CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin UBND Huyện > Chư Sê – 40 năm vững tiến đi lên

Chư Sê – 40 năm vững tiến đi lên

20/08/2021

Rmah H’ Bé Nét
PBT Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
     Huyện Chư Sê được thành lập vào ngày 17/8/1981, trên cơ sở sát nhập 7 xã của huyện Chư Prông và 5 xã  của huyện Mang Yang. Trải qua 40 xây dựng và trưởng thành, với nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân, với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén nắm bắt cơ hội, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng huyện Chư Sê đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân, động lực phát triển vùng kinh tế phía Nam của tỉnh Gia Lai.


Huyện Chư Sê chuyển mình mạnh mẽ sau 40 năm
     Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 39km về phía Nam, huyện Chư Sê có tổng diện tích đất tự nhiên  64.103 ha, với dân số khoảng 123.962 người,  với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn với 126 thôn, làng, TDP. Những năm đầu mới thành lập huyện với muôn vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Song với lợi thế tiềm năng đất đỏ Bazan màu mỡ, phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu… “Đất lành chim đậu” nên ngay sau khi giải phóng, nhân dân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã chọn Chư Sê là nơi sinh sống và lập nghiệp. Với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong định hướng phát triển kinh tế, cùng với sự cần cù trong lao động, sản xuất, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ nên đời sống vật chất là tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện đã có bước phát triển vượt bậc và nhanh chóng trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Gia Lai. Cùng với thế mạnh về các diện tích cây công nghiệp lâu năm, huyện Chư Sê  đã tập trung lựa chọn những cây trồng, vật nuôi thích hợp với địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trên cơ sở gắn với chế biến đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại dịch vụ ngày càng phát triển rộng khắp, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong vùng. Bước sang giai đoạn hiện nay (2015 – 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,08%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng giảm dần nông nghiệp, tăng dịch vụ, công nghiệp xây dựng; cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến năm 2020, tỷ trọng thương mại - dịch vụ đã chiếm 9,82%, công nghiệp và xây dựng chiếm 9,87%, nông, lâm nghiệp chiếm 4,99%. Song song với phát triển kinh tế, xây dựng cơ bản có bước phát triển vượt bậc, các công trình được nhà nước đầu tư xây dựng có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư bình quân hàng năm đạt 250- 350 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, công ty và cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng với khối lượng hơn 10 ngàn m2 nhà xưởng, đạt giá trị gần 100 tỷ/ năm. Chư Sê đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, từng bước hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí của đô thị loại IV. Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 27-5-2016 về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đô thị đến năm 2020 được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong 5 năm gần đây đã có gần 100 tuyến đường trung tâm thị trấn được nhựa hóa, mở rộng 43,5 km  đường nội thị các xã được hoàn thiện. Hệ thống đèn cao áp chiếu sáng, các công trình công viên, bến xe, hoa viên, giải phân cách… được đầu tư mang tính mỹ thuật, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp, từng bước hiện đại đã tạo bộ mặt đô thị được định hình rõ nét hơn, xứng tầm đô thị loại IV, hướng tới một thị xã của tỉnh trong tương lai không xa.
 

Diện mạo Chư Sê đang dần đổi thay
     Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt nhận được sự đồng tình cao trong nhân dân, đến nay toàn huyện đã có 11/14 xã đạt chuẩn NTM; trong đó xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14 làng Nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị 12-CT/TU   ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn Tỉnh”.
 

Xã Kông Htock đón nhận xã đạt chuẩn NTM
     Lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng có bước tiến vượt bậc. Cùng với thành quả phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo, thu nhập từng bước được nâng lên. Đến cuối năm 2020, số hộ nghèo chỉ còn chiếm 2,76%. Công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng quan tâm, 100% các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất trường học từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn từng bước được chuẩn hóa, ngày càng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện. Toàn ngành đã xây dựng được 53% trường học đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là nền tảng để giáo dục Chư Sê đạt được nhiều thành tích cao trong giáo dục mũi nhọn, các kì thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp; các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… đều mang lại kết quả thiết thực. quốc phòng-an ninh được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, an ninh chính trị, trật tự ATXH cơ bản ổn định và giữ vững.
Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế và xây dựng huyện Chư Sê thành vùng kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, trong thời gian tới Huyện cần phải xác định mục tiêu: Kinh tế Nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn này, nhưng cơ cấu lại trong nội bộ ngành giữa trồng trọt và chăn nuôi cho hợp lý, đảm bảo tính bền vững. Tập trung sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó phát triển cây dược liệu là chiến lược, là khâu đột phá; vận dụng quỹ đất của các công ty, doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở nguyên liệu sẵn có, chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực của huyện theo hướng thâm canh gắn với chế biến. Bảo vệ nghiêm nghặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, giành quỹ đất thích hợp để trồng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện chương trình  mỗi xã 1 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế hỗ trợ phù hợp để cơ sở, doanh nghiệp, trang trại và nông hộ phát triển sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Kêu gọi đầu tư, ưu tiên ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp Năng lượng tái tạo. Khuyến khích các loại hình dịch vụ phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
 

Đường phố Chư Sê hôm nay
     Phát huy truyền thống huyện Anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Chư Sê quyết tâm đoàn kết, xây dựng huyện Chư Sê ngày càng phát triển vững mạnhtoàn diện và bền vững,tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng huyện Chư Sê trở thành vùng kinh tế phát triển năng động của tỉnh  Gia Lai./.

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang