CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin UBND Huyện > CHƯ SÊ: VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC ĐÃ PHÁT HUY VÀ ĐANG LAN TỎA

CHƯ SÊ: VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC ĐÃ PHÁT HUY VÀ ĐANG LAN TỎA

21/10/2015

Huyện Chư Sê nằm về phía Nam tỉnh Gia Lai, có 14 xã 01 thị trấn, dân số 116.000 dân, cách TP Pleiku 38 km, có 2 tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 25 chạy qua, rất thuận tiện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các huyện lân cận và các tỉnh Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về phát triển cung cầu hàng hóa đến các huyện, tỉnh trong khu vực thể hiện được là vùng kinh tế động lực của tỉnh.
 

Từ khi có Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 13/01/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế động lực giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện Chư Sê tăng 14,32% (giai đoạn 2011-2015); Tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt 2.498 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 39,7 triệu đồng/người/năm, các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su… phát triển ổn định nhanh về diện tích (Cao su 7.494ha, hồ tiêu 4.355ha, cà phê 17.412ha). Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 37%, Công nghiệp xây dựng chiếm 31,8%, Thương mại Dịch vụ chiếm 31,2%; Tổng vốn đầu tư của toàn xã hội từ 2011 đến năm 2015 là 2.852 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đạt 183 tỷ đồng/năm, đứng thứ 2 toàn tỉnh – sau TP Pleiku.
Sản phẩm mang tính đặc trưng tiêu biểu trên toàn quốc:
- Thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê được công nhận năm 2007, hiện đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ ra nước ngoài (khoảng 20 nước).
- Tiêu sọ, tiêu trắng, tiêu đỏ đóng hộp bằng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dung, sản phẩm được cung ứng nhiều nước trên thế giới.
- Nhà máy chế biến gạch không nung có duy nhất ở Chư Sê, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công suất 20 triệu viên/năm.
Cùng với việc khai thác những thế mạnh sẵn có, những năm qua, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nâng cấp thị trấn Chư Sê thành đô thị loại IV. Theo đó, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật được đầu tư và xây dựng đồng bộ, trong đó có các công trình văn hóa và thể dục thể thao, phát triển đô thị phù hợp và tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; có các tuyến phố văn minh đô thị, khách sạn, nhà hàng, công viên, vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh… đảm bảo mỹ quan đô thị; có không gian sinh hoạt cộng đồng, có điểm nghỉ ngơi vui chơi giải trí phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân…
2. Bởi vì được thiên nhiên ưu đãi và biết tận dụng thời cơ:
- Chư Sê được thiên nhiên ban tặng cho một vùng đất Bazan rộng lớn, khí hậu ôn hòa tạo điều kiện phát triển cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, hồ tiêu; Việc tập trung xây dựng mô hình “tiêu chất lượng cao” để nhân rộng, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, xây dựng chất lượng cà phê Robusta là một nhiệm vụ hàng đầu.
- Trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội đến năm 2020, quy hoạch đất đai đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chư Sê đến năm 2030 được phê duyệt, đẩy mạnh sử dụng đất, đầu tư xây dựng đưa huyện phát triển trong thời gian đến.
- Hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, khai thác quỹ đất phát triển các khu dân cư mới.
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị hướng tới xây dựng thị xã và nông thôn mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống nhân dân.
- Sử dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Hiện nay nông dân đã biết ứng dụng công nghệ khoa học vào nông nghiệp và tiếp tục thực hiện như: Mô hình tưới nước nhỏ giọt, sử dụng máy đóng mở tự động bằng điện thoại di động, máy kích hoạt, hẹn giờ để tưới nước, chăm sóc cây trồng mặc dù không có mắt thường xuyên trên cánh đồng.
- Bảo quản: Bao bì giữ ẩm, đảm bảo độ thông thoáng không cho các loại nấm xâm nhập, sản phẩm đạt chất lượng cao.
- Sấy ướt, sấy lạnh: Giữ màu cho sản phẩm nông nghiệp, chất lượng sản phẩm được cao hơn.
- Sử dụng các chế phẩm dung cho chăm nuôi không bị hôi thối, sử dụng khí Bioga làm khí đốt tăng hiệu quả.
- Sử dụng vật liệu giữ ẩm bón cho đất, chống xói mòn đất; ở vùng đất khô hạn thì dùng vật liệu bón cho cây trồng giữ ẩm.
- Tiến hành xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất các loại cây trồng tiêu, cà phê, lúa nước…
- Về công nghiệp-xây dựng, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng phát triển cụm công nghiệp phía Nam của huyện, ưu tiên các ngành nghề như chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất nông cụ và hàng tiêu dùng.
Định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao (cà phê hòa tan, tiêu đen, tiêu trắng, tiêu đỏ đóng hộp…)  đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu có giá trị cao.
- Về thương mại-dịch vụ, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ: Xây dựng cân đối các chợ đầu mối, chợ trung tâm, chợ nông thôn, hệ thống siêu thị và tiếp tục đầu tư phát triển các điểm du lịch Phú Cường, Hồ Ayun hạ, Hồ Iaring. Mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các Trung tâm mua sắm, nhà máy, mục tiêu là tăng giá trị thương mại, dịch vụ đạt chỉ tiêu đề ra và tạo điều kiện, môi trường mua sắm như thành phố Pleiku tương ứng về giá cả, chủng loại hàng hóa.
- Thuận lợi là hiện nay trên địa bàn huyện có 10 chi nhánh các Ngân hàng vào hoạt động, với tổng nguồn vốn huy động bình quân hàng năm là 1.200 tỷ đồng, giải ngân cho vay là 2.500 tỷ đồng, đây là nguồn lực đáng kể để phát triển.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách Nhà nước đảm bảo theo kế hoạch giao hàng năm. Tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách cấp trên, thực hiện tăng thu ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn. Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước ở các cơ quan, đơn vị.
3. Đồng thời biết khai thác các lợi thế sẵn có:
- Trên địa bàn huyện có 2 tuyến quốc lộ 14 và 25 đi qua tạo nên sự kết nối về kinh tế, giao thoa văn hóa, kinh tế - xã hội các huyện khu vực phía Nam, các tỉnh lân cận  như Phú Yên, Đăk Lăk, các tỉnh Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên... và cũng là tuyến trung chuyển đi miền Đông – Tây Nam bộ, các tỉnh phía Bắc. Mặt khác, Chư Sê cách sân bay Pleiku khoảng 40km đã tạo một lợi thế không nhỏ, để các nhà đầu tư ở Hà Nội, Thành phố HCM, Đà Nẵng... và nước ngoài, dễ dàng đến với Chư Sê để Chư Sê là trung tâm của vùng kinh tế liên huyện tạo điều kiện gắn kết cho các huyện lân cận phát triển.
- Giao thông nội bộ huyện rất thuận lợi: Đường liên xã được bê tông, thâm nhập nhựa; đường thôn, làng được trên 70% cứng hóa.
4. Năng động trong xử lý tình huống và sử dụng phát huy nhân lực:
Muốn phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững thì phải ổn định về an ninh, quốc phòng, nên Đảng bộ huyện Chư Sê đang và sẽ tập trung:
- Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của hệ thống chính trị, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
- Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phát hiện những âm mưu và thủ đoạn của các đối tượng phản động, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, nhất là hoạt động phục hồi FULRO, "Tin lành Đêga"; âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch.
- Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, chú trọng công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn các xã, thị trấn trọng điểm. Triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Để đạt được mục tiêu, mục đích, yêu cầu đề ra chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến tiềm năng, khả năng của con người, của bộ máy điều hành nên cần phải:
- Tiếp tục đổi mới phương pháp, tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng các cấp phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ đang công tác nâng cao nhận thức và chuyên môn nhiệm vụ.
- Xây dựng và củng cố tổ chức Đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên sâu sát cơ sở, động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức đảng có thành tích, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, yếu kém trong nội bộ tổ chức đảng.
- Làm tốt công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền; xây dựng lực lượng cốt cán cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Tóm lại: Sự tập trung, đồng lòng, đồng sức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong xây dựng và thực hiện Nghị quyết phát triển huyện nhà ngay từ những tháng năm đầu Nhiệm kỳ (Yếu tố thiên thời); Với lợi thế tiềm năng sẵn có, thiên nhiên ban tặng cho Chư Sê (Yếu tố địa lợi); Sự sáng suốt, đoàn kết một lòng của Đảng bộ huyện Chư Sê (Yếu tố nhân hòa). Với một huyện có đầy đủ Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa, chúng ta có quyền hy vọng Chư Sê sẽ vươn lên tầm cao mới, đạt hầu hết các chỉ tiêu đề ra mà quan trọng nhất là Chư Sê trở thành thị xã trong Nhiệm kỳ 2015-2020.
Nguyễn Hồng Linh
(Phó Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch UBND huyện Chư Sê)

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang