Tin tức > Đề án thành lập TTVH xã

Đề án thành lập TTVH xã

07/12/2018

Đề án thành lập TTVH xã Al bá

ỦY BAN NHÂN DÂN                                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       XÃ AL BÁ                                                               Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


Số:     /ĐA-UBND                                                         Al bá, ngày 12  tháng 7  năm 2018
                    
 
 
 
 
ĐỀ ÁN
Thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Al bá

  

Phần thứ nhất
ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH, THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG
VÀ SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP TRUNG TÂM
 
1. Đặc điểm tình hình
Xã Al bá là xã vùng 2 nằm cách trung tâm huyện 12 km về phía Đông bắc, có diện tích tự nhiên 2690,83 ha, Trong đó: Đất ở dân cư : 71,44 ha chiếm 2,64 %; Đất công trình công cộng : 74,15 ha chiếm 2,76 %; Đất nghĩa địa, nhà mồ, nghĩa trang: 7,25 ha chiếm 0,72 %; Đất chưa sử dụng : 267,4 ha chiếm 9,93 %; Đất mặt nước 24,48 ha chiếm 0,91.
- Phía Đông giáp xã Ayun
- Phía Tây giáp xã Dun
- Phía Nam giáp với xã Kông Htok
- Phía Bắc giáp xã Bờ Ngoong
Toàn xã có 1447 hộ với 6068 nhân khẩu, ( Trong đó dân tộc thiểu số 834 hộ ) có 11 thôn, làng, gồm 09 làng dân tộc thiểu số: Păng Roh, Ba boòng, Klah nhân, Klah bui, Nút riêng 1, Nút riêng 2, Roh lớn, Roh nhỏ, Ia Doa, và 02 thôn người kinh: Tứ Kỳ Nam, Tứ Kỳ Bắc.
2. Thực trạng hoạt động văn hóa, thể thao
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, hoạt động văn hóa, thể thao của xã đã được đầu tư một số cơ sở vật chất như: 01 nhà Rông Văn hóa với diện tích 150m2, quy hoạch khu thể thao của xã 12.900m2,  quy hoạch sân vận động xã diện tích 8.200 m2.
Trên địa bàn xã có 05  nhà sinh hoạt cộng đồng, 05 sân bóng đá, 06 sân bóng chuyền phục vụ các hoạt động Văn hóa thể thao tại các thôn, làng.
3. Sự cần thiết thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao
- Trung tâm Văn hóa – Thể thao là đơn vị thuộc hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, là nơi để nhân dân tiếp thu những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực; là nơi để nâng cao kiến thức, hưởng thụ những giá trị văn hóa dân tộc, bồi dưỡng năng khiếu, phát hiện tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể dục, thể thao, giao lưu, giải trí, giao tiếp văn hóa địa phương.
- Việc thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã với mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm sở thích và hướng đến hoàn thành tiêu chí số 6 trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới.
- Đáp ứng yêu cầu thực tế địa phương; nâng cao thẩm mỹ và xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa.
Phần thứ hai
NỘI DUNG THÀNH LẬP
TRUNG TÂM VĂN HÓA – THỂ THAO XÃ AL BÁ
I. Cơ sở pháp lý:
- Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
- Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định việc tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã; Thông tư 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sửa đổi bộ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định việc tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã.
- Căn cứ Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính Phủ về chức danh, số lượng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Căn cứ quyết định số 20/QĐ - UBND ngày 07/9/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị xã hội ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ quyết định số 250/QĐ - UBND ngày 23/3/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai Ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
II. Phương án thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao
1. Tổ chức quản lý:
- Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Al bá do Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ sở hiện có gồm: Nhà văn hóa, sân vận động, Đài truyền thanh, Trung tâm học tập cộng đồng xã.
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Al bá chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND xã Al bá, sự chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện.
2. Tên gọi:  Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Al bá
3. Chức năng:
 Tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;
 Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân tộc;- Bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân;
- Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia mọi hoạt động văn hóa, thể thao; phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Nhiệm vụ:
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm, trình UBND xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.
 - Đề xuất, tham mưu cho UBND xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa – thể thao trong phạm vi xã.
- Phối hợp với các ngành, đoàn thể ở xã để tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao ở các khu dân cư ở xã; xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng tác viên; quản lý tài sản, tài chính được giao theo chế độ hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
-  Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em.
-  Tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao do cấp huyện tổ chức.
          5. Quyền hạn:
          - Kiến nghị với UBND xã và cơ quan quản lý văn hóa cấp trên về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã.
- Được ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
          - Được cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn do cơ quan chuyên ngành cấp trên tổ chức.
          - Được mời những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực văn hóa - thể thao để hướng dẫn hoặc dàn dựng các chương trình hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã theo quy định của pháp luật.
          - Được liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
6. Cơ cấu bộ máy, tổ chức hoạt động
6.1. Bộ máy Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Al bá:
a) Chủ nhiệm: 01 người, do UBND huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã về toàn bộ hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Chủ nhiệm  phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp về chuyên ngành văn hóa - xã hội hoặc thể dục thể thao trở lên.
b) Phó Chủ nhiệm: 01 phó chủ nhiệm, do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
c) Cán bộ chuyên môn nghiệp vụ: 05 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ không chuyên trách, là những người đã qua đào tạo, tập huấn, gồm:
- 01 cán bộ văn nghệ quần chúng;
- 01 cán bộ hưỡng dẫn viên thể dục thể thao;
- 01 cán bộ biên tập viên tuyên truyền;
- 01 cán bộ kỹ thuật viên (âm thanh, ánh sáng, truyền thanh);
- 01 cán bộ công tác câu lạc bộ, công tác đội.
d) Cộng tác viên là lãnh đạo các ngành, đoàn thể ở địa phương và những người tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
6.2 Nội dung và phương thức hoạt động:
          a. Hoạt động tuyên truyền cổ động: Tổ chức các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng văn nghệ cổ động tại trung tâm và lưu động ở các khu dân cư trên địa bàn, phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương.
          b. Hoạt động văn nghệ quần chúng: Xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; các tổ, đội văn nghệ; bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào; tổ chức biểu diễn văn nghệ, các cuộc liên hoan, giao lưu hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm; tổ chức đón các đoàn văn công chuyên nghiệp về biểu diễn tại địa phương; khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ,… truyền thống ở địa phương.
          c. Hoạt động thể dục thể thao: Xây dựng và phát triển phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", tăng số lượng người, gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ở địa phương, đưa vào hoạt động của các lễ hội truyền thống, ngày Hội văn hoá thể thao ở các cấp; tổ chức các giải và đại hội thể dục thể thao định kỳ.
          d. Hoạt động câu lạc bộ: Xây dựng và phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên.
          e. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngày giỗ, ngày tết và các hình thức sinh hoạt văn hóa - xã hội ở địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội.
          f. Hoạt động triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng Nông thôn mới: Giúp Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" xã chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá", "thôn, làng văn hóa”, “xã văn hóa nông thôn mới”.
g. Các hoạt động văn hóa - thể thao khác: Tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa - thể thao; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa - thể thao, điểm hoạt động thể dục thể thao ở các thôn, làng; xây dựng thư viện, tủ sách, phong trào đọc và làm theo sách báo; tham gia các hội thi, hội diễn, thi đấu thể dục thể thao do UBND huyện tổ chức; phối hợp với các ngành, đoàn thể xã tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí phục vụ trẻ em và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
7. Cơ sở vật chất, trang thiết bị
 7.1. Cơ sở vật chất:
          a. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã được nhà nước giao đất sử dụng thuộc quỹ đất dành cho phúc lợi văn hóa - xã hội với diện tích theo quy hoạch đã được phê duyệt.
          b. Quy mô Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, theo quy hoạch tập trung tại Trung tâm xã, gồm các thành phần, chức năng chính:
          - Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã: là hội trường đa năng, dùng để tổ chức các hoạt động học tập cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, triển lãm; phòng đọc sách báo, đài truyền thanh xã, nhóm sinh hoạt câu lạc bộ sở thích và sân khấu ngoài trời.
          - Cụm các công trình thể dục thể thao: Có ít nhất một công trình thể dục thể thao như sân tập thể thao; nhà tập luyện thể thao và các công trình thể thao khác.
7.2. Trang thiết bị:
          a. Trang thiết bị nhà văn hóa xã hiện có: Chưa được đầu tư.
          b. Trang thiết bị thể dục thể thao: Chưa được đầu tư.
8. Kinh phí hoạt động
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã là đơn vị sự nghiệp, được ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị và đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
          - Công chức Văn hóa - xã hội là Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa - Thể thao; các cán bộ cấp xã kiêm nhiệm nhiệm vụ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao, cán bộ không chuyên trách hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã được hưởng chế độ, chính sách và phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
          - Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã chủ động tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ Văn hóa - Thể thao, hội phí sinh hoạt các câu lạc bộ, nhóm sở thích.
          - Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động Văn hóa - Thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn xã. 
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân xã Al bá:
- Căn cứ các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, Uỷ ban nhân dân xã xây dựng đề án, phối hợp phòng VH&TT, Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thực hiện đề án.
- Sau khi thành lập, Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định quy định, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã; quyết định bổ nhiệm Ban Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa – Thể thao theo đề án.
- Chỉ đạo chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động trình chủ tịch UBND xã phê duyệt theo quy định.
2. Đối với các cơ quan đơn vị của huyện:
Các cơ quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát, tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện, bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ Văn hóa, thể dục thể thao thiết yếu để Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã đi vào hoạt động chính thức; chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa – thể thao xã nhằm thực hiện đúng quy chế ban hành và đạt hiệu quả.
2. Đề xuất, kiến nghị:
- Việc thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Al bá là phù hợp với định hướng phát triển kính tế - xã hội của xã, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền. Uỷ ban nhân dân xã Al bá kính đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện, phòng Nội vụ, phòng VH&TT xem xét, quyết định thành lập.
- Đề nghị UBND huyện Chư Sê đầu tư, mua sắm trang thiết bị như: Bàn, ghế hội trường; Phông màn, Thiết bị âm thanh, ánh sáng, thiết bị truyền thanh; tủ, giá sách báo, tạp chí; Các dụng cụ thể dục thể thao chuyên dùng đảm bảo theo từng môn.
          Trên đây là đề án thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Al bá kính trình UBND huyện Chư Sê xem xét phê duyệt và ban hành quyết định./.
 
Nơi nhận:                                                                                                        TM. ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ
- UBND huyện;
- Phòng Nội vụ;
- Phòng Văn hóa và Thông tin;
- Phòng Tài chính – Kế hoạch;
- Lưu: VT.
 
 
 
 

 
 
 
 

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.