫn đến "cô lập với xã hội thực tại", "xao nhãng các quan hệ đời thực", "tin vào đó mà không dành thời gian cho các quan sát, trải nghiệm và tương tác thực tế để đưa ra các quyết định đúng đắn", thậm chí lệch lạc về nhận thức, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt với giới trẻ. Về lâu dài, có thể khiến sự cấu kết xã hội bị rạn nứt sâu sắc, gây phân rã, khó tạo nên sự đồng thuận trong việc chung tay giải quyết các vấn đề của cộng đồng, quốc gia hay nhân loại.
          Vì vậy mỗi cá nhân dùng internet và mạng xã hội phải nhận diện rõ được các âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động cũng như các đối tượng, cá nhân, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước ta. Người dùng mạng xã hội phải tự bảo vệ bản thân trước những mặt trái, cần biết "gạn đục khơi trong", nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá, thậm chí có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội; xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng, không chạy theo và cổ súy cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không tham gia bình luận (comment), không chia sẻ những thông tin xấu, độc; phải tự nâng cao hiểu biết, bảo vệ mình trước những nguy cơ bằng cách tránh chia sẻ thông tin riêng của cá nhân, biết sử dụng các công cụ mạng xã hội cung cấp để bảo vệ thông tin cũng như nội dung riêng tư của mình. Khi tiếp nhận được những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận, phát tán thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ tuân thủ đúng pháp luật và đề cao trách nhiệm công dân là chưa đủ mà phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên; chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng; tu dưỡng, rèn luyện về chính trị tư tưởng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng ở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng nghĩ trái, nói trái, làm trái nền tảng tư tưởng, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động. Đó cũng là góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho một bộ phận người dân vốn đang “đói” thông tin chính thống nhưng lại đang chới với, sắp “chết chìm” trong “biển thông tin” chưa rõ thực hư trên mạng xã hội.
         
            Tại Điều 9 Luật An ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật An ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Vì vậy mỗi cá nhân khi tham gia internet hoặc mạng xã hội đừng nghĩ rằng có thể dùng bàn phím thoải mái làm những thứ mình thích; phải suy nghĩ trước khi đăng, chia sẻ các nội dung, thể hiện ý kiến của mình mà không gây tổn thương cho người khác, thậm chí đẩy một người nào đó, hoặc chính mình, đến những rắc rối, nguy hiểm hoặc vi phạm pháp luật. Nói cách khác là mỗi người phải tự xây dựng một bản lĩnh tiếp nhận và vững vàng khi tham gia vào thế giới ảo nhiều cạm bẫy này.
          Để kịp thời ngăn chặn và hạn chế những thông tin đăng tải không chính thống, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm trong sử dụng các trang mạng xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước. Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo chống “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của huyện thành lập Fanpage có tên “Tiếng chiêng” nhằm định hướng công tác tuyên truyền thông tin trên trang mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các thông tin xấu, thông tin độc hại của các thế lực thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các Tổ chức cơ sở Đảng thông báo rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn biết để theo dõi, cập nhật những thông tin chính thống.
          Nhằm nâng cao trách nhiệm công dân khi sử dụng mạng xã hội, thiết nghĩ từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải luôn chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt trong công tác quản lý con người; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác, bản lĩnh chính trị, để mỗi cá nhân biết cách lựa chọn và tiếp nhận thông tin phù hợp, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội; tích cực thông tin, chia sẻ trên mạng xã hội của địa phương, đơn vị những gương người tốt, việc tốt, những hoạt động tích cực của ngành, đoàn thể, địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân khi sử dụng mạng xã hội là giải pháp quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân chung tay với các cơ quan chức năng bảo đảm môi trường mạng lành mạnh, phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.
                                                                                                Kiều Hưng

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang