Thông tin tuyên truyền > Quản lý khai thác tài nguyên, thiên nhiên > Nâng cao hiệu quả thu hồi đất và trồng rừng trên địa bàn Gia Lai

Nâng cao hiệu quả thu hồi đất và trồng rừng trên địa bàn Gia Lai

11/05/2020

     Ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang tăng cường triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.
     Điều chỉnh kế hoạch và tháo gỡ khó khăn
Ngày 23-3-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1123/KH-UBND về thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh sẽ thu hồi tối thiểu 30.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm (năm 2017-2018 là 10.000 ha và năm 2019 là 20.000 ha). Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch này, UBND tỉnh đã sử dụng kết quả kiểm kê rừng năm 2014 và dựa trên kết quả rà soát 3 loại rừng với tổng diện tích đất lâm nghiệp là hơn 886.904 ha gồm: hơn 623.280 ha đất có rừng, hơn 263.623 ha đất chưa có rừng (hơn 178.717 ha người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp). Đến ngày 7-12-2017, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 100/NQ-HĐND về kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp là 741.193 ha; trong đó, 597.186 ha đất có rừng, 144.066 ha đất chưa có rừng (hơn 75.904 ha người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp)

Để Kế hoạch số 1123/KH-UBND phù hợp với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND và tình hình thực tế địa phương, Ban chỉ đạo (BCĐ) thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cấp tỉnh đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung. Theo đó, đối với diện tích rừng bị lấn chiếm nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp sau ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1685/CT-TTg thì diện tích nào có lập đầy đủ hồ sơ vi phạm phải thu hồi để trồng rừng. Còn đối với diện tích rừng bị lấn chiếm nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp đã được người dân sản xuất ổn định trước khi Chỉ thị 1685/CT-TTg ban hành, UBND cấp huyện, xã phải làm rõ hiện trạng sử dụng đất, phân loại đối tượng sử dụng, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để có giải pháp quản lý, chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Tổng diện tích dự kiến kê khai là 75.904 ha và được phân chia cụ thể: giai đoạn 2017-2019 là 30.000 ha, giai đoạn 2020-2022 mỗi năm là 10.000 ha và năm 2023 là 15.904 ha. Đến năm 2025, tổng diện tích dự kiến trồng rừng là 41.919 ha.
 
     Ngoài việc thống nhất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Kế hoạch số 1123/KH-UBND, các địa phương cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác thu hồi đất lấn chiếm để trồng rừng. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: “Hàng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng rừng thấp hơn rất nhiều so với diện tích phải thu hồi nên khó khăn trong việc triển khai thu hồi và quản lý. Do đó, chúng tôi đề xuất tỉnh khi giao kế hoạch thu hồi đất rừng cần gắn với chỉ tiêu trồng rừng để thu hồi đến đâu tiến hành trồng đến đó”. Còn theo ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, khó khăn mà địa phương đang gặp đó là khó xác định được thời điểm người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp trước hoặc sau khi Chỉ thị 1685/CT-TTg ban hành để áp dụng. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiến đã được người dân trồng cà phê, điều. Diện tích này đã cho thu hoạch ổn định và là nguồn thu nhập chính của người dân. Ngoài ra, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/năm đầu là không đủ để người dân mua giống cây lâm nghiệp về trồng. Tương tự, ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-bày tỏ: Việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cũng gặp không ít khó khăn do các hộ dân lấn chiếm thường là người dân tộc thiểu số. Hiện tại, họ đã trồng cây dài ngày và trồng lúa, mì trên đất lấn chiếm. Ngoài ra, những hộ này thường có hoàn cảnh khó khăn, còn thiếu hụt về lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày nên việc vận động chuyển đổi rất khó. Nhận thức của người dân còn hạn chế, có tâm lý sợ mất đất, không kê khai trung thực. Ngoài ra, một phần diện tích bị lấn chiếm là của những hộ dân ở địa phương khác qua xâm canh cũng gây khó khăn trong công tác tiếp cận để vận động.
 
      Tập trung nâng cao hiệu quả thu hồi và trồng rừng

     Từ năm 2017 đến nay, BCĐ các cấp đã tổ chức 1.005 đợt tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng với 75.470 lượt người tham gia; vận động người dân kê khai diện tích nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là hơn 28.327 ha. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng toàn tỉnh đạt 18.114 ha.
 
Việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trả lại cho mục tiêu phát triển lâm nghiệp và giao cho người dân để trồng lại rừng có hưởng lợi vừa góp phần nâng cao độ che phủ rừng, vừa tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập. Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã triển khai kế hoạch cho tất cả các chủ rừng, xã có rừng. Theo đó, huyện Kbang phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ thu hồi xong toàn bộ diện tích là 1.070 ha. Kbang có thuận lợi là được quy hoạch trồng khoảng 600 ha mắc ca. Do đó, chúng tôi triển khai vận động người dân chuyển đổi và đã trồng được 554 ha cây trồng này. Huyện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số 30% kinh phí mua giống cây mắc ca để trồng. Ngoài ra, trên những khu vực đất dốc, huyện vận động người dân chuyển đổi qua trồng keo lai”.
 
     Tại huyện Ia Grai, ông Lâm Văn Long cho rằng: “Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hồi đất rừng và trồng rừng. Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan trong việc triển khai kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng, có báo cáo với UBND huyện hàng tuần. Hạt cũng đã đề xuất với UBND huyện năm tới sẽ triển khai cho những hộ đăng ký trồng rừng, trưởng thôn, già làng đi tham quan một số mô hình trồng rừng hiệu quả để người dân học hỏi và làm theo”.
 
     Để triển khai hiệu quả việc thu hồi đất rừng và trồng rừng theo kế hoạch, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cấp tỉnh-cho biết: Thời gian qua, BCĐ cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực hiện việc thu hồi đất rừng và trồng rừng tại các địa phương để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai. “Thời gian tới, BCĐ cấp tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn BCĐ cấp huyện, xã thực hiện tốt Kế hoạch số 1123/KH-UBND. Việc điều chỉnh kế hoạch cần phải sát với thực tế địa phương. Cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các giống cây lâm nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng và phù hợp với sinh kế của người dân. Đồng thời, các địa phương cần có giải pháp lồng ghép các chương trình để hỗ trợ người dân trong công tác trồng rừng. Các ngành, địa phương tiếp tục tập trung công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện thu hồi đất rừng và trồng rừng…”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
 
Theo  LÊ NAM

Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai                                                                    
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.