CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Pháp luật về Quyền đối với bất động sản liền kề.

Pháp luật về Quyền đối với bất động sản liền kề.

14/02/2017

Trên thực tế có rất nhiều bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác, các địa hình khu dân cư đa dạng … và với tính chất tự nhiên của bất động sản là không di dời được, cho nên việc xác lập quyền đối với bất động sản khác nhằm khai thác công dụng bình thường, hợp lý của một bất động sản là nhu cầu tất yếu cần sự điều chỉnh của pháp luật. Các trường hợp thường gặp như: lối đi, cấp thoát nước, dẫn nước tưới tiêu, mắc đường dây tải điện… thường xuyên xảy ra ở đô thị cũng như nông thôn, những sự việc tưởng chừng như nhỏ nhặt này lại dễ xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, để ổn định trật tự xã hội pháp luật đã có những điều chỉnh về quyền đối với bất động sản liền kề.

Các mảnh ruộng ở xa phải dẫn nước tưới.
Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền phát sinh từ chế định quyền sở hữu, đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995, năm 2005 và tiếp tục được ghi nhận rõ hơn ở một mục riêng tại Chương XIV “Quyền khác đối với tài sản” gồm 12 điều (từ Điều 245 đến Điều 256) trong Bộ luật Dân sự 2015. Với sự ghi nhận một cách rõ ràng hơn và có nhiều sự điều chỉnh mới về mặt kỹ thuật lập pháp, chế định về quyền đối với bất động sản liền kề ngày càng khẳng định được vai trò điều chỉnh pháp luật trong đời sống hàng ngày. Do vậy, nhận thức đúng bản chất của quyền này, tìm hiểu căn cứ phát sinh, chấm dứt, nội dung cụ thể của các quyền đó và phạm vi quyền đối với bất động sản liền kề là những vấn đề cần được đặt ra.
Về bất động sản, bất động sản liền kề: Pháp luật dân sự của hầu hết các nước trên thế giới đều coi đất đai và những tài sản có liên quan đến đất đai, không tách rời với đất đai là bất động sản. Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, bất động sản liền kề là bất động sản cùng loại, sát nhau và giữa chúng tồn tại một ranh giới phân cách về địa lý cũng như pháp lý. Theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 thì ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận của các bên, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Về quyền đối với bất động sản liên kề, là quyền của chủ sở hữu một bất động sản trong những điều kiện do pháp luật quy định, được sử dụng bất động sản của người khác liền kề trong những phạm vi xác định để thỏa mãn việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý bất động sản thuộc sở hữu của mình. Căn cứ để xác lập quyền đối với bất động sản liền kề được quy định tại Điều 246 Bộ luật Dân sự 2015 “Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”, việc xác lập quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định của Luật Đất đai về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Căn cứ chấm dứt quyền đối với bất động sản liền kề được quy định tại điều 256 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: Khi bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người; việc sử dụng, khai thác bất động sản hưởng quyền không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền; theo thỏa thuận của các bên; hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, là:
1. Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề. Nước là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cũng như kinh doanh của con người. Điều 252 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.
2. Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác. Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính của đa số người dân, việc tưới nước, tiêu nước là công đoạn hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều mảnh đất trồng cây, nhiều ruộng lúa bị vây bọc bởi nhiều mảnh đất, ruộng lúa khác, do đó để sản xuất bình thường, người nông dân rất cần có đường dẫn nước, tiêu nước qua ruộng, mảnh đất của người khác. Điều 253 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.
3. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề. Trên thực tế có nhiều ngôi nhà, vườn cây hay các bất động sản khác bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi ra hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng nên việc khai thác, sử dụng rất khó khăn, vì vậy Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 1) Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất họ…; 2) vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại …, nếu có tranh chấp thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định; 3) trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định…
4. Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác. Ở nhiều khu dân cư việc mắc đường dâu tải điện, thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn vì phải đi qua nhiều nhà ở, khu đất, công trình xây dựng … Để thuận tiện cho cá nhân, tổ chức sử dụng điện, thông tin liên lạc là nhu cầu thiết yếu, Điều 255 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường…
Tóm lại, quyền đối với bất động sản liền kề được đặt ra và giải quyết xuất phát từ vị trí tự nhiên của bất động sản cùng với tính chất không thể di dời được của nó. Các tranh chấp về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề ngày càng diễn ra phổ biến và phức tạp trong đời sống hàng ngày, đặt ra yêu cầu giải quyết một cách thấu đáo, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, nhằm hạn chế các tranh chấp mới phát sinh, nâng cao tính ổn định, góp phần bảo đảm sự hòa thuận, văn minh trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản của các chủ sở hữu./.
Phạm Ngọc Hưng – Trưởng phòng Tư pháp
 
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang