CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin UBND Huyện > HUYỆN CHƯ SÊ: HUY ĐỘNG SỨC MẠNH NỘI LỰC CỦA CÁC DTTS TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI

HUYỆN CHƯ SÊ: HUY ĐỘNG SỨC MẠNH NỘI LỰC CỦA CÁC DTTS TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI

25/03/2020

     Huyện Chư Sê có 18 dân tộc thiểu số sinh sống với 12.894 hộ, 59.302 khẩu, chiếm tỷ lệ gần 43% dân số (trong đó phần lớn là dân tộc Jrai, BaNar còn lại là các dân tộc ít người khác), tạo nên sự đa dạng phong phú về văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, tỷ lệ ĐBDTTS chiếm gần một nửa trong tổng dân số cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với huyện trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Nên biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là huy động sức mạnh nội lực của các DTTS để xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp là việc huyện luôn quan tâm chỉ đạo hàng đầu.
     Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể của huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong ĐBDTTS để dân nghe, dân hiểu, đồng tình và làm theo; tạo được sự đoàn kết thống nhất giữa các thành phần dân tộc trong phát triển KT-XH. Quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế…để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân và của Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ĐBDTTS.


     Huyện cũng luôn quan tâm và tranh thủ phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS trên toàn huyện, xem đây là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với người dân; có ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền, vận động ĐBDTTS xây dựng Đảng, chính quyền, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo ANCT-TTATXH tại địa phương.
     Từ đó, đời sống của các DTTS trên địa bàn huyện được cải thiện đáng kể cả về vật chất và tinh thần; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Tình hình định canh định cư cơ bản ổn định; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc; kết cấu hạ tầng được tăng cường. Những giá trị văn hóa của ĐBDTTS trên địa bàn tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH chung của toàn huyện.
     Nhiều hộ gia đình ĐBDTTS đã biết kết hợp giữa truyền thống sản xuất của dân tộc với đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm; quan tâm tới hiệu quả sản xuất, tăng năng xuất lao động, biết sử dụng máy nông cụ và đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chuyển dần từ tập quán chăn thả rông sang chăn nuôi quy mô lớn, kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại. Tiềm lực từ mỗi hộ gia đình, mỗi người dân trong ý chí vươn lên làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo được đánh thức đã làm phong phú, khởi sắc thêm bức tranh về sản xuất, phát triển kinh tế của huyện nhà. Giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 8,08%, tổng giá trị sản xuất đạt 11.359 tỷ đồng, tăng 47,54% so với năm 2015. Các tiềm năng kinh tế được khai thác hiệu quả, nâng tổng diện tích gieo trồng toàn huyện lên 34.748 ha; tổng đàn vật nuôi: 189.515 con. Không những làm kinh tế giỏi, họ còn giúp đỡ các hộ khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật. Công tác giảm nghèo của huyện đạt kết quả, đến nay toàn huyện còn 1.668 hộ nghèo (hộ nghèo là người DTTS 1.490 hộ); hộ cận nghèo 2.622 hộ (hộ cận nghèo là người DTTS 2.256 hộ).
 

Cựu chiến binh Siu A Nhe, xã Ia Glai, tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi
 
     Tiêu biểu như Ông Siu Hueng –làng Greo Sek xã Dun trồng 6 sào lúa, 1000 cây cà phê, nuôi 10 con bò, trừ các khoản chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra gia đình ông đã giúp 5 nhân công có việc làm thường xuyên với mức lương 3.000.000 đồng/tháng. Ông Siu Hnơih làng Phăm Kleo xã Bar maih là người tiên phong trong việc vận động các hộ gia đình cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế; gia đình ông hiện có 600 trụ tiêu kinh doanh, 1.300 cây cà phê, 4 sào lúa nước, 8 con bò. Trừ chi phí mỗi năm thu trên 200 triệu đồng. Ông Kpuih Blom làng O Grưng, xã Ia Ko trồng 1,6ha cà phê, 600 trụ tiêu, 6 sào lúa, 3 ha mì, 1 ha điều, nuôi 24 con dê và 8 con bò, thu nhập bình quân trên 250 triệu/năm...
     Không chỉ đóng góp về phát triển kinh tế, ĐBDTTS còn góp phần bảo tồn và phát huy, làm cho văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng đặc sắc. Nhất là thông qua Phong trào TDĐKXDĐSVH, chương trình xây dựng Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… người dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác, tích cực tham gia hưởng ứng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khí thế thi đua sôi nổi và trở thành động lực thúc đẩy bà con xây dựng xóm làng ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. 10/14 xã trên toàn huyện đạt chuẩn NTM, 01 xã NTM nâng cao, huyện đang tiếp tục xây dựng các làng NTM trong làng ĐBDTTS; 97,6% thôn, làng văn hóa. ĐBDTTS đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; xây dựng và thực hiện theo quy ước, hương ước ở các thôn, làng; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; ngăn chặn và đẩy lùi các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội; tích cực động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, từ đó góp phần nâng cao trình độ dân trí cho ĐBDTTS. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương với 123 đội văn nghệ của các thôn, làng, 18 đội cồng chiêng, giữ gìn được 159 bộ cồng chiêng…hoạt động thường xuyên; các lễ hội, các làn điệu dân ca, nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc, đan lát, chế tác nhạc cụ...được duy trì, đã góp phần giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc.
 

anh Rlan Piơm, làng Gran, xã
Ia Hlốp với bộ chiêng cổ của gia đình
     Công tác xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa đã được phát huy hiệu quả. Một số thôn làng tự đóng góp, thậm chí nhiều cá nhân người ĐBDTTS đóng góp hàng chục triệu đồng để mua sắm các bộ cồng chiêng, hiến đất làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Sau khi trang bị được các điều kiện về cơ sở vật chất, già làng, những người có uy tín cùng với hệ thống chính trị thôn, làng đến từng gia đình động viên những người biết đánh cồng chiêng, múa xoang, kể khan, tạc tượng...và các nghề truyền thống khác truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu phải kể đến Ông Đinh Hoh làng Puih Jri xã Bờ Ngoong, Ông Siu Đôm - làng Amil, xã Ayun, Ông Rah Lan Huy - làng Nhă, xã Ia Blang, Ông Siu Dâu xã Ia Pal...Nhiều thôn, làng từng là điểm nóng về an ninh chính trị, từ chỗ được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm kinh tế, khôi phục lại các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc đã trở thành những điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như làng Yon, xã ia Glai; làng Pham Ngol, xã Bar Maih…
     Tuy nhiên, đời sống vật chất và tinh thần hiện nay của ĐBDTTS còn gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, trình độ dân trí thấp, thiên tai dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, giá cả nông sản xuống thấp. Một bộ phận đồng bào chưa ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, lười lao động. Đặc biệt có một số người nhẹ dạ cả tin, bị kẻ xấu mua chuộc, lôi kéo, xúi giục làm những việc sai trái, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện...
     Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết một lòng quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước về phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đồng thuận,tin tưởng về tương lai phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Quyết tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền chặt, vì sự nghiệp xây dựng Chư Sê văn minh, giàu đẹp.
                     BBT

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang