CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ

Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016.

09/10/2015

Ngày 02/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
Nghị định này thay thế nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời bãi bỏ việc trợ cấp, miễn, giảm học phí cho các đối tượng quy định tại điểm đ, khoản 3 Điều 33 của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ.
 

Ảnh minh họa.
Quy định học phí, Nghị định quy định nguyên tắc xác định học phí, trong đó mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm…
Khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông năm học 2015-2016 là: thành thị từ 60-300 ngàn đồng, nông thôn từ 30-120 ngàn đồng và miền núi từ 8-60 ngàn đồng. Từ các năm học sau, học phí sẽ tăng theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Hàng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức học phí cụ thể phù hợp với các vùng trên địa bàn tỉnh.
Nghị định cũng quy định rõ học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại Điều 5 của Nghị định.
Quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cụ thể đối tượng không phải đóng học phí tại cơ sở giáo dục công lập là: Học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm; người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Đối tượng được miễn học phí là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; đối tượng bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; đối tượng dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng….; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo…
Đối tượng được giảm học phí bao gồm: các đối tượng được giảm 70% học phí, các đối tượng được giảm 50% học phí được quy tại Điều 8 của Nghi định này.
Quy định về tổ chức thu và quản lý học phí, học phí được thu định kỳ hàng tháng, nếu học sinh, sinh viên tự nguyện thì nhà trường có thể thu một lần một học kỳ, cả năm học, số tháng thực học đối với các khóa đào tạo ngắn hạn. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí thu 9 tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí thu 10 tháng/năm.
Cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, được nộp toàn bộ số thu học phí vào ngân hàng thương mại để quản lý và sự dụng, tiền lãi sự dụng để thành lập quỹ học bỗng và quỹ hỗ trợ sinh viên.
Cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, nộp toàn bộ số thu học phí của các ngành nghề được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo vào Kho bạc nhà nước để quản lý và sử dụng.
Về sử dụng học phí, cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập…
Thu, chi học phí của cơ sở giáo dục công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính hàng năm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
Tấn Quốc.
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang