CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975

Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975

18/03/2020

     Nói về vị trí quan trọng của Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ “Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng” “đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở nước ta. Tây Nguyên không chỉ là căn cứ địa mà sẽ là bàn đạp, là nơi phát động những chiến dịch tiến công lớn cho các binh đoàn chủ lực để tạo ra những đột biến có tính chất bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược”.


     Ngày 27 tháng 01 năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ bắt đầu rút quân về nước. Trên chiến trường miền Nam chủ yếu còn Quân đội Ngụy được trang bị vũ khí Mỹ. Năm 1974, ta tiến hành hàng loạt chiến dịch lớn như Nông Sơn - Trung Phước và đặc biệt là chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long để thử nghiệm quy mô tác chiến mới của bộ đội ta và đánh giá khả năng phản ứng của Mỹ sau khi rút quân.
     Đầu năm 1975, tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản có lợi cho ta và bất lợi cho địch: Quân đội Mỹ đã rút hết và không có khả năng can thiệp trở lại chiến trường Việt Nam. Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975 Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam nhận định “thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến” và quyết định “giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Trong đó, năm 1975 tạo tiền đề để năm 1976 tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn”. Tuy vậy, vấn đề đặt ra lúc này là phải chọn hướng mở màn “đòn chiến lược then chốt ở đâu để chia cắt, cô lập, tạo đột biến, chuyển hóa thế trận có lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975-1976”.
     Sau khi phân tích tình hình chiến trường miền Nam Bộ Tổng Tư lệnh đã chọn Tây Nguyên là địa bàn “mở màn đòn chiến lược then chốt”.
     Trong cuốn hồi ức “Tổng hành dinh trong Mùa Xuân đại thắng” Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột vì theo quan điểm của Tướng Hoàng Minh Thảo - linh hồn của chiến dịch Tây Nguyên đã đưa ra những nhận định sâu sắc, chính xác về vị trí của Buôn Ma Thuột.
     - Thị xã Buôn Ma Thuột nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch, là trung tâm, kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng của Tây Nguyên và cũng là nơi tập trung bọn đầu sỏ phản động trong vùng.
     - Về mặt quân sự, thị xã này có vị trí rất cơ động, đứng ngay ở ngã ba đường chiến lược 21 nối liền với Nha Trang và đường số 14 - phía bắc đi Cheo Reo và Pleiku, phía nam đi Gia Nghĩa và miền đông Nam Bộ.
     - Do nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch nên quân chiếm đóng của chúng ở đây ít bị đối mặt với quân ta như ở Pleiku- Kon Tum.
     - Đánh Buôn Ma Thuột ta sẽ có khó khăn trong việc trinh sát nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng, mọi hoạt động chuẩn bị phải rất công phu và phải tuyệt đối giữ bí mật, kết hợp với hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý và đối phó của địch về hướng khác thì mới loại bỏ được khả năng địch tăng cường lực lượng dự bị.
     Tháng 01/1975 Thường trực quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A275). Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.
     - Lực lượng tham gia chiến dịch có 5 sư đoàn BB (10, 320A, 316, Sư 3 và 968), 4 trung đoàn BB (25, 95B, 271 và 95A), 2 trung đoàn PB (40 và 675), Trung đoàn 198 và 2 tiểu đoàn Đặc công (14 và 27), 3 trung đoàn PK (232, 234 và 593), Trung đoàn tăng - thiết giáp 273, 2 trung đoàn Công binh (7 và 575), Trung đoàn Thông tin 29 và lực lượng vũ trang các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và Quảng Đức.
     Đầu tháng 3/1975 Bộ Tư lệnh chiến dịch thực hiện đánh nghi binh ở Bắc Tây Nguyên, buộc Sư đoàn 23 - Ngụy phải chuyển một bộ phận lực lượng từ Buôn Ma Thuột lên Kon Tum, Pleiku để đối phó. Ngày 04/3 ta bước vào tạo thế cắt đường 19, 21 (chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng), cắt đường 14 (chia cắt Bắc với Nam Tây Nguyên), tập kích bằng hỏa lực PB và đặc công vào Kon Tum. Ngày 08/3 ta đánh Thuần Mẫn. Ngày 09/3 đánh Đức Lập, cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. Ngày 10/3 ta nổ súng tiến công thị xã Buôn ma Thuột. Ngày 11/3 làm chủ hoàn toàn thị xã, đánh thắng trận then chốt thứ nhất của chiến dịch.
     Từ ngày 14/3 đến ngày 18/3, ta đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn 23 - Ngụy trong trận đổ bộ đường không Nông Trại - Chư Cúc, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ 2.
Bị thất bại liên tiếp và trước sức uy hiếp mạnh mẽ của quân ta, từ ngày 15/3 quân địch rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo đường số 7 hòng co cụm về đồng bằng ven biển khu 5. Bộ đội ta truy kích đến cùng giành thắng lợi trận then chốt thứ 3.
     Sau đó quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phối hợp với quân dân địa phương, lần lượt giải phóng các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, kết thúc chiến dịch vào ngày 03/4/1975.
Kết quả ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 - Quân đội Sài Gòn. Loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu và phá hủy 152 máy bay, 1096 xe quân sự, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Bổn và Quảng Đức) và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
     Nói về chiến dịch Tây Nguyên, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã nói “Trong chiến dịch Tây Nguyên, mưu kế của ta cũng hay, thế và thời của ta cũng đẹp. Ta dùng một sư đoàn đánh nghi binh tại Pleiku, buộc địch phải dồn cả lực lượng vào giữ Pleiku, bỏ lỏng Buôn Ma Thuột. Ở Buôn Ma Thuột chỉ còn một trung đoàn chủ lực và 3 tiểu đoàn địa phương, còn ta dùng 3 sư đoàn tăng cường. Lực lượng ta đánh vào Buôn Ma Thuột như đá chọi vào trứng”. “Buôn Ma Thuột là đột phá khẩu không chỉ là điểm của chiến dịch Tây Nguyên mà đã trở thành đột phá khẩu chiến lược của cuộc Tổng tiến công chiến lược Mùa Xuân 1975”.
     Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục tiến hành các đòn tiến công quân sự lớn đó là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
                                                               Sưu tầm và Biên soạn
                                                                Nguyễn Xuân Thủy
                                                               VaVa Huyện Chư Sê

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang