CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TẠI CHƯ SÊ – NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TẠI CHƯ SÊ – NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

10/12/2019

     Vào cuối tháng 5 năm 2019, ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên của tỉnh xuất hiện tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai; chỉ sau hơn nửa tháng, dịch đã lây lan sang 2 huyện biên giới Chư Prông và Đức Cơ. Điều này cho thấy, dịch bệnh này có diễn biến phức tạp và khả năng lây lan nhanh trên diện rộng tại tỉnh ta. Chư Sê là huyện nằm tiếp giáp giữa 02 huyện chư Pưh và Chư Prông, khả năng là huyện tiếp theo lây nhiễm dịch là rất cao do nằm giữa hai địa phương đã xảy ra dịch. Tuy nhiên bằng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền ở địa phương, cùng với sự phối hợp của các hộ dân, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần giảm thiệt hại ở mức thấp nhất cho người chăn nuôi.
     Thông qua hệ thống đài truyền thanh, trang thông tin điện tử của UBND huyện, ngành chức năng huyện tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biểu hiện của bệnh và hình thức lây lan chủ yếu, mức độ nguy hiểm của bệnh và tác hại của việc vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm từ lợn bất hợp pháp. Hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh; khuyến cáo người dân chỉ sử dụng các sản phẩm thịt có nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm soát giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Yêu cầu Chủ lò giết mổ tập trung chỉ được nhập lợn khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn mới được giết mổ tiêu thụ. Bên cạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, các địa điểm giết mổ, kinh doanh thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…  cũng được cập nhật để người dân theo dõi, đáp ứng yêu cầu vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, huyện còn vận động người chăn nuôi trên địa bàn cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
     UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch về hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn; tổ chức kiểm tra nắm tình hình; thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch ở các cấp; lập và công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi từ người dân; nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn mắc bệnh trái phép. Yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh và báo cáo định kỳ hàng ngày, hàng tuần để tham mưu xử lý kịp thời. Thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các xã có dịch; tổ chức tiêu độc khử trùng hàng ngày chuồng trại chăn nuôi và các phương tiện con người ra vào vùng dịch; tiêu hủy lợn chết và lợn bị bệnh… theo đúng quy định. Chủ động xuất ngân sách 76 triệu đồng để Trung tâm DVNN huyện phối hợp cùng các địa phương phun tiêu độc khử trùng 4 đợt (1 tuần/đợt) tại 4 xã giáp ranh với huyện Chư Pưh với 224 lít hóa chất Benkocid; rải 3 tấn vôi bột trên các tuyến đường xung yếu tiếp giáp với vùng dịch


Phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi (Ảnh minh họa)
 
     Mặc dù chính quyền và các phòng ban chuyên môn của địa phương đã có nhiều nỗ lực khống chế, ngăn chặn; song do những diễn biến phức tạp và khả năng lây lan nhanh, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở huyện vào ngày 19/8/2019 tại TT. Chư Sê; ghi nhận là huyện thứ 15/17 huyện của tỉnh xuất hiện dịch. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã xuất 10 lít hóa chất Benkocid tại kho để phun tiêu độc khử trùng tại TT. Chư Sê; xuất 250 lít hóa chất cho UBND các xã, thị trấn tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Ngoài ra còn cấp 13 tấn vôi bột cho 15 xã, thị trấn để rắc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.
     Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn huyện cũng đã tự phong tỏa, nghiêm cấm người ra vào để tránh mầm bệnh xâm nhiễm. Trên địa bàn huyện có 07 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn. Loại hình sở hữu chủ yếu của các trang trại đều là nuôi gia công của các công ty lớn, chủ yếu là của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP chi nhánh tại Gia Lai và Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh. Ông Lê Văn Công - Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Gia Lai cho biết: “Với phương châm phòng là chính, ngoài cách ly tuyệt đối với các nguồn có thể lây nhiễm bệnh cho đàn lợn, các trang trại còn tiến hành rải vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng hàng ngày. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống nếu dịch xảy ra”.
     Mặc dù trong quá trình phòng chống dịch gặp một số khó khăn, bất cập như: địa bàn huyện có tuyến quốc lộ đi qua nên vi rút gây bệnh dịch tả lợn rất dễ phát tán, khó kiểm soát; nhiều người dân địa phương chăn nuôi lợn theo tập quán thả rông, không nhốt tại chuồng trại nên rất khó khi triển khai phòng chống dịch; lực lượng chuyên trách về lĩnh vực thú y ở cấp xã quá mỏng trong khi địa bàn quản lý tương đối rộng; ngân sách huyện còn khó khăn chưa bố trí được nhiều cho công tác phòng chống dịch…; tuy nhiên công tác phòng chống dịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ khi dịch xuất hiện, có 05 xã có lợn bị nhiễm bệnh và cơ quan chức năng đã công bố dịch (gồm các xã Dun, BarMaih, H’Bông, IaGlai và TT. Chư Sê), hơn 13 tấn lợn bệnh đã được tiêu hủy. Với những nỗ lực khống chế, đến nay sau hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới tại các xã mắc bệnh dịch, UBND huyện Chư Sê đã ban hành các Quyết định công bố hết Dịch tả lợn Châu Phi tại 05/05 xã, thị trấn có dịch; chuẩn bị các công tác công bố hết dịch trên địa bàn huyện nếu không tái dịch.
     Với sự nỗ lực của chính quyền, các ngành chuyên môn và sự chủ động của người dân, đến thời điểm hiện tại tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện đã trở lại phát triển ổn định. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh và thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn và theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã và các đơn vị liên quan giám sát tình hình dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh theo quy định. Tham mưu hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu phi và xây dựng Kế hoạch tái đàn sau dịch, nhanh chóng khôi phục chăn nuôi trên địa bàn đảm bảo nguồn thực phẩm, nhất là cho dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2020.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang